HÃY XỬ VỤ CHẠY ĐIỂM BẰNG LUẬT BÓNG ĐÁ!
Khi một sĩ tử “dùi mài kinh sử” chăm chỉ và thi đỗ, người ta bảo là “cá chép hóa rồng”. Còn nếu sĩ tử ấy trượt, thì được động viên rằng “học tài thi phận”. Vì để có được kết quả tốt trong kỳ thi ngoài nỗ lực, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có may mắn. Xưa kia là thế, bây giờ vẫn vậy, nhưng chữ “phận” đã thay đổi ý nghĩa.
Thủ khoa Học viện Sĩ quan Lục quân I tại Hòa Bình 28,2 điểm (Toán 9,2, Lý 9, Hóa 9,25 + điểm vùng) nhưng điểm thẩm định lại là (Toán 1, Lý 0, Hóa 0). Đây thực sự là một “chú bộ đội tài năng”, một bài thi trắc nghiệm 80 câu hỏi mà điền không trúng phát nào thì bom đạn nào có thể trúng “chú” được.
Cũng một “cô giáo tương lai” khác tại Hòa Bình là thủ khoa “kép” Đại học Sư phạm Hà Nội đến từ Hòa Bình được nâng 14.85 điểm. Và còn nhiều “cậu ấm, cô chiêu” khác bỗng đang trên đỉnh vinh quang vụt chốc trở về điểm chết. Đau đớn và xót xa ở chỗ, đa phần những thí sinh này được nhắm vào học các ngành như Quân đội, Công an, ngành Y…
Những ngày gần đây, dư luận “nóng” lên trước thông tin công bố điểm chấm thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo với bài thi nghi vấn tại một số tỉnh. Kết quả là 114 thí sinh Hà Giang với hơn 330 bài thi được nâng điểm. Hòa Bình có 63 thí sinh năm 2018 và một thí sinh năm 2017 với 140 bài thi được nâng điểm. Sơn La có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và hai bài Ngữ văn có sự can thiệp điểm.
Chúng ta thấy xót xa và tiếc nuối thay cho những sĩ tử bị cướp đi sự công bằng, minh bạch của một cuộc thi Quốc gia. Chúng ta thấy bàng hoàng và đau đớn hơn khi thông tin một số phụ huynh có con “được” nâng điểm là những “đồng chí” đang giữ những chức vụ cao và quan trọng tại một số địa phương.
Dễ hiểu khi dư luận đều đặt ra nghi vấn, liệu rằng đây có phải là lần đầu tiên xảy ra chuyện nâng điểm “kinh thiên động địa” như vậy hay không? Hay đây chỉ là vụ việc đầu tiên bị phát hiện? Và phải xử lý vụ việc này như thế nào để tránh những hệ lụy xấu trong ngành giáo dục nói riêng, xã hội nói chung về sau?
Riêng tôi, với góc nhìn của một phóng viên thể thao, nếu kỳ thi THPT Quốc gia là một giải bóng đá thì đây không khác gì một vụ “bán độ, mua độ, chạy điểm” có tổ chức. Ngoài những phương án mà các cơ quan chức năng đang thực thi, thì nên chăng xử lý vụ việc này theo Luật bóng đá của FIFA và Liên đoàn bóng đá Việt Nam – VFF?
Quy định về kỷ luật của VFF ghi rõ tại điều 54 và 55: Khi xét thấy trận đấu có biểu hiện bị dàn xếp (móc ngoặc, nhường điểm, bán độ…) thì xem xét phạt tiền từ 50 đến 100 triệu đồng. Và nếu “Cá độ, bán độ, môi giới cá độ, đánh bạc liên quan đến bóng đá” thì “cấm tham gia hoạt động bóng đá có thời hạn hoặc vĩnh viễn”.
Một khi đã điều tra ra những đối tượng nào “móc ngoặc, nâng điểm, chạy điểm” hay liên quan trong vụ “bán độ, mua độ” tại kỳ thi THPT Quốc gia thì rõ ràng phụ huynh của những “cậu ấm, cô chiêu” kia cũng không thể vô can.
Tại Mỹ, dư luận xã hội cũng từng rúng động vì việc chạy điểm vào các trường đại học danh tiếng như Georgetown, Yale, Stanford. Khi vụ việc được đưa ra ánh sáng, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã khởi tố các bậc phụ huynh gian lận với hành vi đưa hối lộ. Ngoài việc bị phạt tiền hàng triệu USD, những người liên quan đến đường dây chạy điểm vào các trường đại học Mỹ nếu bị kết án thì chủ mưu và cả phụ huynh đều có thể bị phạt đến 20 năm tù.
Xem ra, người Mỹ có vẻ như đã sớm áp dụng luật “bán độ” trong bóng đá để xử lý những vụ việc này để đề cao tính fairplay, trung thực và cao thượng. Còn Việt Nam?