Bạn mong chờ điều gì ở đứa con tương lai của mình?
Nhiều bà mẹ trong quá trình mang thai miệt mài xem ảnh của những diễn viên, người mẫu nổi tiếng vì tin rằng đứa trẻ sinh ra sẽ xinh đẹp nếu người mẹ hay nhìn thấy những người xinh đẹp.
Thực tế hơn và cũng khoa học hơn, nhiều người lại kỳ công cho việc ăn uống để đứa trẻ không chỉ khoẻ mạnh mà còn thông minh. Thử google từ khóa “Ăn gì để con thông minh từ trong bụng mẹ” sẽ có ngay hàng loạt kết quả để thỏa mãn cơn sốt “con thông minh” của các mẹ – mặc dù sau khi dành thời gian đọc vài chục trang, ta có thể tóm tắt ngắn gọn: Muốn con thông minh, hãy ăn tất cả những gì bạn thích.
Lớn thêm chút nữa, khi đứa trẻ đi học, tiêu chuẩn của một đứa con hoàn hảo được đánh giá bằng điểm số ở trường và những lời nhận xét của cô giáo tại buổi họp phụ huynh. Đứa trẻ đứng bét lớp trong bảng điểm cuối năm hiếm khi tránh khỏi những trận đòn cũng như việc bố mẹ nó hiếm khi tránh khỏi cảm giác xấu hổ khi đi họp phụ huynh. Tất nhiên vẫn có những ngoại lệ. Bản thân người viết bài này – không hề có ý kiêu căng tự phụ gì – từng nhiều năm đứng trong top đầu lớp và vẫn ăn đòn đều đặn hai lần trong năm, sau mỗi buổi họp phụ huynh. Lý do: Ăn quà vặt và nói chuyện riêng trong lớp. Có lẽ tiêu chuẩn của bố mẹ người viết hơi khác so với những ông bố bà mẹ khác.
Chúng ta tiếp tục tua nhanh quá trình lớn lên của một đứa trẻ và tiến đến những năm cấp hai. Tiêu chuẩn đánh giá vẫn là kết quả học tập nhưng độ khắc nghiệt đã tăng lên nhiều lần. Khả năng viết chữ đẹp không đủ để đảm bảo cho danh hiệu học sinh giỏi như thời tiểu học nữa. Cuộc chạy đua sẽ khốc liệt hơn với nhiều thử thách mới như lớp học thêm buổi sáng, buổi chiều và buổi tối… Một số chướng ngại vật mang tính chủ quan sẽ xuất hiện trong cuộc đua, trong đó không thể không kể đến tình cảm mới chớm nở của tuổi dậy thì. Hầu hết đều nhanh chóng bị phụ huynh định vị và loại trừ không nương tay.
Lớn thêm chút nữa, chúng ta bước vào chặng nước rút của cuộc đua – ba năm cấp ba. Lúc này, mục tiêu mà các ông bố bà mẹ nhắm đến rất rõ ràng: Một trường đại học top đầu, một suất học bổng du học, v.v và v.v. À không, chỉ có hai lựa chọn đó thôi chứ làm gì có nhiều mà vân vân mây mây gì ở đây. Một người bạn của tôi kể: vào thời điểm nó ôn thi đại học, nó hỏi bố rằng giả như nó không đậu được vào trường đại học mà bố nó muốn thì sao. Và nó sẽ không bao giờ quên câu trả lời: “Không đậu thì nhục chứ sao nữa”. Tóm lại, một đứa con không đậu vào trường đại học tốt là nỗi nhục nhã của bố mẹ, từ đó suy ra, nó là đứa con hư. Hơi khó nghe, nhưng sự thật luôn trần trụi hơn những lời hoa mỹ chúng ta nói với nhau, phải không?
Chúng ta có thể đi tiếp cuộc đời của một đứa trẻ cho đến khi nó tốt nghiệp đại học, tìm một công việc, yêu một ai đó, rồi kết hôn và sinh con đẻ cái. Cái vòng luẩn quẩn của công cuộc nuôi dạy những đứa con hoàn hảo lại bắt đầu. Nhưng gượm đã, tôi xin phép dừng chiếu phim để đặt ra câu hỏi – mà tôi luôn thắc mắc từ khi còn bé cho đến tận bây giờ khi tôi đã sẵn sàng chào đón đứa trẻ của mình. Thế nào là một đứa con ngoan? Thế nào là một đứa con hoàn hảo? Với tất cả những phẩm chất, tiêu chuẩn mà chúng ta vừa nhắc đến ở trên đây, cá nhân tôi cho rằng một đứa con ngoan không khác một con chó ngoan là bao. Nói cách khác, một loại thú cưng mà ta nuôi để thoả mãn nhu cầu sở hữu và kiểm soát.
Tôi hy vọng một ngày nào đó, khi tôi có con, tiêu chuẩn hoàn hảo mà tôi kỳ vọng nơi nó sẽ không giống như những điều tôi đã nói ở trên. Ăn ít hay ăn nhiều, béo hay gầy, học giỏi hay học kém, thành đạt hay làng nhàng…không quan trọng. Miễn sao nó cảm thấy hạnh phúc với cuộc đời nó, là đủ. Bởi, mọi kỳ vọng lớn lao mà các ông bố bà mẹ gửi gắm nơi con cái, suy cho cùng chẳng phải vì muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho chúng hay sao? Vậy thì trước khi lao vào cuộc chạy đua với những tiêu chuẩn của một cuộc thi chó đẹp, tôi mong các ông bố bà mẹ dành một phút để hỏi con cái mình: Điều chúng thực sự muốn và có thể khiến chúng hạnh phúc là gì? Nếu câu trả lời vẫn còn là bí mật với các vị thì điều các vị cần làm là xem lại bản thân mình. Các vị đã là ông bố bà mẹ hoàn hảo mà con cái kỳ vọng chưa?