Những bài đồng dao là một phần quan trọng trong nền âm nhạc dân gian, nền văn hóa dân gian của nhiều cộng đồng ở nông thôn Việt Nam trước đây. Có thể nói hầu hết các bài đồng dao được gắn liền với các trò chơi dân gian.
Đồng dao và các trò chơi dân gian có nhiều giá trị văn hóa đối với đời sống làng quê truyền thống. Nó làm cho tâm hồn của những đứa trẻ phong phú hơn, đời sống tinh thần đa dạng hơn. Trò chơi và những bài đồng dao cũng gắn kết các đứa trẻ lại với nhau, cùng vui chơi và giúp đỡ lẫn nhau. Qua các trò chơi dân gian, các bài đồng dao, những đứa trẻ cũng thêm phần gắn bó, yêu mến quê hương, gần gũi và gắn kết với bạn bè hơn. Những điều đó tạo nên nét đặc trưng của văn hóa làng quê trong ký ức, tâm hồn của những con người từng được sinh ra và lớn lên ở đó.
Những đứa trẻ hát những bài đồng dao khi tổ chức các trò chơi mà chúng thích và những trò chơi dân gian cũng gắn với các bài đồng dao mới tạo nên được sự hấp dẫn của nó. Thường thì nhiều đứa trẻ sẽ tập hợp nhau lại ở một không gian đủ rộng trong làng, thường là ở sân một gia đình nào đó, các ngã ba, các đoạn đường làng rộng hoặc sân đình rồi cùng chơi các trò chơi dân gian và hát vang những bài đồng dao, sau khi phân vai cho nhau trong cuộc chơi. Có khá nhiều trò chơi và bài đồng dao từng gắn liền với nhiều thế hệ trẻ thơ ở vùng nông thôn như “nú na nú nần”, “dung dăng dung dẻ”, “rồng rắn lên mây”, “chi chi chành chành”. Hầu hết các trò chơi này cùng tên gọi với các bài đồng dao đi cùng… Qua các thế hệ, các trò chơi dân gian và các bài đồng dao cũng có những thay đổi nhất định.
Vì sao đồng dao và trò chơi dân gian cứ “lùi” theo quá khứ? Cùng với sự vận động của xã hội, đời sống, không gian xã hội nông thôn thay đổi, không phù hợp với những trò chơi xưa cũ. Nhưng trên tất cả, là sự thay đổi trong đời sống văn hóa cộng đồng, đời sống văn hóa gia đình. Những sinh hoạt văn hóa cộng đồng ngày càng hạn chế, thay vào đó là sự trỗi dậy mạnh mẽ của đời sống gia đình mang tính khép kín hơn, kín cổng cao tường, mối quan hệ hàng xóm, láng giềng của những đứa trẻ cũng thay đổi. Thêm vào đó, thời gian dành cho việc học hành chiếm tỷ lệ lớn làm cho những giây phút vui chơi với bè bạn cùng trang lứa của những đứa trẻ cũng ít ỏi hơn. Ngay cả trong những trường mẫu giáo, mầm non, vốn đáng ra là nơi vui chơi của trẻ em, cũng đã phải chạy theo các chương trình học tập. Những cô giáo mầm non hiện nay, vốn cũng là thế hệ ít thậm chí không được thụ hưởng, trải nghiệm những bài đồng dao và những trò chơi dân gian, nên khó để đứng ra tổ chức cho các cháu chơi được. Bên cạnh đó là sự xuất hiện và phổ biến của các phương tiện khoa học công nghệ hiện đại, làm cho đời sống sinh hoạt văn hóa gia đình ở nông thôn cũng thay đổi. Thay cho những lời hát ru, những bản đồng dao, là những bài hát mới, khúc nhạc mới và được truyền qua các thiết bị hiện đại từ ti vi, đài, đầu đĩa, máy tính và hiện nay phổ biến là điện thoại thông minh… làm cho các nét văn hóa vốn là đặc trưng ở làng quê truyền thống bị mất mát và khó phục dựng lại được.
Việc khôi phục lại các giá trị văn hóa của các trò chơi dân gian, các bài đồng dao theo nguyên bản là điều rất khó. Tuy nhiên, nếu có cách làm đúng đắn và hợp lý thì vẫn thể hiện được phần nào đó. Cách làm lý tưởng nhất là khôi phục lại các trò chơi dân gian và đồng dao trong đời sống cộng đồng, mặc dù điều này vô cùng khó khăn vì các thiết chế xã hội, không gian xã hội ở nông thôn đã thay đổi. Vậy nên trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa mới, cần có những tiêu chí khuyến khích khôi phục các không gian văn hóa truyền thống trong cộng đồng nhằm tạo điều kiện khôi phục các trò chơi dân gian, các bài đồng dao. Đồng thời có thể khôi phục các trò chơi dân gian và đồng dao ở các trường mầm non, là cơ sở giáo dục gắn liền với trẻ em; có cơ chế khuyến khích các trường mầm non tổ chức các trò chơi dân gian, hát các bài đồng dao như là một trong các chương trình học tập và vui chơi của nhà trường. Muốn vậy phải đào tạo, tập huấn cho các giáo viên mầm non, những người sẽ trực tiếp truyền đạt cho trẻ em trong quá trình dạy học.
Việc cải tiến các trò chơi dân gian cũng là phương án khả thi. Nhiều trò chơi đã được cải tiến dựa trên cơ sở nguyên tắc cũ của nó, nhưng được thay đổi hình dáng, kích thước và chất liệu để phù hợp với điều kiện hiện tại, dễ chơi hơn, thậm chí là ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào để số hóa các trò chơi dân gian thành các trò chơi điện tử. Tuy nhiên, cách chơi của các trò chơi cải tiến cũng có hạn chế về sự tương tác giữa những người chơi với nhau, và phần nào đó làm giảm giá trị văn hóa cộng đồng các trò chơi dân gian và các bài đồng dao.
Kỹ thuật: Chôm Chôm