Là một người tương đối thuận lợi trên con đường học hành, tìm việc, tôi bất đắc dĩ trở thành người tư vấn chọn trường cho các em các cháu trong họ, hàng xóm hay người thân quen mỗi khi đến mùa thi. Các em tìm đến tôi thường trong một tâm trạng khá bối rối, chúng không biết nhiều lắm về các trường đại học, ngoài một danh sách điểm chuẩn vào trường từ những năm trước. Hầu hết “cuộc tư vấn” bắt đầu với những câu hỏi như: “Em học khối A, thi thử được tầm x điểm thì nên chọn trường nào là ổn nhất nhỉ?” hay “bố mẹ em định sau này xin cho em về làm cơ quan của ông bác, em học ngành abc để về đó làm thì có được không?”. Chẳng mấy khi tôi nghe được một câu khẳng định đơn giản là em thích làm nghề gì, em muốn trở thành ai. Hầu hết bọn trẻ không biết mình muốn làm gì, một số ít có những sở thích riêng thì lại loay hoay không biết làm gì với sở thích ấy. Ví dụ ngay mới đây tôi có đứa cháu đăng ký 3 trường 3 ngành không tí liên quan gì đến nhau, hỏi thì thằng bé bảo nó chẳng thực sự thích ngành nào hơn, nó thích âm nhạc mà hát không hay, không biết chơi đàn nên cũng không biết học gì cho hợp sở thích. Thằng bé chấp nhận đăng ký đại ngành học theo ý bố mẹ với số đông bạn bè, tương lai ra sao thì ra. Tôi nói nếu cuộc đời hạnh phúc gói gọn trong 2 vế là lấy người mình yêu, làm việc mình thích thì mới 18 tuổi nó đã gần như đánh mất một nửa cái hạnh phúc của đời.
Cháu tôi có thể sẽ bỏ phí niềm yêu thích của nó, đơn giản vì hiểu biết về ngành nghề của nó chỉ gói gọn trong những kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, luật sư, nhà báo, kiến trúc sư, doanh nhân – những công việc quen thuộc trên phim ảnh, trong sách vở. Trong những việc đó chẳng có gì phù hợp với nó, chẳng ai nói với nó không nhất thiết đam mê âm nhạc thì chỉ được làm ca sĩ hay nhạc công, có những người thích âm nhạc rồi học báo chí để trở thành nhà phê bình. Bọn trẻ không thể hình dung được chúng sẽ là ai giữa xã hội phức tạp của người trưởng thành, bởi chúng không biết, và cũng không ai nói cho chúng biết.
Thời của tôi, đám học sinh cũng mờ mịt với tương lai như vậy, học khối A thì cứ mặc định chọn kế toán, kinh tế, tài chính, quản trị, thuế, học khối D thì ngoại thương, sư phạm, luật. Tốt nghiệp đại học, bao nhiêu người lại tiếp tục đứng trước sự bối rối của những năm cấp 3, chẳng biết làm gì, xin vào đâu cho hợp. Tôi quen hàng tá bạn được đào tạo trở thành kế toán viên, mà số người thực sự mong mỏi trở thành một kế toán viên thì tròn trĩnh con số 0. Tôi là trường hợp cá biệt đã nộp duy nhất một bộ hồ sơ đại học vào ngành học mình mơ ước, ra trường nhanh chóng tiến thẳng vào lĩnh vực mình đã được đào tạo nghiệp vụ. Có người nói tôi may mắn và giỏi giang nên được làm công việc mình thích. Tôi lại cho rằng những điều ấy không phải do may hay do giỏi, điều quyết định gần như duy nhất đó là tôi đã sớm biết mình muốn làm gì.
“Biết mình muốn làm gì” là điều kiện tiên quyết cho mọi đứa trẻ trước khi bước vào đời. Đã hơn 10 năm kể từ thời của tôi nhưng giáo dục hiện tại vẫn chưa có nhiều khác biệt trong việc trao chiếc chìa khóa chân lý này cho bọn trẻ. Chúng vẫn phải dựa vào những người khác không thực sự hiểu mình để đưa ra lựa chọn quyết định bản thân là ai trong tương lai. Chúng vẫn chưa hiểu được rằng đại học chỉ là phương tiện, không phải là đích đến. Như tôi vẫn hay “chốt hạ” mỗi chương trình tư vấn bất đắc dĩ của mình, ở đời phải biết mình muốn gì, nếu không biết mình muốn gì, học ở đâu cũng như nhau, đều chẳng có nghĩa lý.