Ma

Gần 40 năm đã trôi qua, tôi vẫn còn nhớ mãi đêm ấy. Năm ấy tôi 12 tuổi, lớp 6 trường cấp 2 HD thành phố Vinh.  Sau giải phóng, công cuộc tái thiết đất nước được tiến hành rầm rộ lắm. Các công trình có tính phúc lợi xã hội như bệnh viện, trường học, trạm y tế được ưu tiên hàng đầu. Trường tôi được xây dựng trên một mặt bằng mà vừa trước đó là nghĩa địa có tên Dăm Mụ Lòi chỉ cách nhà tôi vài ba trăm mét. Những năm thập niên 70 đến 80 ấy có phong trào học nhóm, thường thì những đứa trong lớp nhà ở gần nhau đến tối tụ tập lại trao đổi bài vở, nói chuyện tếu vừa vui lại vừa đỡ tốn dầu đèn.

Nhóm tôi học ở nhà một bạn, cách chỗ tôi ở chưa đầy cây số, nhưng để đi qua nhà bạn ấy thì lại có lối tắt qua sân trường. Tôi nhớ như in, đêm ấy chừng gần 11 giờ khuya, tôi một mình từ chỗ học nhóm về nhà. Vẫn đi tắt qua sân trường, khác với những lần trước tôi thường cố chạy thật nhanh thì bữa ấy chả hiểu vì sao mà tôi ngồi lại bên một gốc cây cổ thụ còn sót của nghĩa địa cũ.

Dưới ánh trăng lờ mờ, trong chốc lát, tôi nhìn thấy một khối sáng hình cầu có chấm xanh chấm đỏ bay lên bay xuống. 12 tuổi, ham đọc nên tôi đủ kiến thức để hiểu ma trơi là một hiện tượng hóa học kỳ thú tự nhiên. Chỉ có điều, lúc ấy hình như nó không giống lắm với những gì thuộc phạm vi kiến thức mà tôi đã được trang bị trước đó. Chưa kịp định thần thì bỗng nhiên “bộp” một cái vỗ vai từ phía sau. Tôi quay lại, không thấy ai cả. Tôi lập tức cắm đầu cắm cổ chạy về nhà. Trùm chăn và lập cập với những lý giải bế tắc.

Hôm sau tôi đem câu chuyện kể với bạn bè, người thì bảo là gặp ma, người thì cười vì cho rằng hoang đường. Tôi kể với mẹ, mẹ tin những điều tôi nói nhưng lại giải thích theo hướng do tôi nhìn thấy ma trơi nên sợ quá, chỉ một cái cành khô tình cờ rụng trúng cũng tạo ra cảm giác vỗ vai. Tôi cố gắng giải thích rằng tôi cảm nhận được cái vỗ vai rõ ràng thì mẹ gạt đi và bảo “Chả có ma quỷ nào hết, chỉ có con ma trong chính mình”. Tôi xếp lại câu chuyện thiếu thời cùng sự lý giải dở dang như một món nợ vô thời hạn. Bây giờ mỗi lần ai đó vỗ vai từ phía sau tôi lại cứ giật bắn mình và nhất thiết cứ gợi lại cái vỗ vai kỳ lạ của gần 40 năm về trước. Mẹ nói đúng, không có con ma nào cả, chỉ có con ma trong chính mình. Sự sợ hãi đã xuyên tạc cảm giác tôi ư? Tin là vậy, hy vọng là vậy.

Cách đây mấy tháng, dư luận cũng đã rộ lên chuyện bắt ma ở một ngôi chùa. Ma tồn tại hay không vẫn là một câu hỏi dựng đứng trước bao tranh cãi và cả sự thách thức với khoa học. Nhưng lợi dụng ma để kiếm tiền thì không chỉ là một ngôi chùa, không chỉ là một ngôi đền và cũng không chỉ một vài ba con người. Từ cổ chí kim, từ đông qua tây, ma vẫn là một danh từ thừa đủ sự hù dọa cho các ông thầy phù thủy hành nghề.

Ma vốn dĩ là một từ nhằm để chỉ sự hiện hình của người đã chết, cá biệt cũng có khi là động vật đã chết kiểu như ma chó, ma ngựa… Tuy nhiên do đặc tính ma không tồn tại dưới dạng vật chất nên đến nay chưa ai có thể lưu trữ một con ma cụ thể nào ngoài những tấm hình chụp ảo diệu không nhiều kiểm chứng. Sự tương tác giữa người với ma chủ yếu thông qua một số người được coi là có khả năng đặc biệt thường gọi là có “căn”. Đôi khi đó là “nhà ngoại cảm” là thầy cúng, là cô đồng, là thầy phù thủy hay  cũng có thể một kẻ yếu bóng vía nào đó, chúng ta chỉ có thể hình dung về ma thông qua những cái cửa ngõ vừa hẹp lại vừa mông lung như vậy. Người nào tin thì tin, người nào không tin thì báng, không “ma” nào cãi cả. Ma có hay không chưa biết nhưng rõ ràng những thứ bán cho… ma như vàng mã, những thứ bán trừ ma như bùa ngải vẫn là nguồn thu nhập đủ hấp dẫn và nuôi sống hàng trăm ngàn người.

