Độc

ĐỘC

“Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa… cử tri”

Đó là câu ca dao khảo dị phiên bản 4.0 được một bộ phận đại biểu âm thầm tấm tắc thuộc lòng. Độ nóng nguội của công luận có khi tùy thuộc không ít vào những động thái của chính khách mà phần nhiều số đó được chuyển tải qua cửa ngõ ngôn ngữ.

Có lẽ trong tuần qua không từ khóa nào đủ đình đám để dám qua mặt chữ lu. Phát biểu của một vị dân cử về giải pháp chống đã dấy lên cơn cuồng nộ về năng lực đại biểu và  thậm chí cả chất lượng học vị.

Cư dân mạng quá nhiều lý do cũng như vô tận cảm xúc để khai thác tối đa công suất của bàn phím. Nếu đó là phát biểu của một bác xe ôm nơi cuộc họp thôn thì có lẽ đã khác. Trong khi đổ ngàn tỷ mà không giải quyết được vấn đề gì thì dùng lu, dùng bát tô, thậm chí dùng lon để chống ngập vẫn còn ích nước lợi dân hơn, ít ra thì nó cũng không tác hại bằng.

Câu chuyện là đề xuất không đến từ một cái đầu chứa não trạng bình dân, mà là phát biểu của Phó Giáo sư trong một hội nghị cấp thành phố. Chủ nhân của ý tưởng có một không hai này sau đó phân bua rằng đây không phải là tự cô nghĩ ra mà nó là sản phẩm đã được đưa vào thực hành tại Nhật Bản. Còn cái lu là  cách nói dân dã, nó là sự kết hợp tuyệt vời giữa thành tựu khoa học nhân loại với truyền thống gốm sành ngàn năm nhằm “phát huy đậm đà bản sắc dân tộc”. Khỏi phải nói cư dân mạng hè nhau chửi bới như nào. Hết miệt thì bằng văn xuôi người ta chuyển sang chế thơ, hết chế thơ người ta chuyển sang chế ảnh, hết chế ảnh người ta còn cả chế nhạc. Người ta còn tìm đào cả đời tư, quan hệ huyết thống, thậm chí trích xuất cả học hàm học vị ra để xỉa xói. Tội chị.

Người điềm đạm thì trách chị tìm hiểu chưa kỹ trước khi đề xuất. Ở nước ngoài người ta dùng bể chứa chống lụt  là dạng điều tiết lưu thông nước. Khi mưa to nước chảy vào bể chứa, họ chỉ tạm giữ ở đây, sau khi hết lụt người ta lại bơm ra hệ thống cống thoát để chuẩn bị cho đợt chứa tiếp theo, cái này chính xác là bể gom. Còn cái lu xinh xắn tí xíu của chịđình thì lại khác (từ trạng thái động về trạng thái tĩnh). Chả nhẽ hôm qua mưa đầy lu, dùng chưa hết hôm nay mưa “tập hai” lại phải đun uống cho hết để đựng lớp khác à? Đó là chưa nói triều cường, chả nhẽ lấy gáo múc nước đổ vào lu để chống ngập? Việc dùng bể chứa điều hòa đã áp dụng nhiều nơi trên thế giới. Nhưng cái ý tưởng huy động lu kết hợp dùng sinh hoạt thì đúng là độc nhất vô nhị. Về phía cư dân mạng không kiểm soát được cảm xúc, lại bị hội chứng đám đông lôi kéo nên lời lẽ cũng quá đà! Còn chị “đe” dùng luật An ninh mạng để “trị” dư luận thì quả là độc… đáo!

Nhân nhắc đến chữ độc, cũng xin tranh thủ đôi lời về chữ này.  Độc là thứ có tác dụng làm hại sức khỏe hoặc làm cho chết sinh vật (chất độc). Chữ độc cũng có thể chỉ một dạng tính cách, hành hày vi con người (thâm độc, ác độc). Phổ thông nhất của chữ độc là chỉ sự “độc nhất vô nhị”!

Một tiến sĩ phật học trụ trì hai ngôi chùa vừa bị bắt vì hiếp dâm bé gái 14 tuổi, đó là độc ác. Việc giá điện giá nước làm mưa làm gió là hậu quả tất yếu của độc quyền. Còn mấy vị quan nói không biết chuyện con được nâng điểm vừa qua là một dạng độc mồm độc miệng. Với xã hội họ chính là… độc tố!

