“Anh em ngược nguồn vào vùng biên đưa tin phòng chống dịch hết sức cẩn thận nhé. Hôm 29/3, một nữ đồng nghiệp của chúng ta ở TTX đã có kết quả xét nghiệm dương tính do phỏng vấn cựu Đại sứ Pháp…”. Đây là một trong những tin nhắn tôi nhận được đầu ngày 30/3/2020, do đồng nghiệp gửi đến.
Đọc những dòng tin nhắn, lo. Nỗi lo tăng thêm lên khi chạm đến đầy đủ những thông tin chi tiết nữ nhà báo đầu tiên của Việt Nam nhiễm Covid-19 mà các báo đã đăng tải. Tuổi trẻ đưa tin: “Theo bản thông cáo được Bộ Y tế phát đi chiều nay, ngày 12/3 vừa qua, nhà báo H. đã có cuộc phỏng vấn với cựu đại sứ Pháp tại Việt Nam. Đến ngày 26/3, cựu đại sứ có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 (bệnh nhân 148). Đến hôm nay (29/3), nhà báo H. có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, được coi là bệnh nhân 183 ở Việt Nam” (tin “Phóng viên Việt Nam đầu tiên mắc Covid-19”, ngày 29/3/2020).
Với thông tin này, tính chất lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 là hết sức khó lường. Thời gian ủ bệnh đến khi phát bệnh, cũng không còn trong giới hạn 14 ngày, mà là 17 ngày và có thể lâu hơn nữa. Và như vậy, sự rủi ro lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 đến với người làm báo đã hiện hữu chứ không chỉ là lời cảnh báo đơn thuần.
Nhưng những người làm nghề báo, cũng như các lực lượng y tế, quân sự, biên phòng, công an và rất nhiều lực lượng khác sẽ không thể “ai ở chỗ nào thì ở yên chỗ đó”. Chống dịch như chống giặc. Từ ngày 29/1/2020, tại Công văn số 79-CV/TW về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona gây ra, Ban Bí thư đã yêu cầu Ban Tuyên giáo trung ương chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống dịch. Mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh: “Việc tích cực trong công tác tuyên truyền, phản ánh chính xác, trung thực tình hình của cơ quan báo chí góp phần quan trọng trong việc kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh tính đến thời điểm này của cả nước”.
Nghề báo trong trận chiến này, là không thể “ở yên một chỗ”. Để giúp người dân nhận thức đầy đủ nguy cơ, tăng thêm ý thức phòng ngừa dịch bệnh; giúp các cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn nhiều những nguồn tin sai sự thật đang tràn lan trên mạng xã hội…, các cơ quan báo chí sẽ tiếp tục cần phải cập nhật thường xuyên, liên tục, chính xác, đầy đủ về diễn biến tình hình dịch bệnh. Và để các trang báo hàng ngày có được liên tục những thông tin chính xác, hình ảnh chân thực, người làm báo phải tiếp tục đồng hành cùng các lực lượng y bác sỹ, cán bộ, chiến sỹ quân sự, biên phòng, công an… trên những tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19.
Chúng tôi, trong những ngày qua, đã đến những khu vực, vùng miền có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Đã gặp, phỏng vấn những người đang làm nhiệm vụ tại các khu cách ly và cả những người đang phải thực hiện cách ly. Dù đã mặc đồ bảo hiểm, dù đã giữ khoảng cách được xem là “an toàn” khi giao tiếp… Nhưng với tính chất khó lường của dịch bệnh Covid-19, hẳn chẳng ai trong số chúng tôi dám chắc mình không có nguy cơ lây nhiễm.
Rõ ràng khi những người có chuyên môn như một số y bác sỹ của Bệnh viện Bạch Mai đã bị nhiễm bệnh; và khi một đồng nghiệp đã bị nhiễm bệnh, thì có thể những người làm báo cũng sẽ tiếp tục gặp rủi ro. Nhưng công tác báo chí tham gia phòng chống dịch phải tiếp tục mạnh mẽ hơn để góp phần giúp cho xã hội được an toàn. Bởi vậy, không chùn bước đã không còn là yêu cầu của cơ quan báo chí, mà là mệnh lệnh phát ra từ trái tim của người làm báo!
Cảm ơn các đồng nghiệp đã nhắc nhở. Chúng tôi lo, nhưng để tỉnh táo, thận trọng hơn. Và để tự tin, không chùn bước!