“Định lý Huy – Gô”

Trong cuộc sống đôi khi có những kỷ niệm âm thầm đồng hành cùng chúng ta dọc cả cuộc đời theo một cách khó lý giải nhất, câu chuyện “Định lý Huy Gô” mà tác giả sắp kể là một ví dụ.

Chuyện xảy ra cũng đã hơn 30 năm, thời gian đủ dày để đóng bụi lên những vụn vặt của cuộc sống. Vậy mà mỗi lúc gặp tình huống nào đó liên quan tôi lại nhớ đến cái “Định lý Huy – Gô” thuở nào. Cuối tuần, xin mạo muội kể cùng bạn đọc một câu chuyện hoàn toàn có thật mà tôi bất đắc dĩ được làm nhân vật chính.

Ngày ấy vừa tốt nghiệp cấp ba, kẹt giữa giai đoạn “tiền thất nghiệp”, tôi theo chú Chín, một chủ thầu xây dựng để đi phụ hồ. Gọi là chủ thầu nhưng thực ra làm cùng chú Chín cũng chỉ lon ton dăm ba anh thợ nửa mùa. Chú Chín cũng chỉ dám nhận mấy cái công trình lặt vặt, liều lắm thì cũng chỉ nhà cấp 4 “một lồi một lõm” thôi. Trong nhóm làm công, tôi là đứa duy nhất học xong cấp ba nên được chú Chín tếu táo là “tầng lớp trí thức”. Thỉnh thoảng cần tính toán vật liệu này nọ chú cũng giao cho tôi và tất nhiên phần lao động chân tay được giảm chút ít, chú gọi là “phụ cấp chất xám”. Tiền công sá chú giao tôi giữ, thanh toán cho anh em. Mỗi lần như thế chú lại cho tôi mấy đồng gọi là “phụ cấp dưỡng liêm”. Thấy tôi đôn đáo các hoạt động khối xóm chú Chín bảo: “Đã trí thức thì đừng dại dột mà ham hố quan trường”.

Một hôm, đổ móng nhà cho ông cán bộ chi cục thuế của thành phố. Từ sáng sớm thầy trò nhóm thợ đã lục cục đồ đoàn để kịp đến công trình vì “cô” phán lễ động thổ trước 4 giờ sáng. Sau tuần trà nóng công việc chính thức bắt đầu. Đầu tiên là đóng 4 cái cọc, phần này thuật ngữ chuyên môn của chú Chín gọi là “giác móng”. Ngày ấy không có đèn laze, để lấy góc vuông người ta làm sẵn một cái ê – ke bằng gỗ. Khi cần lấy góc vuông chỗ nào, chỉ việc áp cái ê – ke vào là xong. Mỗi lần thực hiện thao tác quen thuộc này chú Chín lại lẩm nhẩm: “Công cụ lao động quyết định năng suất lao động”. Cả nhóm tròn xoe mắt!

Trở lại với việc giác móng nhà bác Hùng, đến giờ thì hỡi ôi chả tìm ra cái ê ke đâu cả. Đám thợ chạy nhao nhác, ai cũng hốt hoảng nhìn đồng hồ, thấy tình hình căng thẳng chú Chín hắng: “Để đó tau”! Nói đoạn chú Chín lấy cái nẹp gỗ cắt làm 3 khúc nối lại với nhau thành một tam giác vuông. Cả nhà ai nấy trố mắt: “Tài hè, tài hè” “Răng rứa hè, răng rứa hè” “Vô lý hè, vô lý hè”.

Chú Chín nghiêng cằm một góc chếch 45 độ rồi từ tốn nhả giọng: “Vô lý là vô lý a răng! Cứ một đoạn bằng 3, một đoạn bằng 4, một đoạn bằng 5 nối lại sẽ tạo thành góc vuông! Đó là “định lý toán học Huy Gô hiểu chưa!”. Ô chao ôi là trời ôi, bà con ba làng thợ chỉ thiếu nước nằm lăn ra đất mà bái phục!

Trưa hôm ấy gia chủ mời rượu, tua xong vài chén, khi đã có đà chú Chín lại thao thao bất tuyệt về cái “định lý Huy Gô” lúc sáng. Cha con há hốc mồm, vừa nghe và vừa… tiếp tục bái phục. Đang lúc cao trào thì… tôi – gã “tầng lớp trí thức” ngứa mồm ngoắc lại: “Chú ơi cấy nớ nỏ phải định lý Huy Gô, mà là định lý Pi-ta-Go. Huy Gô là tên nhà văn chú nạ”. Như một gáo nước lạnh, mọi người ai nấy vừa mắt trợn ngược nhìn tôi lại vừa lấm la lấm lét nhìn trộm chú Chín. Chú Chín dằn giọng: “định lý Huy Gô”, tôi cãi: “định lý Pi Ta Go”. Chú Chín đứng phắt dậy: “Ta Go à, ai cho phép mi Ta Go? Tao nói Huy Gô là Huy Gô”. Như một phản xạ sệt bệnh tự ái trí thức, tôi đỏ mặt cãi lại: “Trong tam giác vuông bình phương của cạnh huyền bằng tổng bình phương của hai cạnh kia cộng lại. Nó là Pi-Ta-Go, chiều cháu đưa sách cho mà coi”. Chú Chín chợt dữ tợn: “A, mi vẫn thích Go à, Go thì tau cho go luôn. Mai nghỉ việc!” Chú tiếp: “Thằng mô thích Go tau cho go luôn! Tau hỏi, ai công nhận định lý Huy Gô là đúng thì giơ tay tau coi”. Cả nhà nhìn nhau rồi lấm la lấm lét giơ tay, tất nhiên trừ tôi.

