Cách đây vài tháng, trong một cuộc thảo luận ở một diễn đàn dành cho các nhà khoa học và các giảng viên đại học trẻ đã có một ý kiến cho rằng: Khi dữ liệu giáo dục đang ngày càng phổ biến, ứng dụng trí tuệ nhân tạo ngày một rộng rãi, thì sự tiếp cận tri thức, đặc biệt là tri thức tinh hoa càng trở nên dễ dàng hơn. Ví dụ, một sinh viên trường Y giỏi ngoại ngữ có thể lên mạng nghe các học giả đạt giải Nobel về Y học giảng bài thay vì nghe các thầy của mình ở trường giảng. Thậm chí các sinh viên không giỏi ngoại ngữ cũng có thể tiếp cận các bài giảng của các học giả danh giá nhất trên thế giới.
Có nhiều người đặt câu hỏi: Dạy và học truyền thống sẽ như thế nào? Dạy và học truyền thống là một sự tương tác trực tiếp giữa giáo viên và học trò. Ở đó, không chỉ là sự trao truyền kiến thức, mà còn nhiều quan hệ xã hội phức tạp khác, từ trách nhiệm, tình cảm đến khen thưởng, kỷ luật, đánh giá cảm xúc… giữa những con người liên quan. Thế nên, khi dạy và học online phổ biến, người ta lo ngại sự thay đổi này sẽ làm biến mất những mối quan hệ xã hội đó, nhất là tình cảm, cảm xúc của những người dạy và học.
Nhưng thực tế, tình cảm của con người được tương tác dưới nhiều hình thức khác nhau, tương tác trong trường học chỉ là một loại hình mà thôi. Người học không vì học trực tuyến mà thiếu sự kính trọng dành cho thầy cô của mình. Người dạy cũng sẽ không vì không tương tác trực tiếp và giảm bớt tình yêu thương, sự quan tâm dành cho học trò. Chỉ là họ sẽ phải tìm cách thể hiện khác. Thực tại xã hội luôn được kiến tạo theo những cách tương tác khác nhau. Giáo dục càng phát triển cũng sẽ tạo ra một trạng thái tâm lý mà ở đó, tình cảm vẫn có chỗ đứng nhất định. Nhưng mọi sự kiến tạo, nhất là về văn hóa, về tình cảm, cần có thời gian để định hình. Sự lo lắng về tương tác tình cảm giữa người học và người dạy trong giáo dục trực tuyến và quá trình chuyển đổi giáo dục là cần quan tâm. Nhưng tin rằng nó sẽ được cân bằng lại khi mọi thứ bước vào giai đoạn ổn định.
Cùng với sự lo lắng về tương tác và tình cảm là nỗi lo về sự thay đổi trong kỹ năng học tập. Chuyển đổi giáo dục theo hướng số hóa hay chuyển đổi việc dạy và học theo hướng trực tuyến đòi hỏi năng lực và kỹ năng tự học của người học phải được nâng cao. Điều này trở thành một thách thức rất lớn, nhất là đối với các bậc phổ thông. Khi chuyển đổi sang học trực tuyến, nếu không có năng lực tự học, học sinh sẽ không theo kịp chương trình.
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn có nhấn mạnh đến nâng cao năng lực tự học cho người học. Đó là điều đúng đắn. Nhưng nhìn lại thì từ hàng thế kỷ trước, người Việt đã xem tự học là vấn đề quan trọng của giáo dục. Các bậc thành danh phần lớn dựa vào tự học. Tự học cần được bắt đầu từ sự yêu thích khám phá, tìm tòi học hỏi và dần hình thành các kỹ năng để tiếp cận các tri thức. Tự học cũng cần được nuôi dưỡng, hun đúc trong tinh thần tự do, tâm tưởng khám phá cái mới lạ chứ không phải đặt nặng thành tích và chạy theo các chỉ số vô hồn. Học là một quá trình khám phá những cái mới mẻ bên cạnh mình. Và tự học xuất phát từ niềm đam mê khám phá đó. Giáo viên một khi khơi dậy niềm đam mê đó và hướng dẫn cho học trò đi đúng con đường để tìm kiếm tri thức thì người học trò ắt hẳn sẽ luôn luôn vận động và học tập.
Hiện nay, dữ liệu trở thành một thế giới phẳng, thậm chí phẳng cả về ngôn ngữ khi được hỗ trợ ngày một mạnh mẽ từ trí tuệ nhân tạo. Nguồn dữ liệu từ cơ bản đến chuyên sâu đều được truyền tải trên mạng internet. Một người muốn khám phá một vấn đề gì đó đều có thể tiếp cận theo nhiều cách khác nhau. Cái cần thiết là chúng ta phải có đam mê học hỏi và có kỹ năng để tìm kiếm các kênh thông tin này. Đó là tự học. Và các giáo viên cần giúp người học nâng cao năng lực tự học để họ tiếp cận tri thức, chứ không phải truyền thụ tri thức như trước đây nữa. Một người biết tự học là một người chủ động và không để mình bị dừng lại, vì trong cuộc sống hiện đại, đứng yên nghĩa là thụt lùi, dừng lại nghĩa là thua thiệt. Vậy nên, tự học sẽ trở thành chìa khóa quan trọng trong sự chuyển đổi giáo dục.
Tóm lại, sự chuyển đổi giáo dục theo hướng kỹ thuật số, hiện đại hóa và toàn cầu hóa là xu hướng nhiều nền giáo dục theo đuổi. Và dưới tác động của dịch Covid-19 gây ra lại làm cho xu hướng này tiến thêm một bước thật dài, tạo ra một bước ngoặt lớn của giáo dục: chuyển từ giáo dục trực tiếp sang giáo dục trực tuyến. Dù là biện pháp tình thế nhưng nó cũng là một cơ hội đi cùng thách thức cho giáo dục Việt Nam. Có thể từ tình huống mang tính tình thế lại là động lực để chúng ta hội nhập vào nền giáo dục quốc tế. Tất cả chỉ mới bắt đầu, mà trước hết, cần phải được trang bị các tri thức cơ bản làm nền tảng để phát triển một cách bền vững.
Bài: Thiên Trang
Ảnh minh họa: Tư liệu