Thuở tôi còn nhỏ xíu, mỗi khi cần thông tin việc gì thì bác xóm trưởng lại lấy một cái loa tôn, đi bộ dọc đường thôn, chĩa vào từng cụm dân cư mà thông báo. Có một lần, bác đang cầm loa “A lô a lô, tối hôm nay, vào lúc 20 giờ, mời toàn thể bà con thôn Đông về hội quán để nhận bột mì cứu trợ…”, đúng lúc ấy thì một bác hàng xóm đang ngồi trong nhà gọi vọng ra: “Trưởng thôn ơi, mời bác tranh thủ ghé vô đây mần bát chè xanh”. Như một phản xạ có điều kiện, bác trưởng thôn lại bắc loa lên và trả lời “A lô a lô, khoan cấy đạ!”.
Tất nhiên đấy là một câu chuyện có chút vui vẻ của một thời mà công tác “truyền thanh cơ sở” còn vô cùng sơ khai. Rồi cùng theo thời gian, hoạt động thông tin cấp cơ sở cứ thế phát triển dần. Rồi hệ thống đài truyền thanh cấp xã được thành lập khắp chiều dài đất nước, phủ sóng thông tin xuống mọi ngõ ngách dân cư. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg về Quy chế hoạt động thông tin cơ sở. Đến tháng 11/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục ban hành Thông tư số 39/2020/TT- BTTTT Quy định về đài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông. Như vậy, từ chiếc loa tôn năm nào giờ thì truyền thanh cơ sở thực sự đã là “đài” (hoạt động có tính chất báo chí). Không còn là đài “thường” mà là đài “ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông” cơ. Đó là sự phát triển vượt bậc xét ở tất cả mọi góc độ.
Lâu nay đài truyền thanh cơ sở thực hiện chủ yếu 2 nhiệm vụ. Một là “ship” các chương trình phát sóng và hai là sản xuất và phát thanh các thông tin phục vụ cho công tác tuyên truyền của đơn vị sở tại. Bà con lâu nay vẫn âu yếm gọi hệ thống này là “loa phường”. Những ngày vừa qua, câu chuyện “loa phường” thêm một lần nữa nóng ran cộng đồng mạng sau khi Thủ đô thân yêu của chúng ta bố lệnh hồi sinh “loa phường”. Ai đó bóng gió kiểu “tân quan tân chính sách”, chắc họ nhầm, nói như ngôn ngữ cư dân mạng là “Có lẽ không phải”! “Loa phường” không hề là một “tân chính sách”, nó ra đời từ trong khói lửa của chiến tranh và trên thực tế chưa có thời điểm nào “loa phường” buộc phải “về nơi an nghỉ cuối cùng” cả.
Tôi thuộc lớp không cuồng tín “loa phường”, nhưng tôi lại không thể dành lời yêu thương những ai đang hắt hủi và bội bạc nó. Chợt nhớ lại ngày này năm ngoái, nếu như không có “loa phường”, lịch sử ngành Y tế đã phải dành những trang xót xa nhất để viết về đại dịch Covid – 19, đại dịch khủng khiếp nhất lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, mất rất nhiều không có nghĩa là mất tất cả. Từ trong trận chiến chống dịch cuộc sống đã tự mình chiết xuất ra bao điều tốt đẹp. Thứ mà nhà nào cũng “dùng”, ngày nào cũng “hóng” nhưng lại ít có ai nhớ để buông lời cảm ơn… là “loa phường”.
