THÀNH CÔNG SỚM LÀ THUỐC PHIỆN CỦA TUỔI TRẺ
Khi sắp sửa không còn được coi là người trẻ nhưng vẫn ngày ngày được làm việc, tiếp xúc với nhiều người trẻ, tôi thấy mình may mắn khi được chứng kiến sự giống nhau và khác nhau giữa các thế hệ. Nhìn vào các em hôm nay, tôi thấy mình của 5 hay 10 năm trước: chung nhau những đam mê cuồng nhiệt và giống nhau cả một số điều dại khờ, ngốc xít. Trả học phí cũng kha khá bằng những tháng năm rực rỡ của mình, tôi cũng để dành được một số bài học để đời, chia sẻ lên đây, để biết đâu sẽ là ít nhiều có ý nghĩa với một ai đó vẫn-còn-đang-trẻ.
1. Hãy sẵn sàng “để được” bóc lột
Thời nào cũng thế, giữa tuổi ăn, tuổi chơi, mà bị sếp kêu “Em ơi làm thêm cái này đi”, “Làm cho xong rồi mới về nhé”… thì y như rằng ông bà sếp đó sẽ rất dễ bị đám nhân viên trẻ dán mác là “bóc lột”. Nếu ai đó “bóc” thời gian và “lột” công sức, kiến thức hay kỹ năng của bạn cho một công việc chân chính có trả công sòng phẳng, thì cũng là lúc họ đang trao tặng cho bạn kinh nghiệm mà những người ngồi không chẳng bao giờ có được. Đối với người trẻ, điều đáng sợ nhất là không có gì để người ta bóc lột. Thất tình không dễ gây bất bình bằng thất nghiệp.
Thế nên, nếu bạn có một việc làm, hãy tự nhắc mình mỗi ngày về điều may mắn đó, vì mỗi năm Việt Nam có ít nhất 200.000 tân cử nhân không có được điều may mắn đó: bị-bóc-lột; và hàng chục ngàn người khác tốn rất nhiều tiền để sang xứ người để được người ta bóc lột. Lao động là vinh quang hay là bóc lột, tất cả là do cách nghĩ của bạn.
2. “Thành công sớm là thuốc phiện của tuổi trẻ, giúp bạn thăng hoa nhưng cũng có thể… chôn vùi bạn”.
Hơn bất kỳ giai đoạn nào của đời người, người trẻ khao khát thành công sớm hơn thứ gì khác. Quả thật nó là một thứ chất gây nghiện đầy cuốn hút; khi mà chúng bạn còn ngơ ngác nơi giảng đường hay dò dẫm bước vào đời mà bạn đã có được chút thành tựu nổi bật: vài giải học sinh giỏi, vài lần được tuyên dương, dịch được một cuốn sách khó hay đơn giản là sự nổi trội được ghi nhận hơn bạn bè ở một lĩnh vực nào đó.
Tôi đã bỏ khá nhiều thời gian để đi tìm câu trả lời: “Vì sao những đứa bạn học giỏi nhất lớp của mình ở các cấp sau này khi ra trường không phải những nhân vật thành công nhất?”
Nghe có vẻ vô lý, nhưng từ vô minh đến tường minh, tôi đã hiểu rằng một trong những nguyên nhân rất lớn là vì… họ đã vô tình thành công sớm và tâm lý “ăn mừng” của họ kéo dài quá lâu. Ôm khư khư ánh hào quang đó quá lâu, bạn sẽ dễ bị nhiễm ảo giác tâm lý: “Ta giỏi lắm, ta vĩ đại lắm, ta có thể thay đổi thế giới” và ta chẳng cần cố gắng gì thêm nữa cả. No-No-No!
Trong khi bạn còn đang say giấc trong cơn mê của những chiến thắng còi, thì hàng trăm, hàng ngàn những người có vẻ kém hơn bạn, ít ồn ào hơn, thì lại “biết thân, biết phận” nên sẽ chuyên tâm vào một mục tiêu thực tế gần gũi hơn, và càng cọ xát nhiều với những thất bại, khả năng thành công của họ lại càng lên cao, vì chẳng ai là thất bại, trừ khi họ không học được gì từ những thất bại đó.
