Tích phân

TÍCH PHÂN

Tôi không có cái may mắn (hay bất hạnh?) được trải qua cảm giác thấp thỏm của các sĩ tử thi đại học ở Việt Nam.

Hồi tôi thi tốt nghiệp phổ thông ở Pháp, cảm giác áp lực có lẽ không thể so sánh được với bạn bè cùng lứa ở Việt Nam. Bên đó vào đại học công lập tương đối dễ, chỉ một số trường đào tạo các ngành đặc thù như kỹ sư, y, sư phạm cao cấp (vâng, sư phạm nhé) mới có độ khó và tỷ lệ chọi cao. Thậm chí, trước khi thi thì nhiều đứa trong số bọn tôi đã được nhiều trường nhận vào học, chỉ chờ thi tốt nghiệp đủ điểm nhận bằng là hoàn tất hồ sơ nhập học. Đi thi tốt nghiệp mà chúng tôi mang theo cả bánh kẹo, nước ngọt vào phòng thi (được luật cho phép hẳn hoi nhé), vừa làm bài thi vừa ăn uống, miễn đừng ăn những thứ gây tiếng động ảnh hưởng đến các thí sinh khác như bim bim, hạt cứng là được. Được cái thi tốt nghiệp bên đó tổ chức vô cùng kỷ luật, mỗi thí sinh một bàn riêng. Ai bị phát hiện gian lận sẽ bị cấm thi mấy năm. Thi xong đợt một, các thí sinh bị thiếu điểm trong mức quy định sẽ được đăng ký thi lại đợt hai, nói nôm na thì là “đậu vớt”. Không biết các trường khác thế nào chứ trường tôi có mỗi một đứa phải thi lại đợt hai.

Nếu nói chương trình phổ thông của Pháp dễ hơn ở Việt Nam thì kể cũng dễ thật. Nhưng nếu nói khó thì lại cũng có cái khó của nó. Dễ ở chỗ kiến thức các môn khoa học cơ bản như Toán, Lý, Hóa thường không sâu như ở Việt Nam. Hồi đó mẹ tôi vẫn gửi sách giáo khoa lớp 10, 11, 12 của Việt Nam sang cho tôi phòng khi học bằng tiếng Pháp không hiểu thì đọc sách tiếng Việt. Ai dè chương trình của Pháp thì tôi học ngon ơ, mà mở sách giáo khoa Việt Nam ra đọc thì thấy như đang lạc sang hành tinh khác. Mãi đến khi học năm hai đại học tôi mới té ngửa khi được dạy nhiều kiến thức có trong sách giáo khoa Việt Nam lớp 11, 12. Thế là tôi thở phào, thầm nghĩ may mà mình đi du học, chứ nếu học ở Việt Nam thì chẳng biết thi đại học kiểu gì?

Nhưng rồi cũng có một vấn đề, ấy là những kiến thức rất sâu ấy thường chỉ phục vụ cho các chuyên ngành đặc thù được phân hóa ở bậc đại học. Chứ nghĩ lại thì học sinh lớp 10, 11, 12 cần học ma trận với cả phép biến hình không gian để mà làm gì? Bằng chứng là sau khi tôi chuyển ngành học ở đại học thì mớ kiến thức Toán cao cấp, Vật lý và Hóa học cũng nhanh chóng bị tôi quên lãng luôn.

Thành thật mà nói, nếu được chọn một thứ để học những năm tôi 16, 17 tuổi, một thứ gì đó thực sự thú vị, một thứ gì đó thực sự có ích trong thời điểm đó và ngay cả về sau, tôi thà học chơi một loại nhạc cụ hay một môn thể thao thay vì học cách tính tích phân. Mà tích phân là cái gì ấy nhỉ?