Nhìn 8/9 cách tay giơ lên, tôi sụp đổ trước kết quả biểu quyết. Tôi chấm hết cái sự nghiệp phụ hồ từ đó. Đời đã dạy cho tôi bài học vỡ lòng về nguyên tắc số đông vậy đó. Sau này chú Chín rời quê vào Nam lập nghiệp, nghe nói ăn nên làm ra lắm. Năm 2000 có dịp vào TP. HCM, trên đường đi qua quận P.N tôi tình cờ thấy cái trụ sở công ty xây dựng Huy Gô! Tự nhiên nhớ đến chú Chín, tự nhiên nghèn nghẹn…

Trái đất xoay tròn, năm 2015 tôi tình cờ gặp lại chú Chín trong một cuộc hội ngộ đồng hương phía Nam. Sau mấy tuần rượu chú nói: “Tau phải cảm ơn mi một chén, nỏ có mi chắc chi chừ tau đã có công ty Huy Gô”. Chú tiếp, “Hồi nớ cứ thằng mô có dấu hiệu Ta Go là tau truất hết. Tau đuổi mi không phải vì mi sai mà là vì mi ngu! Định lý Huy Gô là định lý cấm cãi lại thủ trưởng hiểu chưa!”. Tôi chưa kịp hết choáng váng với cách dùng chữ có phần thô bạo của chú thì chú đã tiếp tục nói. “Hồi ấy cả đám biết mi không sai nhưng 100% vẫn biểu quyết tau đúng. Quyền lực tuyệt đối đứng về phía tau ngốc ạ. Để chiến thắng toàn cục phải chủ động chấp nhận thua một số trận mi ơi. Mi chưa thua thì muôn đời mi cũng nỏ thắng được. Hãy nhớ thủ trưởng luôn đúng”.

Chia tay chú Chín khá bịn rịn, tôi về Bắc ngậm ngùi bao ý nghĩ. Tôi không bị thuần hóa bởi cái lý thuyết của chú Chín, nhưng tôi không đủ lý lẽ để bác bỏ nó. Chú là con người lặn lội từ thực tiễn, mọi thứ trần trụi nhưng ít hoang đường? Xã hội vẫn dư thừa mặt bằng cho đám hèn nhát và nịnh bợ cơi nới quyền lực đấy thôi. Có gã nọ gặp sếp trong nhà vệ sinh bèn nịnh: “Thủ trưởng bận trăm công ngàn việc thế mà cũng đích thân đi vệ sinh ạ?”. Gã ấy vù vù lên ghế! Sau khi lên ghế chính gã lại vẫn “đích thân đi vệ sinh”! Có không ít kẻ sống, làm việc, học tập sau đó “trưởng thành” chỉ nhờ sự tráo trở và hết lòng tráo trở của ba tấc lưỡi. Họ chấp nhận cái sai, họ đồng lõa cái sai và họ trục lợi cái sai, chỉ duy nhất đúng là các đời… thủ trưởng!

Có thể những người thợ xây của chú Chín ngày ấy không xấu, nhưng họ buộc lòng phải lựa chọn đáp án sai để bảo toàn cuộc sống. Họ không dại dột đương đầu với một cuộc tranh cãi vô bổ. Họ đáng thương hơn đáng trách, còn tôi ngày ấy vừa đáng trách lại vừa đáng thương. Hơn 30 năm, mọi thứ đã khác, chỉ cái nguyên tắc “thủ trưởng luôn đúng” thì vẫn dai dẳng ký sinh trong tư duy hành chính đương thời, và “định lý Huy Gô” vẫn là cẩm nang của khối người thành đạt.

Kỹ thuật: Chôm Chôm

Ý kiến bạn đọc(1)

  1. Trần Văn Hiếu

    Thích cái câu chuyện ngày xưa, bởi có hình ảnh tôi trong đó. Còn cái định lý huy gô kia chỉ như cái khiên tự chế che chắn cho những kẻ yếu hèn mà thôi.

Trả lời bình luận của Trần Văn Hiếu (x)