Hồi hôm, tôi ngồi với 2 người anh cà phê dê cà dê ngỗng, một anh bảo: Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai. Vậy thì thế giới hôm nay chính là lũ trẻ em hôm qua, là chính chúng ta chứ còn ai nữa? Cứ chửi bới xã hội hôm nay thế này thế khác, cứ kêu giáo dục hôm nay tệ hơn hôm qua là sao? Chính chúng ta mới là lũ đã tạo ra cái thế giới hỗn tạp này đấy thôi. Trách bọn trẻ hôm nay rồi phỏng đoán ngày mai làm gì, sao không bắt đầu từ chính chúng ta?
Anh bảo: Thực sự lũ trẻ con muốn gì ở bố mẹ? Quay trở lại ngày xưa, khi chúng ta là trẻ con, chúng ta muốn gì ở bố mẹ? Tôi nghĩ lại, ngày xưa, khi tôi còn bé, tôi muốn gì ở bố mẹ tôi ngoài việc họ sẽ đáp ứng tất thảy những gì tôi muốn – thế thôi. Trẻ con nghĩ giản đơn. Chỉ người lớn chúng ta làm mọi thứ trở nên phức tạp. Chúng ta cứ áp đặt mong muốn của chúng ta vào lũ trẻ rồi cho rằng chúng chả biết gì, chỉ là chúng ta muốn tốt cho chúng…
Trẻ con. Ai cũng từng là trẻ con. Cũng từng bị tổn thương bởi chính bố mẹ mình. Thậm chí là những tổn thương đầu tiên và trước nhất. Bởi đôi lần, chẳng thể tránh khỏi, những vô tình hay vô tâm của cha mẹ. Có người rồi sẽ lãng quên, có người vẫn không quên nhưng cũng không muốn nhớ. Nhưng có những người không thể quên nổi, thành sẹo lồi vĩnh viễn trong tiềm thức. Khoảng cách giữa cha mẹ và con cái vì thế mà gần hoặc xa tuỳ theo độ tổn thương ít hay nhiều và tuỳ theo việc nhớ hay quên ấy.
Cho đến khi chúng ta trở thành cha mẹ. Cho đến khi ấy chúng ta mới hiểu thấu được những gì cha mẹ chúng ta đã từng trải qua. Thường là chúng ta sẽ “cải tiến” cách dạy con từ nền tảng cha mẹ đã dạy mình thuở nhỏ. Sẽ không làm thế này với con, sẽ không làm thế kia với con. Nhưng vẫn có đôi người, đôi lúc, đôi nơi, chúng ta không tránh khỏi mà lặp lại đúng những vô tình, vô tâm ấy lên chính con mình vậy. Tôi vẫn luôn tự hỏi: Giáo dục liệu có phải là một quá trình lặp lại có cải tiến hay không? Mỗi khi mình làm tổn thương con mình giống như cha mẹ đã từng làm vậy với mình?
Vậy nếu như giáo dục là quá trình lặp lại, thế hệ sau là bản sao đã được nâng cấp từ thế hệ trước thì chính mỗi chúng ta cũng cần phải tốt hơn cha mẹ mình để hy vọng con cái mình sẽ tốt hơn mình. Các thầy cô cũng vậy, phải trở thành những giáo viên tốt hơn cả những giáo viên đã từng dạy mình. Tôi nghĩ đó chính là việc phải làm. Để bớt đi những câu “ngày xưa tốt hơn bây giờ” hoặc “bao giờ cho tới ngày xưa”…
Có một cậu em mới có con ít lâu nhắn tôi: Dạy con khó quá anh ơi! Tôi có nói ra những điều này. Rằng hãy bắt đầu từ chính cậu. Trở thành một người cha tử tế nhất có thể. Bởi cha mẹ luôn là tấm gương cho các con noi theo. Chính cách chúng ta làm cha thế nào sẽ dạy con chúng ta làm người thế nào. Nhưng cậu có nói về một nỗi hoảng hốt của cậu, và tôi cũng nghĩ là của một số người, rằng dù mình tốt ra sao nhưng còn xã hội xung quanh nữa. Đứa trẻ đâu chỉ lớn lên bằng chỉ đúng cách mình đã giáo dục con đâu? Mà xã hội thì nhiều lúc như điên lên hết cả. Rồi thầy cô. Rồi bạn bè chúng. Và đôi khi, là cả chính mình, người cha đầu tắt mặt tối, thậm chí nhiều khi phải gian dối để tồn tại, phải vấy bẩn mình để sống, để giữ nồi cơm nuôi các con.
Không! Đừng đổ lỗi cho xã hội đảo điên ngoài kia. Đừng vin vào bất cứ lý do nào để biện minh cho mình. Chúng ta đã có quá nhiều nguỵ biện trong cuộc sống đang diễn ra này. Rằng phải tồn tại trước khi được sống theo ý mình. Để rồi chính chúng ta lại“cải biến” một đứa trẻ trong veo thành đứa trẻ toan tính như ta. Để rồi ta đổ lỗi cho cuộc đời nhem nhuốc nên tạo ra những thế hệ trẻ nhem nhuốc. Như ô nhiễm ngoài kia, cá chết đồng loạt bên trong này, thiện lương trong đám trẻ cũng nhiễm khuẩn theo.
Nếu không phải từ chính bản thân thì từ đâu? Thay vì nguỵ biện sao không sửa chính mình? Như cái máy lọc nước này đây, khi nước nguồn đã thật nhiều ô nhiễm, người ta đã tạo ra những chiếc máy lọc nước. Một người cha, người mẹ sao không trở thành một chiếc máy lọc nước cho chính con mình? Bởi chúng sẽ được hưởng nguồn nước đầu tiên từ chính cha mẹ mình chứ không phải xã hội ngoài kia. Hãy cho chúng một nguồn nước tinh khiết – an toàn nhất. Để chúng có thể uống trực tiếp từ chính cha mẹ chúng, thay vì phải mua những gói giáo dục đóng chai dán nhãn tinh khiết ngoài kia mà vì lợi nhuận vẫn lén lút trộn lẫn thứ tinh khiết giả hiệu.
Tôi có 3 đứa trẻ. Thay vì tôi muốn chúng trở thành những ngôi sao sáng chói, tôi luôn bắt đầu bằng chính mình: Trở thành người cha tử tế nhất có thể trong mắt chúng. Cải tạo từ nguồn nước đang nuôi lớn chúng – là tôi. Trước nhất là như thế. Đầu tiên phải là như thế. Tôi có trở thành một nguồn nước tốt thì 3 đứa trẻ mới được hưởng. Chứ không phải là những thứ gì vĩ đại khác mà nhiều người vẫn theo đuổi. Tôi phải trở thành một nguồn nước mà 3 đứa trẻ nhà tôi có thể trực tiếp sử dụng mỗi ngày.
Việc của mình là giữ cho nguồn nước này không bị nhiễm khuẩn bởi những mê lực ngoài kia, bởi những cám dỗ, đua tranh, lợi danh hay bất cứ thứ gì có thể khiến mình nhiễm khuẩn. Tôi nghĩ vậy! Có cha mẹ nào cũng nghĩ vậy, như tôi?