Thời bao cấp, thị trường được quản lý rất chặt chẽ. Tất cả các hàng hóa thiết yếu thực hiện phân phối theo tem phiếu. Cán bộ nhà nước có rất nhiều loại sổ để mua lương thực, thực phẩm, đường, vải, chất đốt, phụ tùng xe đạp,… Chủ hộ phải nắm chắc những khoản định lượng theo quy định, có kế hoạch để mua cho phù hợp.
Người nông dân nuôi lợn được Hợp tác xã khoán theo lao động, theo khẩu để làm nghĩa vụ hàng năm. Làm thịt con lợn phải được phép của Hợp tác xã, phải nộp thuế. Nông dân cũng có phiếu vải, tem phiếu thịt lợn,… Mua hàng gì cũng phụ thuộc vào sự cung ứng của Nhà nước. Không phải “có tiền mua tiên cũng được”. Khi hiếm hàng, phải nhường nhịn nhau, có những mặt hàng ai cũng cần nên phải bắt thăm, nhờ may rủi. Nhiều khi có phiếu nhưng không có hàng cũng đành chịu.
Tem phiếu “là một phần tất yếu của cuộc sống”. Sổ mua lương thực – còn gọi là sổ gạo của gia đình viên chức là “tối quan trọng” – nó quý không khác gì “bìa đỏ” bây giờ. Hàng tháng, khi mua xong, chủ nhà cất giữ rất cẩn thận. Ai không may bị mất, bị thất lạc thì cả tuần ăn không ngon, ngủ không yên. Xin được cấp lại cuốn sổ phải qua nhiều thủ tục rất phức tạp. Vì vậy, khi mất sổ gạo, “mặt thất thần” – “mặt như mặt mất sổ gạo” là thế.
Hàng tháng, mỗi khi đến kỳ bán lương thực, thực phẩm hoặc phân phối vải, các cơ quan, người nghỉ hưu rộn ràng. Bảy giờ, bảy giờ rưỡi mới mở cửa nhưng tờ mờ sáng khách đã xếp hàng trước quầy. Như một “luật bất thành văn”, khách hàng đến tự xếp thành hàng. Do chờ lâu, họ vận dụng ghế ngồi, hoặc cái nón, mũ, viên gạch, hòn đá,… thay thế cho chỗ đứng của mình khi cần có việc phải ra ngoài để người đi sau khỏi chiếm chỗ. Khi xếp hàng dài, rồng rắn mà chồng sổ còn cao chất ngất, ai cũng thấp thỏm. Ngán nhất là nửa chừng có tấm biển “Tạm nghỉ cho con bú”, nhất là “Quý khách thông cảm, hết hàng”!
Tháng Chạp, ai cũng trông mong hàng Tết. Lương thực, thực phẩm thì cứ theo định lượng như hàng tháng, nhưng người ta mong có thêm chai rượu, gói kẹo, gói thuốc, gói chè,… Những Tết mà có thêm chai rượu Chanh, rượu Cam, hoặc Bổ huyết trừ phong, gói thuốc Điện Biên, Tam Đảo, gói chè Ba Đình, gói kẹo Hải Châu thì ai cũng phấn khởi. Có những Tết, cửa hàng còn phân phối hai ba hộ một lít nước mắm, chai mật mía, mươi lăm người một gói mì chính, ba bốn người chung nhau một cuộn chỉ khâu,… Nhận về, ai cũng mừng, rộn ràng, tíu tít chia nhau! Dù thiếu thốn ở đâu nhưng Tết mà được mua hết các tiêu chuẩn thì ai cũng thỏa mãn.
Từng gia đình đến làng xóm, ai cũng lo dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ. Những cành đào, cành mận quê xinh xinh chỉ bằng ngón tay cái được biếu tặng, xin cho, về cắm trên ban thờ. Trên mỗi nẻo đường quê bùn đất, ghồ ghề, người đi xa về Tết râm ran tiếng chào hỏi. Bên giếng làng đông vui, tấp nập người đãi nếp, đãi đỗ, rửa lá dong, dường như chẳng mấy ai quan tâm tới cái rét căm căm của những ngày Đông lạnh giá. Đây đó, tiếng pháo tép lẹt đẹt vang lên. Mùi mật mía quyện với hương trầm.
Chuyện xưa cứ lặng lẽ, vô tình vào dĩ vãng. Trong ký ức thế hệ chúng tôi, mỗi dịp Tết đến, Xuân về vẫn phảng phất đâu đây hương vị chè Ba Đình, mùi mật mía quyện với hương trầm. Làng quê nghèo những ngày giáp Tết đầm ấm, thân thương đến lạ.