VIỆC NHỎ
Một lần, tôi gặp một thầy giáo dạy kỹ năng mềm cho thanh thiếu niên, kể rằng ở lớp học Nhân – Trí – Dũng của anh vừa diễn ra một hoạt động thú vị mà nếu có điều kiện, anh muốn tất cả trẻ con khắp nước mình được tham gia: Rửa chân cho cha/mẹ. Khi những đứa con tuổi ten ngồi xuống, nhìn sâu vào mắt cha mẹ, nói một lời yêu thương nào đó, rồi tỉ mẩn rửa từng ngón chân, từng gót chân đã chai sần, nhăn nheo in dấu thời gian khắc nghiệt của cha mẹ sẽ là trải nghiệm đặc biệt. Hẳn là rất đặc biệt. Tôi có thể cảm nhận điều ấy khi nhìn bức hình anh cho xem. Những ông bố mắt đỏ kè cố ngăn dòng nước mắt, những bà mẹ mặt đẫm nước. Và lũ trẻ con, chúng cười khi nước mắt tuôn rơi. Niềm vui và nỗi xúc động dâng trào của họ lan sang tôi, rưng rưng…
Bằng tuổi những bạn trẻ ấy, rất lâu rồi, có lần tôi bấm móng chân cho mẹ trong kỳ nghỉ hè thời sinh viên. Bấm móng chân để sửng sốt khi biết mẹ bị một móng chân cái bay mất từ bao giờ, hằn sâu thay vào đó là vết sẹo. “Do là lần đem than tổ ong vào bếp nhà bác bán phở. Nhà có con chó đẻ mà không hiểu sao họ quên nhốt chó, cũng quên dặn dò. Con chó thấy người lạ vào bếp, lo bị bắt mất con nên ngoạm lấy chân mẹ không sao dứt ra được”. “Máu chảy nhiều không mẹ?”. “Nhiều, suýt ngất”. “Sao mẹ không kể?”. “Chuyện nhỏ mà, kể chi?”. Lúc ấy, đứa con gái yếu đuối của mẹ phải cúi mặt giấu nước mắt vì chỉ nghĩ việc bị hàm răng bén nhọn, hung dữ của một con chó đẻ ngoạm chặt lấy, chỉ nghĩ máu phun ra và mẹ tập tễnh bước thấp bước cao xoay chuyển hàng trăm viên than tổ ong với vết thương ấy… cũng đủ để khiến tôi chùng lòng. Mẹ tôi là thế, luôn giấu nỗi đau của mình…
Nếu như tôi không ngồi xuống cắt móng chân cho mẹ mình, một việc nhỏ thôi, hẳn tôi không biết đến có một nỗi đau mẹ từng chịu và xem đó là chuyện nhỏ. Đó chỉ là một trong số vô cùng nhiều những “chuyện nhỏ” không hề nhỏ khác mẹ đi qua, trên con đường mưu sinh nuôi nấng con mình. Để rồi, khi gặp những khó khăn, tôi có thể thấy an lòng hơn khi nghĩ rằng, mình là con gái mẹ, nhất định phải mạnh mẽ vượt qua.
* * * * *
Mỗi sáng tôi vẫn đi tắt qua một con hẻm nhỏ để đưa con trai đi học. Vẫn nhìn thấy cụ bà ngồi phía dưới hàng rào hoa bìm bìm mặt không vui không buồn nhìn người qua kẻ lại. Cụ ngồi đúng chỗ ấy, thi thoảng di chuyển qua lại thật chậm, kiểu như để sưởi nắng, cũng có thể để ngó nghiêng người ta cho vui mắt vậy thôi. Quen thuộc đến độ, tôi nhớ được luôn những chùm hoa giả phía trước xe lăn của cụ. Lúc là chùm hoa nhỏ màu hồng, màu tím, lúc nhiều màu xen nhau. Rõ ràng chúng chẳng phải là một chùm hoa duy nhất treo lấy lệ cho có mà được thay phiên thường xuyên.
