Tháng 7 được coi là tháng tri ân, tháng thực hiện các chương trình “uống nước nhớ nguồn” với nhiều hoạt động ý nghĩa tri ân các thương binh, liệt sĩ, người có công, gia đình người có công… Vào khoảng thời gian này, tâm hồn mỗi người như lắng lại, chiêm nghiệm nhiều hơn về quá khứ, biết ơn các thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu cho độc lập, tự do của đất nước và quý trọng hơn cuộc sống hòa bình.
Một sáng trung tuần tháng Bảy, ghé thăm Khu Di tích lịch sử Truông Bồn, thắp nén nhang tưởng nhớ 13 thanh niên xung phong đã ngã xuống khi tuổi còn thanh xuân. Dưới đồi thông già vi vu gió thổi, trong khói hương trầm mặc, bỗng thấy lòng rưng rưng xúc động như trong gió, trong màu tím biêng biếc hoa sim kia vẫn thì thầm câu chuyện “ngày xưa vọng nói về”. Hàng ngày, nơi đây, đón rất nhiều đoàn khách đến dâng hương tưởng niệm, tham quan. Những đồng đội xưa vẫn thường xuyên ghé thăm đồng chí của mình, ôm lấy bia mộ mà nghẹn ngào nấc lên từng tiếng; có những cựu thanh niên xung phong dù mắt mờ, chân chậm vẫn nhờ con cháu đèo bằng xe máy, vượt quãng đường xa xôi đến đây để thủ thỉ tâm tình với những đồng đội “nằm lại” dưới đất về những vui buồn trong cuộc sống… Những người dân địa phương khi quả sim trên đồi chín tím lịm, quả bưởi trong vườn rám nắng hay quả thị trước sân nhà chín thơm… cũng đã thành kính mang đến dâng lên các anh, các chị – những người đã ngã xuống vì độc lập, hòa bình hôm nay như một lời cảm tạ.
Tháng Bảy, trên mọi nẻo đường của Tổ quốc yêu thương, những nghĩa trang liệt sĩ tại các địa phương lại rộn ràng bước chân của các em học sinh mang trên vai khăn quàng tươi thắm đến nhổ cỏ, thắp hương cho những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh. Cũng trong tháng tri ân này, những bông hoa lại thắm trên các mộ phần. Những tấm bia phủ rêu theo năm tháng được quét lại vôi, những dòng chữ khắc trên bia đá được sơn sửa lại rõ nét hơn… Càng cảm phục hơn những người quản trang ngày nối ngày lặng lẽ làm những phần việc không tên, giữ cho nghĩa trang luôn xanh, sạch, đẹp, để ngày tuần hương vẫn cháy trên những mộ phần.
Tháng Bảy này, những hoạt động “vì nghĩa lớn” tri ân các gia đình thân nhân liệt sĩ được tổ chức thành phong trào rộng khắp ở các địa phương. Đó là những nhóm đội viên cắt cử luân phiên đến thăm, kể chuyện, hát múa cho các bà Mẹ Việt Nam Anh hùng để làm vui lòng, xoa dịu nỗi đau mất mát; đó là những ngày công của các tổ chức đoàn thể giúp gia đình thân nhân liệt sĩ lợp lại mái nhà bị dột, lắp lại đường điện bị hỏng, cải tạo lại mảnh vườn tạp thiếu bàn tay chăm sóc…
Cũng đã 5 năm nay, Tỉnh đoàn Nghệ An đã tổ chức duy trì chương trình bữa cơm “Bữa cơm tri ân” đầm ấm, xúc động vào tháng Bảy. Theo đó, tùy vào điều kiện thực tế, mỗi đơn vị tổ chức ít nhất một bữa cơm tại gia đình Bà mẹ Việt Nam Anh hùng hoặc thân nhân liệt sĩ, người có công trên địa bàn. Trong tháng Bảy, tổ chức đoàn cơ sở sẽ cử các đoàn viên, mua thức ăn, đến nhà các thân nhân liệt sĩ nấu và ăn cơm cùng với họ. Bữa cơm đó đặc biệt không phải vì có thêm món ngon mà là vì có thêm người, thêm những tình cảm đong đầy. Vốn dĩ, gia đình các thân nhân liệt sĩ neo người, có những người vợ, người mẹ có chồng, có con hy sinh trong kháng chiến cứu nước, sống cô quạnh, neo đơn. Bữa cơm chỉ mình với bóng, trên mâm chỉ vỏn vẹn một bát, một đũa… Bữa cơm nay, có đông thành viên, người nhặt rau, người nấu cơm, người kho thịt, nấu cá, gian bếp bỗng rộn ràng hẳn lên. Mâm cơm dọn ra, thắp lên ban thờ nén hương, có mẹ rơm rớm nước mắt thủ thỉ với chồng, với con giọng nghẹn ngào “Hôm nay, tui có các cháu đến nấu cơm, ăn cùng, vui lắm!”.
Những đêm tháng Bảy, tại các nghĩa trang liệt sĩ, những ngọn nến tri ân được thắp lên trên các mộ phần. Đó như muôn lời tri ân, niềm tưởng nhớ gửi đến thế hệ cha anh đã ngã xuống vì đất nước. Ngọn nến cháy rực như truyền thống “uống nước nhớ nguồn” được thắp sáng, nối dài mãi đã trở thành đạo lý muôn đời của bao người dân Việt Nam…
Bài: Tuệ Anh
Ảnh minh họa: Tư liệu