Vấn đề xã hội hóa giáo dục

Xã hội hóa giáo dục là vấn đề được phụ huynh học sinh và dư luận dành sự quan tâm trong nhiều năm qua. Mới đây, liên quan đến nội dung này, dư luận ở Nghệ An lại nổi sóng bằng các quan điểm trái chiều sau khi truyền thông xã hội và báo chí phản ánh một số trường học thu tiền học sinh để tổ chức hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm ngoài trường học. Đặc biệt, việc giáo viên chủ nhiệm ở một ngôi trường nổi tiếng tại thành phố Vinh có thái độ ứng xử chưa chuẩn mực với học sinh, do phụ huynh học sinh này yêu cầu được trực tiếp ký vào phiếu nộp tiền xã hội hóa của con mình đã làm dấy lên làn sóng phản ứng.

Tạm bỏ qua những sự việc cụ thể nói trên, thực tế vấn đề xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất trường học trong bối cảnh ngành Giáo dục còn nhiều khó khăn là chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước. Hoạt động xã hội hóa hướng đến mục tiêu tạo môi trường, điều kiện tốt nhất cho việc dạy và học của học sinh và giáo viên. Tuy nhiên, sự thiếu thống nhất, thiếu minh bạch, không đồng bộ về phương pháp thực hiện chủ trương này ở các trường học, địa phương đã khiến dư luận xã hội đặt câu hỏi về công tác xã hội hóa trong học đường.

Xây dựng dãy nhà học mới ở Trường THPT Kỳ Sơn.
Xây dựng dãy nhà học mới ở Trường THPT Kỳ Sơn.

Trên quan điểm xây dựng, bài viết dưới đây của tác giả Nguyễn Văn Thông đã đi sâu phân tích, làm rõ vai trò, vị trí của hoạt động xã hội hóa trong trường học, đồng thời tạo ra diễn đàn mở để mọi người cùng tham gia trao đổi, chia sẻ, bàn luận:

“Xã hội hóa giáo dục – cứ ngỡ rằng đây là một vấn đề đã có sự đồng thuận cao từ lâu, nhưng hóa ra vẫn như mới sau những việc xảy ra thời gian gần đây. Nào là học phí, nào là vấn đề học thêm, đóng kinh phí xây dựng, cải thiện điều kiện dạy học, nào là hoạt động ngoài nhà trường… Tất thảy đều có thể là nguyên nhân của những ứng xử trái ngược nhau.

Xã hội hóa giáo dục là một chủ trương lớn, đúng của Nhà nước ta trong những năm vừa qua. Khi mà các nguồn lực của Nhà nước chưa đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, để cải thiện điều kiện dạy – học thì chủ trương xã hội hóa đã giúp cho ngành Giáo dục vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để tiếp tục phát triển, đáp ứng nhu cầu trang bị kiến thức, rèn giũa nhân cách, đào tạo nhân lực cho CNH, HĐH đất nước. Điều đáng mừng là chủ trương này, về mặt nguyên tắc nhận được nhiều sự ủng hộ của đa số nhân dân; các bậc phụ huynh học sinh đồng lòng, ghé vai cùng Nhà nước, cùng nhà trường quyết tâm giành những gì tốt đẹp nhất cho con trẻ.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT số 2 học trên máy vi tính.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT số 2 học trên máy vi tính.

Tuy nhiên, việc xã hội hóa có nghĩa là phụ huynh học sinh phải đóng góp tài chính chứ không được miễn nghĩa vụ hoàn toàn như cơ chế bao cấp thời trước từ phía nhà trường (Nhà nước). Trong khi đó điều kiện kinh tế của phụ huynh khác nhau, dẫn đến có sự phân hóa và nhiều chuyện rắc rối nảy sinh từ đây: Người có điều kiện thì đồng lòng cao, người ít có điều kiện thì băn khoăn thậm chí phản ứng. Bên cạnh đó một vài nhà trường lại muốn có thành tích hoặc suy nghĩ giản đơn, chủ quan nên triển khai chủ trương một cách nóng vội, nhiều lúc làm sai nguyên tắc tự nguyện. Giáo viên (chủ yếu là giáo viên chủ nhiệm) cũng bị áp lực nếu/khi kế hoạch của lớp mình chưa đạt tiến độ. Vậy là xảy ra vài chuyện đáng tiếc như chúng ta đã thấy trong thời gian gần đây.