Hồi còn học phổ thông lớp tôi có bạn Hùng thuộc hàng chúa nghịch phá. Hùng là đầu têu của mọi trò quậy, thậm chí là “đại ca” không chỉ trong lớp mà cả trong trường. Cô chủ nhiệm không dưới một lần khóc vì Hùng, và sau nhiều lần bất lực với cậu học trò cá biệt, cô đã xin đổi lớp để tránh mặt “đại ca”. Nhà trường phân công chủ nhiệm mới. Ngay buổi đầu tiên đến dự sinh hoạt lớp cô giáo trẻ phủ đầu “Bạn Hùng là bạn nào?” Cả lớp đổ mắt về cái bàn cuối cùng nơi có “đại ca” đang ngồi xé giấy quấn pháo. “Mời Hùng đứng dậy nào?”. Lần đầu tiên thấy Hùng vâng lời cô dứng dậy. “Cảm ơn em, mời em ngồi xuống”. Rồi cô tiếp tục, “Thế này nhé, cô thấy bạn Hùng ngồi ở bàn cuối tiện quan sát, bạn Hùng lại được các bạn trong lớp rất quan tâm. Vậy nên cô phân công bạn Hùng làm  lớp phó, phụ trách mảng văn nghệ và nề nếp lớp học. Cả lớp ta thấy thế nào?”. Chả ai bảo ai bỗng nhiên một tràng vỗ tay tán thưởng. Thế là từ đó Hùng thay đổi. Năm ngoái, nhân dịp 20 tháng 11, như thường lệ tôi cùng Hùng đến thăm cô giáo xưa. Nhắc lại chuyện cũ, cô bảo “Hồi ấy mình mà không chơi bài lấy độc trị độc, thì hôm nay chắc gì em còn nhớ mà đến thăm cô”.

Thế đấy, có những thứ rất độc nhưng cũng lại rất quý. Asen là chất gây ung thư nhưng chính asen không chỉ trị bệnh giang mai mà còn dùng phối hợp chữa một loại ung thư hiếm gặp (bạch cầu cấp tính tiên phát) Nọc rắn hổ mang cực độc nhưng chính nọc rắn đang là cứu tinh cho 150 triệu bệnh nhân viêm khớp khắp thế giới. Thậm chí cả loài cây giết người huyền thoại có tên lá ngón nữa, năm ngoái cây lá ngón vốn dĩ đã nổi tiếng với ngàn câu chuyện tình buồn bỗng dưng lại nổi tiếng một cách cồn cào vì có đại biểu đề xuất lấy lá ngón để thi hành án tử thay cho tiêm thuốc độc tốn kém! Độc đến mức được kéo tuột vào tận nghị trường vậy mà nghe nói lá ngón lại là một vị thuốc chữa trị mụn nhọt mới kinh….

Lại nhớ đến câu “Họa vô đơn chí phúc bất trùng lai”, câu chuyện ngụ ngôn về cái lu chưa kịp nguội thì ngay lập tức vẫn là đại biểu này tiếp tục châm lửa đốt nóng cộng đồng mạng lần thứ hai bằng đề xuất dùng biện pháp cứng nhằm “tiễn” người nhập cư ở thành phố HCM hồi hương. Với lời ví von líu lo âm nhạc “Em ơi đô thành giờ đây anh sống không quen” chị đã chính thức trở thành “người của công chúng”. Chết cười! Chỉ việc này thôi chị cũng xứng đáng là nghệ nhân trong việc đổ dầu vào lửa. Cư dân mạng cảm ơn cái đề xuất “kiểu Mỹ”! Không có phát biểu đanh thép ấy thì mấy ai biết nữ đại biểu sinh ra ở Cam Pu Chia và lớn lên ở miệt vườn… miền tây! Một pha truy kích thân nhân hơi bị độc. Nếu vụ này rơi vào tay cô giáo chủ nhiệm tôi ngày trước thì biết đâu đại biểu lại được bổ nhiệm làm “lớp phó phụ trách vấn đề nhập cư” rồi.

Cũng là thuốc, nhưng thuốc bổ uống cả tháng chưa chắc đã ngấm, trong lúc đó thuốc độc thì chỉ cần vương tí tẹo là đã có thể “về nơi an nghỉ cuối cùng”! Chan một chút tốt đẹp  vào cuộc sống có khi lại khó hơn so với làm điều ngược lại.  Thoạt nghĩ chuyện cái lon hay cái lu cũng chỉ là cú trào ngược trong quá trình tiêu hóa thông tin mà thôi, rồi mọi thứ lại yên ả trở lại. Có lẽ chúng ta cần làm quen với sự khác biệt, thậm chí cả sự dị thường dù ở xứ mình nó đang còn vô cùng thưa thớt. “Đi theo lối mòn là việc của con cừu” nhân loại đã không như ngày nay nếu không có những ý tưởng nghiên cứu độc lập, thậm chí điên rồ và bị xua đuổi.

Nhưng để “vớ” được một thành tựu nhân loại cũng đà từng phải trải qua muôn vàn ý tưởng điên rồ vô bổ khác. Không phải suy nghĩ khác người nào cũng làm nên công cán, nhưng cũng không phải ý tưởng điên rồ nào cũng là thứ vứt đi. Tôn trọng sự khác biệt đó là lời thỉnh cầu của tiến trình phát triển. Có thể bạn không yêu thương nó, nhưng xin bạn cũng đừng vứt bỏ bỏ nó, ít nhất cũng đừng dành cho nó những lời độc địa!