Ngày 3/9, mạng xã hội facebook râm ran thông tin 3 cán bộ chủ chốt ở xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu bị đình chỉ công tác vì lỗi lơ là trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Sự việc sau đó được báo chí truyền thông mô tả đầy đủ. Đó là do huyện Diễn Châu xuất hiện 3 ca F0 trong cộng đồng nên ngày 3/9, tỉnh đã phải tổ chức một cuộc họp khẩn cấp tại địa phương này dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long.
Tại đây, nguyên nhân dẫn đến 3 ca F0 cộng đồng đã được huyện Diễn Châu báo cáo cụ thể. Theo đó, cả 3 ca F0 đều trú tại xóm Ái Quốc, xã Diễn Hồng; có yếu tố dịch tễ liên quan đến bệnh nhân N.X.TR, là lái xe ô tô đường dài. Từ ngày 22/8, bệnh nhân này đi xe tải từ Đồng Nai, đến Diễn Hồng xuống xe, vượt qua chốt cứng và trốn về nhà, không khai báo y tế. Trong quá trình ở nhà, đã thường xuyên mời một số bạn bè về nhà uống bia rượu, khi huyện đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đến ngày 30/8, N.X.TR tiếp tục đi vào Đồng Nai; đến ngày 1/9, kiểm tra test nhanh phát hiện dương tính; sáng 2/9, qua xét nghiệm PCR khẳng định dương tính.
Kiểm tra công tác phòng chống dịch đối với xã Diễn Hồng, thì phát hiện có sự lơ là. Đó là việc lãnh đạo xã nắm chưa rõ một số nội dung huyện triển khai như: ký cam kết trong toàn dân thực hiện chống dịch; quản lý di biến động dân cư chưa tốt, đã để tình trạng trốn chốt, không khai báo y tế, để xảy ra lây nhiễm các ca cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ bùng dịch.
Đây là những nguyên nhân để Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long sau đó đã đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy Diễn Châu tạm đình chỉ công tác Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã Diễn Hồng trong thời gian 14 ngày để xem xét trách nhiệm. Đề nghị Công an củng cố hồ sơ, tiến hành điều tra và khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong thời gian nhanh nhất. Đồng thời, tạm đình chỉ công tác Trưởng công an xã Diễn Hồng.
Sự việc xã Diễn Hồng có 3 cán bộ chủ chốt bị đình chỉ công tác khiến dư luận nhớ đến câu chuyện diễn ra trước đó 2 ngày (ngày 1/9), tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội.
Như nhiều cơ quan báo, đài đã đưa tin, sau khi kiểm tra một số khu vực dân cư trên địa bàn phường Thanh Xuân Trung, điểm nóng Covid-19 của TP. Hà Nội với hơn 300 người nhiễm, trong một lộ trình không báo trước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu TP. Hà Nội đến kiểm tra Sở chỉ huy tiền phương của UBND phường. Tuy nhiên, khi Thủ tướng đến thì Sở chỉ huy của UBND phường Thanh Xuân Trung không có người trực. Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo phường trình quyết định thành lập và quy chế làm việc của Ban chỉ đạo phòng chống dịch. Tuy nhiên, sau hơn 30 phút, cán bộ phường mới tìm thấy quyết định. Nhưng theo quyết định này, Trưởng ban chỉ đạo lại là Chủ tịch UBND phường, trong khi theo quy định thì Trưởng ban chỉ đạo phải do Bí thư cấp ủy đảm nhận. Lý do được cán bộ phường báo cáo Thủ tướng là vì Bí thư được điều động, bổ nhiệm chức vụ khác ở quận. Và điều đáng buồn là việc điều động đã diễn ra hơn một tháng.
Chưa hết, khi Thủ tướng đặt ra một số câu hỏi để kiểm tra lãnh đạo phường đã nhận được các công điện mới của Thủ tướng chưa, nắm vững tới đâu các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ thì Chủ tịch phường đã trả lời lúng túng. Bởi vậy, Thủ tướng đã nhận xét: “Tôi đã yêu cầu phổ biến các công điện ngày 22/8, công điện ngày 23/8 của Thủ tướng tới tận phường, xã. Câu trả lời cho thấy không nắm vững tư tưởng chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ”.
Từ việc kiểm tra công tác chống dịch tại phường Thanh Xuân Trung, ngay sau đó Thủ tướng đã chủ trì cuộc làm việc trực tuyến với lãnh đạo thành phố Hà Nội, cùng tất cả các quận, huyện và 579 xã, phường trên địa bàn thành phố. Tại cuộc làm việc này, Thủ tướng cũng đã chỉ ra những điều “không được” tại phường Thanh Xuân Trung, để qua đó nhắc nhở “tại phường nóng nhất thì như vậy chưa ổn”.
Thời gian qua, trong rất nhiều lần lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đều khẳng định để chiến thắng được dịch bệnh, phải phát huy sức mạnh của toàn dân; và toàn hệ thống chính trị phải gương mẫu đi đầu. Cụ thể như ngày 29/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kêu gọi: “Toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”. Hay như Thủ tướng Chính phủ đã nêu quan điểm chỉ đạo: “Mỗi phường xã, nhà máy, xí nghiệp là một “pháo đài” chống dịch. Mỗi người dân là một chiến sỹ”…
Bất kỳ người dân nào cũng có thể hiểu được vì sao lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ dành sự quan tâm lớn nhất cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, để có những lời kêu gọi tâm huyết và đưa ra những chỉ đạo cụ thể, sát sao đến như vậy. Nhưng để thực hiện được, toàn hệ thống chính trị phải vào cuộc. Trong đó, những người đứng đầu ở cấp xã, phường có vai trò hết sức quan trọng, bởi sát với dân, gần với dân.
Lâu nay chúng ta thường nghe câu “Cán bộ nào, phong trào đó”. Quả thực, ở địa phương cơ sở nào, cán bộ chủ chốt gương mẫu, trách nhiệm, dốc hết tâm sức cho công việc thì ở đó, sẽ có sự tiến bộ, cán bộ đảng viên và nhân dân đồng tâm nhất trí. Ngược lại, địa phương cơ sở nào cán bộ chủ chốt không gương mẫu, có tư tưởng cá nhân, vụ lợi thì địa phương đó sẽ chậm phát triển, mất đoàn kết; thường xảy ra sai phạm, phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo. Trong công tác phòng chống dịch bệnh cũng không ngoại lệ. Nếu cán bộ chủ chốt không gương mẫu đi đầu thì cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị của địa phương cơ sở đó cũng khó lòng gương mẫu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Và đương nhiên địa phương cơ sở đó sẽ không bao giờ trở thành “pháo đài chống dịch”, vì làm sao có thể tập hợp được người dân, vận động người dân trở thành chiến sỹ.
Đến thời điểm hiện tại, công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 của cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng đã thu được những kết quả tích cực. Nhưng diễn biến về dịch bệnh vẫn còn hết sức phức tạp, còn tiềm ẩn nhiều những nguy cơ. Vì vậy, dù sự việc ở xã Diễn Hồng, hay ở phường Thanh Xuân Trung đã qua một thời gian, nhưng là bài học đáng ghi nhớ. Để không mắc phải, để không trở thành những tấm gương mờ!
Ảnh minh họa: PV-CTV-Tư liệu