Trong dịch bệnh thiên tai “loa phường” sừng sững đứng lên như một pháo đài tin cậy và gần gũi. Không nhạc hiệu rình rang, không phối giọng nam nữ, không đài từ trầm bổng, nhưng mỗi chữ phát ra từ loa phường là những thông tin giá trị. Loa phường quan trọng là vậy mà có lúc lận đận ra phết. Hình như cũng đã năm lần bảy lượt nó bị nhấc lên đặt xuống trên bàn nghị sự. Đã có lúc người ta tặc lưỡi trước câu ngạn ngữ “Bỏ thì thương, vương thì tội”. Cách đây mấy năm ở đâu đó loa phường bị hắt hủi không thương tiếc, trong trạng thái “đi không nỡ, ở không xong”, đã có lúc nó lắt lay như một phép thử sự kiên nhẫn với những người tâm huyết. Cán bộ phụ trách đài truyền thanh cấp xã thì vẫn là “bán chuyên trách”, còn người phụ trách loa cấp xóm thì đương nhiên là “vác tù và hàng tổng” xuyên nhiệm kỳ. Đã có một thời, truyền thông xã hội “thọc sườn” loa phường. Có cả một sê-ri phim hài dài trăm tập có tên là “Loa phường”. Không ít luồng ý kiến cho nó như là một thứ di sản truyền thông lỗi thời. Thậm chí người ta vin vào cái gọi là cuộc cách mạng 4.0 để quy kết cho loa phường bao nhiêu điều gàn dở. Những năm ấy vị Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội còn “định hướng” rằng “Loa truyền thanh rất có tác dụng trong thời kỳ bao cấp, nhưng với thời đại công nghệ thông tin hiện nay, loa truyền thanh đã hoàn thành sứ mệnh của mình”. Ông còn nhấn mạnh: “Rất tốn. Mỗi phường một năm chi mất mấy trăm triệu”. Sau đó là một cuộc tẩy chay loa phường lan tỏa và khá quyết liệt trên… bàn phím. Đỉnh điểm của khủng hoảng là trong một cuộc gặp mặt cuối năm 2017, Bộ trưởng Bộ TT&TT “chốt” rằng: “Đồng tình với đề xuất của Hà Nội là bỏ loa phường đô thị”. Có vẻ như tình hình lúc ấy đã “trên thông dưới thuận” cho một cuộc ra đi không kèn trống. Quả là những chiếc loa phường rất “cao số”, chứ nếu ngày ấy các nhà quản trị không “quay vào ô mất lượt” thì loa phường đã “về nơi an nghỉ cuối cùng” mấy năm rồi. Tôi từng hỏi một người phụ trách đài truyền thanh cơ sở rằng: “Loa phường có tội tình gì mà bị ngược đãi?”. Anh ấy tếu táo trả lời: “Tội to nhất của nó là làm thức giấc mấy người ngủ nướng mãn tính”. Rồi anh ấy giãi bày thêm: “Mỗi cấp truyền thanh đều có nhiệm vụ đặc thù của nó, làm sao mà dùng “loa huyện” để đọc thông báo nhận lương hưu của xóm được. Thông tin chứ có phải đa cấp đâu!”.
Phải nói không ít kênh thông tin đang bị lép vế trước mạng xã hội. Chỉ có điều chưa “ai” thay thế được loa phường. Vâng, công nhận loa phường có thể chưa hay, nội dung có thể khó hấp dẫn nhưng chìa khóa của loa phường chính là sự thiết thực của vấn đề. Đôi khi trước một nhiệm vụ người ta buộc phải “cưỡng chế thông tin” thì phải loa phường thôi. Lên công cụ tìm kiếm Google đánh chữ “loa phường” thì có 14.600.000 kết quả, té ra “loa phường” vẫn là từ khóa đáng tra cứu của cuộc sống.
Nhiều người đặt câu hỏi sao các nước phương Tây không có “loa phường”? Ồ, đơn giản là vì họ là các nước phương Tây! Họ thích ăn bánh mì quét bơ chứ không hợp món canh mướp với cà pháo! Cũng như thời chiến tranh các nước “phương Tây” dùng chiến xa hỏa lực, thậm chí cả chất độc da cam thì mình lại chọn lối đánh du kích vậy. Mỗi đất nước, mỗi cộng đồng, thậm chí mỗi gia đình đều có những đặc thù riêng. Khi không gian văn hóa, tâm lý xã hội và cả tiềm lực kinh tế khác nhau thì không nhất thiết phải lựa chọn phương pháp giống nhau. Sự khác biệt không phải dùng để phân chia thứ bậc.
Loa phường là một mặt trận thông tin vẫn đang mang lại những hữu ích quan trọng. Nó là kênh thông tin chính thống cuối cùng có thể ghé vào “tai” Nhân dân. Tuy nhiên, dùng loa phường như nào là một câu chuyện đáng bàn thêm. Có lẽ “loa phường” nên dừng lại ở việc cung cấp thông tin thực sự liên quan đến đời sống dân sinh nơi nó “cư trú” thôi. Những quảng cáo, những ca nhạc, văn nghệ… có lẽ phù hợp với với truyền hình, với radio hơn là loa phường. Những sứ mệnh “to tát” nên dành sân cho các phương tiện thông tin đại chúng khác. Loa phường vô tội. Hữu ích hay phiền toái tùy thuộc vào cách thức mà chúng ta khai thác nó.
Ảnh minh họa: Tư liệu