Công ty mình có một văn hoá rất đặc trưng và đặc sắc, ấy là nói xấu sếp. Đừng nghĩ nói xấu sếp là xấu, phân tích ra mới thấy nói xấu sếp có nhiều cái lợi vô cùng.
Đầu tiên, nói xấu sếp là cách xả stress cực kỳ hiệu quả. Có những ngày chạy deadline tụt quần, không gì có thể khơi dậy cảm hứng làm việc và có tính giải trí cao như việc nói xấu sếp. Ai giao deadline cho ta? Sếp. Ai doạ trừ lương nếu ta chậm deadline? Cũng chính là sếp. Vậy thì còn ai xứng đáng hơn để ta xả hết bực dọc này ngoài sếp? Tất nhiên là chỉ dám xả lén sau lưng thôi chứ ai dại mà xả trước mặt. Có lần bọn mình đang say sưa ngồi kể tội sếp thì sếp từ đâu lù lù xuất hiện với nụ cười hiền từ như Chí Phèo đi tìm lương thiện. May mà sếp vừa mới lên sếp cách đây ít lâu nên không lạ gì thú vui nói xấu sếp của bọn nhân viên chạy deadline nên mấy thầy trò Đường Tăng bọn mình mới bình yên vượt qua kiếp nạn. Với kinh nghiệm nói xấu sếp lâu năm, mình cũng xin lưu ý thêm là trước khi nói xấu sếp, các bạn phải đảm bảo trong đám không có đứa nào có tính mách lẻo. Hậu quả ra sao thì chắc các bạn tự hiểu.
Ngoài tác dụng xả stress thì nói xấu sếp còn là hoạt động tập thể giúp tăng tính gắn kết giữa các nhân viên của công ty. Điểm chung của tất cả mọi người trong công ty – từ anh bảo vệ, cô lao công cho đến anh kỹ thuật viên hay chị kế toán – còn có thể là gì khác ngoài việc “ghét” sếp? Từ chỗ không thân quen, không có điểm chung trong công việc, tính cách, sở thích, không có gì để nói với nhau, nói xấu sếp là một chủ đề mà ai cũng thích, ai cũng có thể tham gia. Nhờ đó, khoảng cách giữa nhân viên sẽ được rút ngắn lại và biết đâu cuộc nói chuyện sẽ gợi mở ra những điểm chung mà trước đó ta không hề biết tới. Team building là đây chứ cần gì phải đi đâu xa xôi.
Nói vui vậy thôi chứ nói xấu sếp chưa chắc đã là tiêu cực. Đôi khi nhân viên nói xấu sếp không phải vì sếp thực sự xấu hay nhân viên ghét bỏ gì sếp. Đôi khi nói xấu sếp lại biểu hiện cho mối quan hệ hoà hợp, gần gũi giữa sếp và nhân viên. Bởi sếp cũng là con người và đã là con người thì phải có ưu khuyết điểm chứ làm gì có ai hoàn hảo. Nếu sếp chỉ thích nghe nịnh, nghe khen thì khác gì đứa cháu nhà mình đang học mẫu giáo, làm gì cũng phải vỗ tay hoan hô: Ôi Cún biết gọi mẹ để đi tè rồi, giỏi quá – Cún biết tự xúc ăn rồi, giỏi quá – Cún biết rửa tay trước khi ăn rồi, giỏi quá… Cơ mà khen kiểu đấy cũng chỉ dụ được mấy em bé thôi chứ lớn thêm vài năm nữa thì chúng nó cũng chán.
Nói xấu sếp chỉ là một trong số những điều làm nên văn hoá đặc trưng của công ty mình: Đó là vừa làm vừa chơi. Làm cùng với nhau như đồng nghiệp, chơi cùng với nhau như bạn bè. Thế nên dù lương không quá cao, hay bị phạt trừ lương, không có nhiều ngày nghỉ nhưng nhân viên vẫn ngại nghỉ việc kể cả khi có cơ hội lý tưởng hơn ở những công ty khác. Thế mới biết, việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp quan trọng như thế nào, nhất là khi bạn là chủ doanh nghiệp và bạn không có nhiều tiền để giữ chân nhân viên bằng những lợi ích đo đếm được.