Tuy nhiên trải qua hàng ngàn năm, chữ ma trong cuộc sống không đơn thuần chỉ những linh hồn người chết nữa. Ma đôi khi là để chỉ một cái gì đó không thuộc về thế giới con người tạo ra như “lúa Ma” (một loại lúa tự mọc ở đồng Tháp Mười, gần đây cũng xuất hiện ở Thanh Hóa, Điện Biên…). Rồi chữ ma còn được dùng để ám chỉ những thứ không có thật hoặc có nhưng nó không thực sống, không hoạt động như “chợ ma” “công ty ma” “dự án ma”, “số liệu ma” thậm chí có cả hồ sơ ma, tuổi ma, điểm ma và bằng cấp… cũng ma! Một hệ sinh thái ma kiểu này đang tồn tại trong xã hội, bản chất nó luôn luôn cự tuyệt với những gì thuộc về sự thực nhưng ngược lại nó lại tìm mọi cách trà trộn với sự thực, “nhập hồn” vào sự thực và không loại trừ cả ý đồ thôn tính sự thực. Hoạt động của “hệ sinh thái ma” vẫn tồn tại, vẫn “đêm đêm ngửi mùi hương” chính sách nhưng rất khó phanh phui. Nói nôm na thấy được tụi này chả khác gì thấy “ma ăn giỗ”.

Chữ ma đôi khi cũng được sử dụng với vai trò như một đối tượng ví von so sánh, dại như ma khôn cũng như ma, ngu như ma ác cũng như ma. Hình như tôi đọc được đâu đó, ai đó phàn nàn rằng “Giá điện giá xăng tăng như ma”. Cũng có khi chữ ma được sử dụng như một tính từ biểu thị sự tinh quái theo kiểu như “ông chủ Nhật Cường mobile trẻ nhưng làm ăn thì hơi bị… ma”. Ma có thể là ma quái, ma mị, ma lanh, ma loi nhưng cũng có cả những gã “ma trên đất”. Ma sống đầy ra đó, có kẻ là ma gái, có đứa là ma men và có cả những vị ma… thương binh. Thật mà, năm ngoái tỉnh nhà đã “trục xuất” được hơn 600 “con” ma thương binh ra khỏi “hệ sinh thái ma” đấy thôi.   Kỹ năng sống đòi hỏi nhiều thứ, giờ lại phải biết “sống chung với ma” nữa. Thời đại 4.0 ma giờ mưu mẹo thực dụng và lắm chiêu trò chứ đâu còn vô hại như cái vỗ vai mà tác giả kể đầu bài viết. Thậm chí kể cả cái vỗ vai, bây giờ cũng ma lắm! Vỗ vai ra tình, vỗ vai ra tiền và cả vỗ vai ra… tù. Ma là vậy.

Lại nói một chuyện khác, cách đây chưa lâu dư luận sôi đò nóng nước với vấn nạn một bộ phận công chức viên chức sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về, đến tháng lĩnh lương, đến năm lên lương, đến kỳ lĩnh thưởng. Muốn nhổ mà nhổ chưa được vì tụi này “ma” quá. Theo một phát biểu trước nghị trường thì có đến hơn 40% thứ viên chức chuyên nghề cắp ô này. “Ơ hay ông này kỳ ghê”, nói hay nói, kiện hay kiện, kêu hay kêu nhưng làm thì không làm nghỉ cũng không chịu nghỉ. Chải chuốt cắp ô đến cơ quan, lên mạng tán gẫu, đánh điện tử và cuối ngày cắp ô về. Rảnh và “uyên bác” tý nữa thì “đá đểu” chủ trương chính sách, nói xấu lãnh đạo và bàn mưu tính kế “kéo dài tuổi thọ công tác”. Lại có lớp công chức bề ngoài tỏ ra vô hại, bóng bẩy, chải chuốt, nói năng hào sảng nhưng chính họ cũng chả nhận ra công việc của họ mỗi ngày đến cơ quan là gì! Thế mới biết cái “hệ sinh thái ma” mà tác giả đề cập ngoài ma cô, ma cậu thì trong bộ máy của chúng ta còn có cả những con ma-nơ-canh.