Con gái tôi năm nay học lớp 2, để ý thấy ông già Noel phóng xe máy chạy ầm ầm ngoài đường, về thì thào nói với mẹ, nửa tin nửa ngờ: “Mẹ ơi, ông già Noel có thật không? Sao con thấy nhiều chú đóng giả ông già Noel chạy ngoài đường thế?”. Mẹ đánh trống lảng không trả lời. Là vì tôi không muốn can thiệp vào niềm tin mang tên “Ông già Noel” của bé. Trẻ con mau quên, sáng nay đi học, con bé vẫn háo hức chờ đến đêm nay, ông già Noel ròng dây bí mật thả quà vào cửa sổ chung cư. (Nhà không có ống khói và đóng cửa thì chắc chắn ông Noel sẽ bí mật ròng dây thả qua cửa sổ chứ gì nữa?).
Con bé vẫn có tí không hài lòng vì nhiều chú đóng giả ông già Noel đi ngoài đường thì lỡ có đứng cạnh ông Noel thật người ta cũng khó mà phân biệt. Lại cả có đứa trẻ về nói mẹ nghe ông già Noel xưng hô mày tao ầm ĩ, nói tục, hút thuốc lá… Biết rằng bộ quần áo không làm nên ông già Noel nhưng nếu ai đó đã khoác trên vai mình bộ áo của ông già Noel thì mong lắm thay, hãy đừng dội vào lũ trẻ gáo nước lạnh theo cách như thế.
Chuyên gia tâm lý Tô Nhi A (TP.HCM) kể, tối qua chị “sẩy chân” vô 1 group các ông bố bà mẹ “muốn – mình – thông – thái”. Ở đó, đang diễn ra 1 cuộc tranh cãi là “có cần phải nói dối trẻ là ông già Noel có thật hay không?”. Tình hình chiến sự rất sôi động và phấn khích. Vốn đã luống tuổi và không ưa ồn ào, chị đành lủi thủi đi ra! Nhưng vẫn vấn vương vài suy nghĩ: Ông già Noel có thật không? Đố ai dám nói là “Có” hay “Không” đầy bằng chứng thuyết phục! Năng lực nhận thức của loài người luôn có giới hạn. Những điều mà nhân loại định vị là “chân lý” thì chỉ chân lý trong cái giới hạn hiểu biết ấy mà thôi. Theo chuyên gia tâm lý cũng là bà mẹ trẻ này, vấn đề cốt lõi không phải là đứa trẻ bị buộc phải tin vào chuyện ông Santa có hay không có; mà là chúng ta cùng với con trẻ lớn lên, học cùng nhau, hạnh phúc cùng nhau ra sao với chất liệu cuộc sống ấy.
Con trai của chị Tô Nhi A, khi còn là học sinh lớp 3, nửa tin nửa ngờ về ông già mũm mĩm chui qua ống khói. Bé viết thư xin ông già Noel bộ đồ chơi mình yêu thích và bịch bánh tráng trộn cho em vì “em con chưa biết viết và em thích ăn bánh tráng”. Sau 2 năm, bạn ấy đã ngồi suy nghĩ: “sao người ta không làm dịch vụ ông già Noel cho nó thật hơn, ông già Noel mà ngồi xe máy chạy nhong nhong là thấy không chuyên nghiệp rồi!”. Và trong 2 năm qua, niềm tin ấy ở cậu bé là “tự sinh tự diệt”!.
Chị bạn chung cơ quan tôi là mẹ đơn thân, có hôm lên cơ quan với ánh mắt buồn buồn vì bị con trai trách: “Mẹ nói dối, làm gì có ông già Noel. Quà là do mẹ mua đặt dưới gốc thông. Con đã nhìn thấy…”. Chị buồn vì thằng bé lớp ba đã không còn tin vào cổ tích. Nhưng qua ngày hôm sau, vẻ mặt chị rạng ngời khi kể, thằng bé đi học về xin lỗi mẹ vì đã làm mẹ buồn khi nói “mẹ nói dối”. Nó còn tự nguyện đập heo, mua nhà búp bê cho em, mua quà cho chính mình và cho cả mẹ, rồi cùng mẹ đặt dưới gốc thông đêm Noel. Thằng bé tiếp tục thắp niềm tin về ông già Noel cho em gái 4 tuổi của nó dù nó nói với mẹ ông Noel không có thật. Điều ấy khiến chị ấm áp lạ kì, và nói không quá lời, chị bắt đầu cảm nhận nó có bờ vai đủ mạnh để chị dựa trong tương lai.