Thành công giống như đại dương, nó không có giới hạn, và việc thành công sớm rất có thể sẽ thu hẹp định nghĩa của bạn về thành công đích thực nếu bạn ngủ quá lâu với nó. Giống kiểu bạn có tấm huy chương và bạn được mời đứng lên một cái bục, và bạn nghĩ rằng cái bục đó đã là đỉnh núi, trong khi đỉnh núi đích thực thì nó chẳng bao giờ chịu đứng yên như cái bục, và âm thầm cao hơn mỗi ngày. Tự ti có thể làm bạn chậm bước so với cuộc đời, nhưng quá tự tin thì có khi loại bạn hẳn ra khỏi cuộc đua, ngay cả khi bạn đang ở những chặng đua cuối.
3. Tôi chọn ai làm sếp của tôi, người đó là thầy của tôi.
Tổng kết những điều may mắn nhất cho tuổi trẻ của mình, tôi thấy rằng việc có gia đình, thầy cô và những người sếp khó tính, nghiêm khắc… là cực kỳ quan trọng. Bất cứ khi nào được phép lựa chọn, trừ khi không làm thì chết đói, thì tôi luôn đặt ra tiêu chí “chọn sếp” cho mình: Ai là sếp của tôi, thì họ chắc chắn tử tế và có điều gì đó giỏi giang hơn người, đáng để cho tôi phải học hỏi. Không nhất thiết phải là những điều vĩ mô, lý thuyết to tát… mà nhiều khi chỉ là những điều hết sức giản đơn mà tôi chưa biết.
Sếp của tôi đã từng là một anh chủ quán photocopy, một người chủ bếp, hay một thầy giáo… vài chục người như vậy, cho tới những nhà quản trị doanh nghiệp cấp cao dày dạn kinh nghiệm. Họ lướt qua cuộc đời tôi như những cơn gió, nhưng những gì họ để lại cho tôi là một phần sự tinh hoa trong nghề nghiệp và cuộc sống của họ. Nhờ công việc và tiếp xúc, họ sẽ vô tình gợi mở ra vô số những bài học để đời mà có tiền chưa chắc bạn đã học được ở các trường đại học danh tiếng. Họ chưa chắc đã nhớ hay tự hào về tôi, nhưng tôi luôn biết ơn và tự hào khi đã từng được là nhân viên của họ. Tất cả những người từng làm sếp của tôi đều giống nhau ở một điểm: cực kỳ nghiêm khắc – không ngừng đòi hỏi – và ý chí hơn người. Nghiêm khắc có thể làm bạn khó chịu chốc lát, nhưng hãy để thời gian làm bạn hiểu rằng nghiêm khắc cũng là hiện thân đẹp đẽ của tình yêu thương. Nếu họ không thích bạn, họ sa thải bạn, thế là xong, nhưng nếu họ còn bỏ công bỏ sức la mắng bạn một chút để bạn nhận ra cái chưa hoàn hảo của mình, thì chẳng phải họ đang thương bạn bằng ngôn ngữ của họ hay sao??? Sự nghiêm khắc cũng chính là chất kiềm quan trọng để trung hòa những ngày tuổi trẻ bồng bột đầy acid của bạn.
Nói tóm lại, đúng là “Thanh xuân như một chén trà”. Một chén trà chỉ ngon nhất, trọn vẹn nhất cả về hương sắc, mùi vị khi nó còn vừa đủ nóng, cũng giống như những nồng nhiệt, đam mê, và cả những dại khờ của tuổi trẻ. Và mỗi chúng ta đều chỉ được cuộc đời rót cho một chén duy nhất, hãy tận hưởng và nhấm nháp theo cách của mình, nhưng đừng để phải hối tiếc và cũng đừng quên…“Ngủ lâu lâu chút hết bà thanh xuân”.