Để khắc phục, chấn chỉnh tình hình, thiết nghĩ phải tư duy lại nhiều vấn đề:

Thứ nhất, những ai có trách nhiệm trong việc giáo dục con trẻ, việc giáo dục con trẻ bắt đầu từ đâu? v.v…

Có ai đó sẽ nói, việc này thì liên quan gì tới chuyện xã hội hóa trong giáo dục!

Có đấy!

Này nhé: Lâu nay rất nhiều người cho rằng dạy dỗ con trẻ là việc của nhà trường, mọi việc phó thác cho thầy cô; phụ huynh trả học phí, thầy cô phải giảng dạy. Việc này giống như chuyện mua bán vậy: một bên trả tiền, một bên cung cấp dịch vụ. Khi suy nghĩ mang tính “thị trường” thì tất nhiên người ta cũng sẽ ứng xử theo kiểu “thị trường”, nhưng đáng tiếc lại là mặt trái của thị trường.

Nếu nhận thức rằng, giáo dục con trẻ là trách nhiệm của gia đình, bắt đầu từ gia đình, gia đình cũng là “một nhà trường”; giáo dục là trách nhiệm của xã hội cùng với trách nhiệm của nhà trường thì cách tiếp cận các vấn đề, trong đó có chủ trương xã hội hóa và xử sự với các vấn đề nảy sinh, sẽ hoàn toàn khác.

Trường THPT Thanh Chương 1 chuẩn bị trang thiết bị phòng học STEM.
Trường THPT Thanh Chương 1 chuẩn bị trang thiết bị phòng học STEM.

Thứ hai, Nhà nước nên mạnh dạn quy định mở rộng hơn những khoản đóng góp bắt buộc chứ đừng né tránh khi dùng các từ ngữ như: tự nguyện, khuyến khích, tài trợ Điều này giúp cho mọi người nhận thức đúng đắn hơn về trách nhiệm của mình và đồng thời phòng ngừa sự tùy tiện từ phía cơ sở giáo dục.

Thứ ba, hãy giải phóng giáo viên hoàn toàn khỏi các nhiệm vụ như là kế toán, thủ quỹ, vận động hay làm hộ. Những việc này hãy để/yêu cầu hội phụ huynh làm. Giáo viên chỉ tập trung vào chuyên môn của mình là dạy dỗ, truyền đạt kiến thức cho học sinh. Khi giáo viên “không chỉ là giáo viên” thì hình ảnh của cô, thầy trong con mắt học sinh có thể sẽ khác theo hướng xấu đi.

Thứ tư, thay vì việc can thiệp thô bạo vào công việc của nhà trường, của giáo viên (như một vài tình huống đã xảy ra) thì phụ huynh hãy bình tình, cảm thông, đúng mực hơn trong ứng xử khi xảy ra những chuyện ngoài ý muốn. Nhân vô thập toàn, chẳng ai có thể “nắm tay được tối ngày” để luôn chuẩn mực. Đừng để chủ nghĩa dân tuý chi phối chúng ta khi có chuyện gì đó xảy ra trong ngành Giáo dục. Lòng vị tha cũng là một đức tính mà chúng ta muốn truyền cho con trẻ.

Thứ năm, nhà trường, các cô giáo, thầy giáo cũng cần chỉn chu, cẩn trọng hơn trong ứng xử với học sinh. Chữ nhẫn ở đây rất quan trọng. Và chúng tôi tin tưởng sâu sắc ở tính mô phạm, mà từ đó hình ảnh cô, thầy luôn là những hình ảnh đẹp trong cuộc sống này.

Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Nghi Phong (Nghi Lộc).
Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Nghi Phong (Nghi Lộc).

Thứ sáu, triết lý giáo dục, phương pháp dạy học, truyền thụ kiến thức cho học sinh cũng là những vấn đề lâu nay gây khó cho đội ngũ giáo viên và các nhà trường. Quan điểm, nhận thức của phụ huynh, của xã hội thì chín người, mười vẻ”. Giáo viên như người đẽo cày giữa đường: người thì đồng tình với phương pháp nghiêm khắc truyền thống, “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”; người thì lại đòi bình đẳng, ngang hàng tuyệt đối giữa người dạy và người học. Vậy là vị trí của cô giáo, thầy giáo thật chông chênh, v.v…

Rất mong mọi người cùng tham gia hiến kế để công tác xã hội hóa hoạt động giáo dục thực sự là một giải pháp tốt, phát huy hiệu quả, ngõ hầu nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục của chúng ta”.


Bài: Nguyễn Văn Thông
Ảnh minh họa: V.T – M.H