Tôi đặc biệt thích không khí Giáng sinh nơi tôi đang sống. Nơi mà những bệnh viện tràn ngập lời ca, tiếng đàn, quà tặng từ những ông già Noel trao cho bệnh nhân. Chỉ nhìn ánh mắt lấp lánh niềm vui của họ thôi, câu hỏi Ông già Noel có thật không trở nên vô nghĩa. Hoặc nếu bước vào bệnh viện nhi, để nhìn bọn trẻ bệnh nhi đứa níu áo đỏ của ông già Noel, đứa vuốt bộ râu trắng… trong số chúng, không hề ít là bệnh nhi ung thư, từ ý thức đầu tiên cho đến ý thức cuối đời đều chỉ là khuôn viên bệnh viện thì ông già Noel quả là phép màu, chứ còn gì nữa.
Cô bạn thân của tôi hôm kia đi vào bệnh viện, ở một bức tường bệnh viện có gắn hình những bông hoa hướng dương ghi những điều ước gửi ông già Noel. Ông già Noel ơi, con ước có một cây đàn guitar, ông già Noel ơi con ước có đôi giày đinh đá bóng… Tôi bất giác rơi nước mắt khi mình vào không kịp để giành một bông hoa điều ước. Bạn bè trên faceboook bạn đã giành hết rồi. Nước mắt của hạnh phúc. Và nước mắt của sự xót xa khi nghe bạn kể về câu chuyện đằng sau điều ước ấy: “Anh/ chị nhớ gọi trước gia đình bé nhé, vì có khi hôm nay bé còn ghi điều ước gửi ông già Noel, ngày mai đã không còn có mặt trên đời rồi”. Với những đứa trẻ như thế, người lớn nào chẳng thấy mình may mắn khi được làm ông già Noel để trao tặng một niềm tin?
Trong bài viết của nhà văn Trần Nhã Thụy, anh chia sẻ với bạn bè rằng: “Thật quá dễ khi nói ông già Noel là không có thật. Và thật quá khó khi thuyết phục những đứa trẻ hôm nay tin rằng có ông già Noel và chính ông ấy đi phát quà cho mỗi đứa vào đêm Giáng sinh. Còn tôi, trong khi chấp nhận không tham gia cuộc tranh luận “Đúng/sai. Có/không” về ông già Noel nữa thì hai cậu con vẫn viết thư với một niềm tin trong sáng. Tôi thấy đó là niềm hạnh phúc. Dẫu tôi biết đến một tuổi nào đó chúng sẽ tự động không viết thư cho ông già Noel nữa, nhưng chắc chắn một điều chúng sẽ không trách cứ ba mẹ. Chúng sẽ ngoái nhìn lại tuổi thơ với một nụ cười và trái tim vẫn reo như quả chuông Giáng sinh tới khi trở thành cha của những đứa trẻ”.
Người lớn không tin vào phép màu. Trẻ con mới tin vào phép màu. Nhưng phép màu của trẻ con kì lạ lắm, nó có khả năng tỏa lan những ngọt ngào, yêu thương. Vì thế, tôi tin rằng, nếu người lớn nào từ chối sự có mặt của ông già Noel trên cõi đời này, thì đã tự mình đánh mất một điều ngọt ngào trong cuộc sống của chính mình.
Vì thế, xin đừng tranh luận nữa chuyện “Ông già Noel có thật hay không?”.
Kỹ thuật: Chôm Chôm