“Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, nhưng khó hơn cả ngữ pháp có lẽ là cách xưng hô của người Việt.
Nhiều người bạn nước ngoài của tôi than phiền về việc tiếng Việt có quá nhiều đại từ xưng hô, trong khi tiếng Anh thì ngôi thứ nhất chỉ là “I” và ngôi thứ hai chỉ là “you”. Giới tính, độ tuổi, mối quan hệ thân sơ… tất cả đều không quan trọng và không ảnh hưởng đến cách xưng hô khi nói chuyện. Nhưng tiếng Việt thì lại khác, chỉ riêng ngôi thứ nhất đã có không dưới 10 đại từ: tôi, tao, ta, mình, anh, chị, em, cháu, con,… Tuỳ vào vùng miền, tuổi tác, mức độ thân thiết của mối quan hệ, thái độ của mối quan hệ mà người Việt lại dùng những đại từ xưng hô khác nhau. Một ma trận thực sự đối với người nước ngoài.
Nhưng mọi thứ không chỉ dừng lại ở đó, trên thực tế, ngôn ngữ phản ánh cả chuẩn mực đạo đức của cộng đồng sử dụng nó. Cách mà bạn xưng hô với người khác đồng thời phản ánh sự tôn trọng mà bạn dành cho họ – thường được mặc định bởi vai vế về tuổi tác. Tuy nhiên, tuổi tác liệu có đủ để định vị vai vế trong các mối quan hệ xã hội?
Tôi từng có vài lần va chạm với người khác khi tham gia giao thông. Có lúc lỗi thuộc về tôi, có lúc không, nhưng tất cả có chung một mẫu số: Tôi luôn phải nghe mẫu câu quen thuộc “Con nít ranh đi đứng vớ vẩn”. Tôi tin rằng nếu tôi mang thêm khoảng 20 tuổi trên mặt thì thái độ của họ đã khác. Và tôi cũng tin rằng nếu tôi ngang ngửa hoặc hơn tuổi đối phương thì tôi đã có thể phản bác lại mà không bị quy chụp ngay là “Trẻ ranh ăn nói mất dạy”. Kỳ lạ nhưng có thật, tuổi tác có thể là yếu tố quyết định việc bạn đúng hay sai trong một cuộc tranh chấp ở Việt Nam.
Mối liên hệ kỳ lạ nói trên hiện hữu trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, bằng nhiều hình thức khác nhau. Một ví dụ dễ thấy là việc bố mẹ luôn bắt con cái xin lỗi khi chúng làm điều gì đó sai trái nhưng hiếm khi nói lời xin lỗi khi bản thân họ không cư xử chuẩn mực. Tôi cho rằng đó là một sự bất công, và hơn cả thế, nó giáo dục trẻ nhỏ tư duy lệch lạc về định nghĩa đúng – sai. Bởi, không như chúng ta nghĩ, trẻ con hoàn toàn có thể nhận thức được khi bố mẹ làm gì đó không đúng. Thay vì suy nghĩ rằng đó là điều không nên làm, chúng sẽ nghĩ: Người lớn có quyền được sai. Để rồi khi đến lượt chúng trở thành người lớn, thay vì uốn nắn đạo đức, chúng sẽ lạm dụng cục gôm thần kỳ có khả năng tẩy trắng lỗi lầm – Cục gôm mang tên “tuổi tác”.
Điều tôi sẽ nói tiếp theo đây có thể khiến một số người bị sốc. Một số có thể cảm thấy bị xúc phạm hoặc báng bổ. Nhưng thôi, hãy cứ coi như tôi là một người nước ngoài chỉ biết dùng “I” và “you” mà lượng thứ. Tôi vẫn luôn thắc mắc khi đi dự các đám tang và nghe những bài điếu văn ca ngợi người đã khuất như một con người hoàn hảo: hào hiệp, trung thực, yêu chính nghĩa, quan tâm và hy sinh cho mọi người,… Nếu ai cũng tốt đẹp như vậy thì tại sao thế giới vẫn đầy rẫy khổ đau và tội ác? Hay là những người xấu không bao giờ chết đi?
Sự thật không phải bao giờ cũng tốt đẹp. Đó là lý do vì sao chúng ta thường lảng tránh nó, tự đánh lừa bản thân bằng những bức tranh màu hồng về cuộc sống, về con người. Đôi khi về chính mình. Tôi từng bật cười trước một tấm biển quảng cáo của shop quần áo “Ở đây có bán quần áo che đậy được nhân cách xấu xa của bạn”. Che đậy là bản năng của con người và tuổi tác chính là một trong số những vỏ bọc phổ biến nhất. Nhưng suy cho cùng, tất cả chúng ta đều hiểu rằng, sự tôn trọng lấy tuổi tác, vai vế làm nền tảng ấy cũng chỉ là một sự giả dối mà thôi.