Tôi có một cô bạn phóng viên vô cùng tò mò. Không biết vì có tính hiếu kỳ nên cô ấy chọn nghề này, hay tính tò mò là bệnh nghề nghiệp của cô ấy. Tóm lại, cứ ở đâu có biến là cô ấy nhanh chóng có mặt ngay.
Hôm nọ chúng tôi đi chơi, đang chở tôi đi trên đường, cô ấy bỗng phanh kít lại. Tưởng có chuyện gì, tôi hỏi:
– Sao thế mày, xe hỏng à?
– Không, nhưng mà đằng kia có tai nạn, vào xem tí không mày?
– Mày hâm à, tai nạn thì có gì mà xem?
– Nhưng mà đông người xem quá, chạy vào xem tí thôi xem có gì hay không!
Tôi phải can gián rã cả nước bọt mới khiến nó bỏ ý định và lên xe đi tiếp. Ấy thế nhưng hôm sau, vừa gặp nhau tôi đã nghe nó ba hoa liên hồi về vụ tai nạn hôm trước. Thì ra sau khi chở tôi về nhà (bằng tốc độ “bàn thờ”), nó ba chân bốn cẳng phi ngay ra chỗ xảy ra vụ tai nạn để hóng “biến”.
Chẳng nói đâu xa, ngay như vụ hai đối tượng buôn ma tuý ôm lựu đạn và vũ khí nóng cố thủ trong nhà – tất nhiên cô bạn tôi không thể vắng mặt trong một vụ “biến” đình đám như vậy. Hôm ấy tôi không ở Vinh nhưng vẫn được cập nhật đầy đủ mọi diễn biến và hình ảnh của vụ việc. Không muốn biết cũng khó khi mà facebook của bạn bè tôi tràn ngập những hình ảnh, clip quay hiện trường vụ việc. Ấn tượng nhất là bức ảnh chụp lực lượng bắn tỉa nằm trên nóc một toà nhà cao tầng gần đó. Tôi vừa xem vừa gật gù thán phục trình độ tác nghiệp đưa tin tuyệt vời của các “nhà báo” không chuyên. Không chỉ tôi mà chắc hai tên tội phạm nấp trong nhà cũng nợ cư dân mạng một lời cảm ơn vì đã cập nhật thông tin kịp thời và chi tiết đến như vậy.
Ngẫm lại câu chuyện này, tôi chỉ thấy buồn cười – buồn quá rồi cũng chỉ biết cười trước tính hiếu kỳ thái quá của nhiều người. Từ chuyện trong nhà ngoài ngõ, chuyện lớn cho tới chuyện nhỏ, chuyện tầm phào cho đến chuyện nghiêm trọng, chuyện nhí nhố cho đến chuyện chết người, không gì có thể thoát khỏi ánh mắt tò mò, nhóm ngó của họ.
Đôi khi tôi thắc mắc không biết họ tò mò như thế để làm gì, những thông tin mà họ “săn” được có giúp ích gì cho họ không, hay cũng chỉ để làm chủ đề cho đôi ba câu chuyện làm quà giết thời gian trong một ngày nhàm chán? Hãy tưởng tượng một ngày, chính bạn sẽ trở thành nhân vật chính trong một câu chuyện để người đời nhòm ngó. Tưởng tượng một ngày bạn nằm phơi mình trên đường, xung quanh là đám đông xa lạ đang chỉ trỏ, chĩa điện thoại vào bạn và bàn tán về bạn như một bà nội trợ nhận xét về miếng thịt lợn bày trên thớt của bà hàng thịt – không hơn không kém. Hoặc tệ hơn thế, một ngày khi bạn đang say sưa hoà mình vào đám đông bàn tán và chỉ trỏ nhìn xuống một người xa lạ nào đó và bất chợt nhận ra, thân xác lạnh lẽo nằm kia thuộc về một người thân yêu của bạn. Bạn có còn thấy háo hức, tò mò nữa không?
Suy cho cùng, câu chuyện quy về sự khác biệt trong góc nhìn của chúng ta đối với một sự vật, sự việc. Cùng một câu chuyện đó, có thể là bi kịch với người trong cuộc nhưng lại chỉ là một tiết mục tiêu khiển của những người qua đường. Vấn đề là không ai trong chúng ta biết trước được đến bao giờ mình sẽ trở thành nhân vật chính trong đó. Vấn đề là không ai nghĩ đến điều đó. Ai cũng tự nhủ “Chắc nó chừa mình ra”. Nhưng làm gì có ai bị tai nạn giao thông, hay một loại sự cố gì đấy lại đi nghĩ trước trong đầu “À, hôm nay mình sẽ bị tai nạn” cơ chứ? Mọi chuyện cứ thế mà xảy đến thôi, chẳng cần báo trước.
Tôi không có thói quen tò mò tọc mạch vào chuyện của người khác. Có người sẽ nói tôi vô cảm. Có người cho rằng tò mò là một cách quan tâm nhau. Nhưng với tôi, sự quan tâm chỉ được công nhận nếu họ muốn giúp đỡ, hoặc đồng cảm với người trong câu chuyện. Còn nếu chỉ để đem nhau ra làm câu chuyện đãi bôi thì đó mới là sự vô cảm đáng sợ nhất giữa con người với con người.