THẰNG BÉ ĐẾN TỪ HÔM QUA
Thằng Nam nhà ở ngay cạnh nhà tôi. Học cùng lớp với nhau nên nó vẫn thường chở tôi đi học mỗi ngày dù không lần nào nó quên càm ràm chê tôi nặng muốn xịt lốp xe.
Một hôm, như thường lệ tôi đứng chờ nó qua nhà chở tôi đi học nhưng chờ mãi chẳng thấy bóng dáng nó đâu. Mãi đến khi còn 5 phút nữa là tới giờ vào lớp mới thấy nó hớt hải đạp xe như bay qua nhà, vội đến nỗi hôm ấy quên cả càm ràm về cân nặng của tôi. Kết quả là hai đứa vẫn đến lớp muộn và bị phạt đứng luôn ngoài cửa lớp hết tiết một. Tôi cáu kỉnh quay sang định càu nhàu thì thấy nó đang sụt sùi khóc. Thì ra con chó nhà nó bị người ta đánh bả, sáng nay lúc nó lấy xe chuẩn bị chạy sang nhà tôi thì phát hiện con chó chết cứng trong sân. Nguyên 1 tuần sau đó, ngày nào tôi cũng chạy sang lấy xe chở nó đi học, còn thằng Nam thì cứ đi học về là vứt cặp vào nhà, ra cổng ngồi khóc tu tu mặc cho tôi có dỗ dành cách mấy. Nó khóc đến mức bố mẹ nó phải ra quát tháo, bắt nó nín ngay không hàng xóm tưởng nhà có chuyện gì. Kể từ đó, nhà thằng Nam không bao giờ nuôi chó nữa.
Lớn lên, tôi và nó mỗi người đi học một nơi. Chẳng mấy khi gặp nhau nên tin tức về nhau cũng thưa thớt hiu quạnh đi. Thỉnh thoảng về thăm nhà, tôi chạy qua nhà nó chào bố mẹ nó rồi ngồi thẫn thờ trước cửa nhà nó, nhớ lại cái thời nó khóc thương con chó mũi dãi tèm lem trông buồn cười đến tội nghiệp. Ra trường, nó xin được việc làm trong một công ty nước ngoài có tiếng và nhanh chóng được đề bạt lên làm trưởng phòng. Gặp lại nhau trong những buổi họp lớp, thấy nó ăn vận com-lê, giày tây chỉnh tề, nói chuyện điềm đạm chín chắn hơn đám bạn đồng trang lứa. Thật lòng tôi mừng cho nó nhưng không tránh khỏi cảm giác mất mát hụt hẫng. Cái thằng Nam hay chở tôi đi học, cùng tôi đứng phạt ngoài cửa lớp ra sao, ngồi khóc đỏ mắt trước cửa nhà như thế nào, có lẽ giờ chỉ còn trong tâm tưởng của tôi mà thôi.
Thế rồi nó cưới vợ. Trước ngày cưới của nó 2 tuần, mẹ nó gọi điện cho tôi hỏi địa chỉ bệnh viện thú y. Thì ra cách đây 1 năm nó mang ở đâu về một con chó con bị bỏ rơi, vụng vụng về về nuôi và quấn quýt hết mực. Tháng trước vì phải sửa sang nhà cửa để chuẩn bị đám cưới, nó gửi chó về nhà dặn dò bố mẹ nó chăm hộ để qua đám cưới thì đón đi. Con chó bị ốm, bố mẹ nó lo sốt vó tìm nơi chạy chữa. Nhưng rồi 1 tuần trước ngày cưới, mẹ nó một lần nữa gọi cho tôi, thông báo câu được câu mất trong tiếng sụt sùi rằng con chó vừa mất sáng hôm đó, và rằng tôi đừng để thằng Nam biết được vì nó sẽ buồn. Chờ bao giờ qua đám cưới, mẹ nó sẽ tìm cách nói cho nó biết sao cho nhẹ nhàng nhất. Những buổi chiều năm xưa bỗng ùa về, dâng lên trong tôi một thứ tư vị mằn mặn như những giọt nước mắt của thằng bé ngồi gục đầu trên vai tôi khóc không ra tiếng.
Có lẽ trong cuộc đời, chúng ta vẫn thường phải chứng kiến sự đến và đi của vô số người mà ta yêu thương. Đó có thể là sự ra đi vật lý như khi một người đi đến điểm cuối của cuộc đời. Nhưng đó cũng có thể là sự ra đi của một hình bóng cũ. Đôi khi đó thậm chí là hình bóng của chính mình ngày hôm qua. Những cuộc chia ly ấy hẳn sẽ khiến ta mất mát nhưng chẳng có khoảng trống nào không lấp đầy được mãi. Bằng cách này hay cách khác, bằng thời gian hay một hình bóng mới. Hoặc đôi khi, bằng một sự thỏa hiệp với chính bản thân mình rằng ta phải chấp nhận thôi. Đổi thay là quy tắc vận động tất yếu của cuộc sống.
Nhưng thay đổi đâu có nghĩa là mất đi. Vì một vật không thay đổi đồng nghĩa với vật chết. Tình yêu, tình thân, tình bạn… tất cả đều thay đổi theo thời gian cũng như con người ta ắt phải già đi. Chưa chắc đấy đã là điều không tốt. Nếu đã không tránh khỏi, chi bằng ngẩng cao đầu tươi cười nghênh đón.