ưởng là một chủ đề có tính hàn lâm như ngôn ngữ sẽ thuộc bổn phận tranh luận của những nhà nghiên cứu chuyên ngành, té ra không phải.
Mấy bữa nay, dường như quên cả cái nắng như thiêu như đốt của mùa hè khốc liệt, cánh tài xế vẫn “xin 5 phút” để “thảo luận khoa học” với nhân viên của các “trạm thu giá”. Khác với những gì đã xảy ra trước đây, lần này điều thú vị của 5 phút nằm ở chỗ người ta không xếp tiền lẻ nữa mà họ đề nghị nhân viên của các trạm BOT giải thích chữ “giá” có nghĩa là gì để lần sau họ còn chuẩn bị “giá” đem nộp!
Người ta ngơ ngác hỏi nhau, giá là gì nhỉ? Nó là danh từ, là động từ, là tính từ hay là… hư từ??? Quý ông hay quý bà “sáng tác” ra chữ “thu giá” thì có công trong việc phát triển ngôn ngữ hay tội đồ phá hoại nó? Chịu!
Trên các diễn đàn vẫn rần rần tranh luận và điểm dừng cuối cùng vẫn vời vợi, còn dưới cái nắng suýt soát 40 độ C ngoài kia thì hình như tất cả các cuộc “tranh luận khoa học tự phát” phần thua đều xiêu nghiêng về phía những người thấp cổ bé họng “mất giá” ngồi sau vô lăng! Vì sao à, vì nhân viên các trạm BOT đã được lập trình sẵn câu trả lời “Muốn biết thì lên Bộ mà hỏi”! “Bộ nào?”; “Bộ Giao thông Vận tải!”; “Hỏi cái gì?”; “Hỏi Thông tư 35”. Ồ, thì ra khoa học ngôn ngữ được điều chỉnh bằng một văn bản đi đường, tất nhiên các tài xế chỉ còn cách móc ví rút “giá” ra nộp mà chạy trời cho khỏi nắng. Thế thôi, thích giá thì giá, còn phí thì… không bỏ.
Thế đấy, không phải ngẫu nhiên hay cao hứng văn chương mà các trạm BOT ào ạt thay đổi “nghệ danh” từ “trạm thu phí” sang “trạm thu giá” đâu cơ chứ! Cái gậy để mấy “ông” BOT chống chèo lách qua chữ “phí” đầy nhạy cảm kia không hề mềm tý nào – nó cả là một văn bản dấu đỏ mực xanh của Bộ! Sai thì chưa biết có sai không, nhưng hay thì công nhận là tuyệt cú mèo, đến chữ ấy mà các bác cũng nghĩ ra. Tài! Trước những câu hỏi “hơi bị” trái ngành của dư luận, hôm qua hình như bên hành lang kỳ họp Quốc hội ai đó đã bắt đầu lên tiếng phân bua kiểu như “sản phẩm nhiệm kỳ trước để lại”. Dạ, BOT thì đúng là có tuổi đời xuyên thế kỷ, còn hai chữ “thu giá” thì nhiệm kỳ trước làm gì đã đủ sáng tạo hay nói cách khác là đủ “mẹo” để nghĩ ra đâu thưa ông! Thôi, kệ, văn bản ra rồi biết làm gì được nữa, có lẽ chỉ còn cách làm ngơ thôi, thiên hạ thiếu gì kẻ vẫn ngồi xổm trên dư luận để sống đấy ạ. Mà người ta cũng phải thừa nhận giỏi kia kìa. Chỉ tráo mỗi một chữ mà nâng tầm BOT lên không biết bao nhiêu chân kính! Rõ ràng là từ nay trong mối quan hệ tưởng như bình đẳng giữa bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ thì “ông BOT” luôn luôn “được giá” còn người dân suốt đời bị “mất giá”, càng tham gia giao thông bao nhiêu càng “mất giá” bấy nhiêu. Thôi thì dân nên hạn chế đi đường cho đỡ mất giá, chỉ sợ, nếu cách chơi chữ lèo lá này mang lại hiệu quả to lớn thì mai mốt bộ Y cũng đổi “viện phí” thành “viện giá”, bộ Giáo cũng đổi “học phí” thành “học giá” còn bộ Công thì đổi “lệ phí” thành “lệ giá”, lúc ấy hỏi dân còn “mất giá” đến nhường nào?
Mà cuối cùng thì “giá” nghĩa là gì nhỉ? Nói thu “giá” nhưng sao lại không thu giá mà lại thu tiền? Chả nhẽ “giá” là một cách gọi khác của tiền à? Không, không một cuốn từ điển nào “cả gan” nói giá là tiền cả! Phân tích về ngữ pháp thì trường hợp này có lẽ “thu” là động từ mà đứng sau động từ thì thường hay có một danh từ hoặc tính từ, nếu nó là danh từ thì anh tài xế mang mớ giá đến nộp hoàn toàn đúng, còn nếu “giá” ở đây không phải danh từ thì xin lỗi Bộ đã sai về mặt ngữ nghĩa. Nói thẳng ra đây là một cụm từ gán ghép khiên cưỡng, cẩu thả và vô nghĩa. Nói đánh tráo khái niệm cũng không đúng bởi vì chữ “thu giá” không đủ để cấu thành một khái niệm nào cả, trừ khi người ta cố tình cưỡng chế sử dụng cho đến khi mọi người dân hết… cãi!
Đừng tưởng thay đổi cách xưng hô sẽ làm thay đổi bản chất của vấn đề. Dùng chữ “giá” để tránh bắt bẻ với với chữ “phí” trong “phí giao thông đường bộ” mà qua được mắt dân là chủ quan rồi đấy. Khôn thì khôn thật, nhưng chỉ khôn chưa đủ đâu. Nói về trò chơi chữ thì người xưa chơi chữ hay lắm cơ, người xưa nói khôn, nhưng khôn là khôn ngoan! Khôn mà không ngoan thì hỏng. Thậm chí còn tệ hơn ngoan mà không khôn! Công nhận thay chữ “phí” bằng chữ “giá” thì khôn thật, nhưng “ngoan” hay chưa thì có lẽ cơ quan tham mưu soạn thảo ra văn bản tự biết rõ! Ngoài chữ “khôn ngoan” cha ông còn chữ “khôn lỏi” nữa kia.
Không phải tự nhiên mà dư luận người ta giãy nảy lên như vậy, vấn đề thu phí các trạm BOT chưa bao giờ nguội kể cả trên mặt đường cũng như trên bàn nghị sự. Đừng dập lửa bằng xăng. Nếu kiêng khem với chữ “phí” thì sao không thẳng thừng gọi là “trạm thu tiền dịch vụ BOT”? Với một mức giá hợp lý, với một cơ chế minh bạch, với một tinh thần tôn trọng khách hàng theo nguyên tắc “thuận mua vừa bán” có lẽ phù hợp với văn hóa thị trường và văn minh ứng xử hơn là tìm cách lạng lách bằng chữ nghĩa.
Nghĩ rằng đây cũng là một bài học trong việc giải quyết các xung đột lợi ích trong xã hội nhưng cũng là một bài học về tiếp cận dân. Chữ “thu giá” có thể sửa, nhưng cũng cần sửa cung cách cung cấp dịch vụ BOT mới là vấn đề âm ỉ. Thay nghĩ phương án đối phó thì có lẽ cần đi đến tận cùng để giải quyết cái gốc của vấn đề. Còn nếu cứ bỏ ngoài tai mọi lời đề nghị, kiên quyết nhét bằng được chữ “giá” vào văn bản thì không loại trừ BOT cũng phải trả… giá!