Sáng ngày 23/11, dự buổi làm việc của hai Đoàn Giám sát chuyên đề HĐND tỉnh với UBND tỉnh, để ý phát biểu của vị đại diện Sở Xây dựng. Ông này nêu lên một nghịch lý đang hiện hữu tại các huyện trung du, miền núi. Đó là việc phải xuôi về vùng đồng bằng mua đất để san lấp mặt bằng các công trình, dự án. “Có rất nhiều công trình, dự án nằm ở Anh Sơn, Tân Kỳ đang phải điều đất từ Nghi Lộc, Hưng Nguyên lên. Điều đó, thực sự bất cập…” – đại diện Sở Xây dựng trăn trở.
Tranh thủ ít phút giải lao hỏi chuyện, ông nói kỹ hơn về những khó khăn của các huyện vùng cao. Cụ thể như huyện Quỳ Châu, do chưa có đất san lấp hợp pháp trên địa bàn nên công trình, dự án thuộc 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia có nguy cơ không đảm bảo tiến độ. Vì vậy, UBND huyện Quỳ Châu đã phải có văn bản gửi UBND tỉnh và một số Sở, ngành báo cáo tình hình thực tế, đề nghị giải pháp tháo gỡ. “Quỳ Châu đã được quy hoạch mỏ đất. Nhưng trên đấy lại không có tổ chức, doanh nghiệp xin cấp phép khai thác, vì nếu làm thì lỗ. Thành ra không có đất san lấp hợp pháp phục vụ công trình, dự án…” – đại diện Sở Xây dựng nói về nguyên nhân.
Nghe trao đổi, liên hệ một cán bộ huyện 30a Tương Dương để nắm tình hình. Được trả lời, giai đoạn 2021 – 2025, huyện Tương Dương sẽ triển khai hơn 70 công trình, dự án thuộc 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia. Về nguyên vật liệu xây dựng thì đang rất “khát” cát, sỏi. Lý do trước đây Tương Dương có nguồn cát, sỏi tận thu ở lòng hồ thủy điện Khe Bố. Nhưng quyết định cho phép tận thu hết hạn đã 2 năm nên nguồn cát, sỏi tại chỗ không còn. Hỏi, nếu khó khăn này không có phương án giải quyết thì huyện sẽ làm thế nào? Anh này trả lời: “Thì đành phải xuống Anh Sơn mua cát, sỏi chứ biết làm sao…”. Nhưng ngay sau đó, lại tư lự: “Các xã mạn dưới như Tam Thái, Tạm Đình, Tam Quang thì còn có thể, chứ chả lẽ các xã vùng trong như Lượng Minh, Yên Tĩnh, Yên Na, Yên Hòa… cũng phải xuống đấy mua. Vất vả đã đành, nhưng kinh phí đầu tư của công trình, dự án sẽ tăng lên đến thế nào?”.
Với huyện Quỳ Châu, trung tuần tháng 11 thì có tờ trình gửi UBND tỉnh và một số Sở, ngành như đại diện Sở Xây dựng trao đổi. Tại đây huyện Quỳ Châu báo cáo đang triển khai thực hiện một số công trình, dự án hạ tầng cơ sở công cộng theo 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia như cầu Châu Tiến, cầu Châu Bính, cầu Châu Thắng, Trường tiểu học Thị trấn Tân Lạc, Trường trung học cơ sở bán trú Châu Phong… Do đó, nhu cầu đất san lấp mặt bằng, đất đắp nền là rất cấp thiết.
Cũng tại tờ trình, UBND huyện Quỳ Châu thông tin trên địa bàn có 4 mỏ đất đã được quy hoạch tại các xã Châu Bình, Châu Phong, Châu Tiến, Châu Thắng. Thời gian qua, huyện Quỳ Châu đã tích cực kêu gọi, thu hút nhà đầu tư để xin cấp phép khai thác các mỏ đất trên địa bàn. Tuy nhiên do số lượng các công trình cũng như nhu cầu về khối lượng đất đắp ít, khả năng thu hồi vốn của chủ đầu tư thấp do đó đến nay vẫn chưa có tổ chức, cá nhân nào xin cấp phép khai thác mỏ đất. Trong khi đó, khu vực các huyện lân cận cũng trong tình trạng tương tự.
Vì vậy, UBND huyện Quỳ Châu đề xuất giải pháp: “Để đảm bảo nguồn cung vật liệu đất san lấp, đất đắp nền để thực hiện các công trình, dự án cơ sở hạ tầng công cộng do UBND huyện làm chủ đầu tư, đồng thời đảm bảo hoàn thành các công trình, dự án theo kế hoạch vốn, tiến độ mà cấp trên giao, UBND huyện Quỳ Châu kiến nghị UBND tỉnh và các Sở ngành có liên quan xem xét, tạo điều kiện cho UBND huyện Quỳ Châu được phép tận thu các mỏ đất đã quy hoạch trên địa bàn trong quá trình thực hiện các công trình, dự án hạ tầng công cộng do UBND huyện làm chủ đầu tư. UBND huyện cam kết sẽ lập phương án sử dụng đúng mục đích, đúng khối lượng và nộp thuế đầy đủ theo quy định”.
Thực ra, khó khăn về nguyên vật liệu cát, sỏi, đất san lấp phục vụ công trình, dự án ở các huyện vùng cao hoàn toàn không phải là điều mới mẻ. Vì không đủ thẩm quyền giải quyết những khó khăn hiện hữu ở cơ sở nên một số huyện từng đã có văn bản kiến nghị cấp, ngành có thẩm quyền của tỉnh xem xét tháo gỡ. Vì vậy, thật là bất hợp lý nếu cứ mãi để tồn tại tình trạng này. Cần phải có những quy định sát, đúng với thực tiễn địa phương cơ sở để các huyện vùng cao thực sự có cơ hội phát triển!