Ngày kia, tôi tình cờ nhìn thấy anh con trai trước khi đẩy xe đi làm, nán lại thay bó hoa nhỏ. Tôi bất giác mỉm cười khi nhìn anh làm việc ấy rất nhanh nhảu, kiểu như đã quá quen, rồi cúi xuống hôn nhẹ lên má bà cụ. Một hành động nhỏ thôi, chút xíu thời gian, chẳng đáng kể gì trong chuỗi 24 giờ mà có giá trị như một giai điệu thật đẹp, trong lành cứ thế lan tỏa.
Chị bạn tôi vẫn thường kể những kỷ niệm nhỏ, câu chuyện nhỏ với người mẹ tuổi ngoài 80 của mình. Bà cụ lẫn, tính nết khó chiều và trở về như em bé. Mỗi buổi đi ngủ, khuya thật khuya vẫn ráng chờ “Con K.”. Phải có chị dỗ dành, bà mới chịu ăn ngoan. Rồi thi thoảng bà muốn được con gái, cháu trai dẫn đi dạo, được thằng cháu to cồ cõng trên lưng. Trời ơi, tôi thấy gương mặt bà rạng rỡ và đáng yêu như một đứa trẻ. Tựa như nét thiên thần trên gương mặt trẻ thơ, không cần vướng bận gì những lo toan, ưu tư ngoài kia mới có những cảm xúc ngọt lành, tuyệt vời đến vậy.
Tôi chỉ có mối quan hệ sơ giao với chị bạn. Nhưng, trong những khoảnh khắc ấy, nụ cười của mẹ con, bà cháu gia đình nhỏ của chị đã chạm vào tim tôi. Và tôi luôn biết ơn điều ý nghĩa đó.
Anh con trai, hay chị bạn tôi kể, họ hạnh phúc hơn rất nhiều người con như tôi, sớm mất mẹ. Tôi luôn nhìn các cụ già đi đứng nói cười, đôi lúc tự hỏi ở tuổi ấy mẹ mình sẽ ra sao nhưng chịu không thể tưởng tượng ra. Mẹ luôn dừng lại trong ký ức tôi, ở tuổi 63, chưa kịp già.
Anh con trai và chị bạn ấy hạnh phúc hơn cả những người con còn có ba, mẹ già và luôn thấy phiền hà về chuyện ông bà già. Họ không tìm được niềm vui chung. Họ không bao giờ hiểu rằng một bó hoa giả chẳng bị héo đi vì thời gian thì vẫn cần phải thay đổi để mẹ mình có thể vui lòng hơn khi nhìn vào sự tươi mới. Niềm vui của mẹ có thể chẳng cần thể hiện qua ánh mắt, nụ cười nhưng vẫn được một đứa con biết yêu mẹ nhìn ra và trân trọng. Họ không bao giờ hiểu rằng “đời người có hai lần trẻ con” không chỉ là một quy luật cuộc sống, nó còn để nhắc rằng khi xưa ta bé, ta được bố mẹ cưng nựng yêu thương tuyệt đối thì giờ, bố/ mẹ ở cuối dốc cuộc đời, quay lại tuần hoàn khắc nghiệt của thời gian, mình cũng cần dành lòng yêu thương tuyệt đối cho bố/ mẹ.
* * * * *
Thực tình thì, có những việc nhỏ thôi, mà đi cả đời vẫn có những người vẫn canh cánh ước ao được làm như ai đó.
Thực tình thì, có những việc nhỏ thôi, mà có những người chẳng bao giờ có thể làm dù luôn có cơ hội, để hiểu trọn vẹn giá trị hạnh phúc. Hạnh phúc với họ có lẽ chẳng phải ở trong tim, ở đâu đó xa xôi và chẳng bao giờ tìm kiếm ra.
Và có những việc nhỏ thôi, mà có sức lan tỏa yêu thương rộng khắp. Bạn nhớ chứ, tiếng gọi mẹ đâu rồi, ánh mắt tìm mẹ của một bạn cầu thủ nổi tiếng sau trận đấu mà anh là người ghi bàn thắng quyết định cho đội tuyển Quốc gia. Tiếng gọi và ánh mắt ấy chạm vào trái tim tất cả mọi người, cả người mê bóng đá lẫn không biết xem bóng đá như tôi…
Nếu bạn nghĩ đến những điều to tát dành cho bậc sinh thành, thì trước hết, trái tim bạn hãy hướng tới những việc nhỏ thôi, khi còn chưa muộn.