Tôi luôn nhớ con đèo này.
Mã Pí Lèng theo tiếng Quan Hoả nghĩa là “Sống mũi ngựa”. Mã Pí Lèng là con đèo mà hơn nửa thế kỷ trước hiểm trở tới nỗi “ngựa cái chưa leo đến đỉnh đèo sẽ truỵ thai mà chết, ngựa đực chưa vượt qua đèo đã tắt thở”.
Đèo Mã Pí Lèng là phần nối dài của con đường Hạnh Phúc khi nó được mở đến huyện lỵ Đồng Văn bây giờ. Và để có được đoạn đường với 9 khúc quanh co dài 21km ấy, người ta đã phải mất tới 2 năm trời.
Tôi có một ký ức gắn với Mã Pí Lèng. Cạnh nhà tôi có một cặp vợ chồng hàng xóm người Mông quê Mèo Vạc. Ở với nhau đã lâu nhưng không có con. Khi tỉnh huy động thanh niên xung phong mở đường Hạnh Phúc, người chồng ra đi. Trong chuyến đi dài đằng đẵng ấy, ông ta gặp một nữ thanh niên xung phong người miền xuôi. Và hai người họ đã phải lòng nhau. Khi đèo Mã Pí Lèng thông từ Đồng Văn sang Mèo Vạc, ông chồng này dẫn người vợ hai về nhà. Từ đấy, ông ở với hai bà. Bà cả buồng bên phải, bà hai buồng bên trái. Bà vợ hai đã sinh liền tù tì 5 đứa con. Đứa nào bà cả cũng chăm bẵm nuôi nấng như con đẻ. Đứa con gái lớn của ông bà tên Thương, mang trong mình hai dòng máu Kinh và Mông, đấy là đứa bạn thân nhất của tôi trong những năm tháng bé thơ lang thang mò mẫm trong rừng, ngoài sông, ngoài suối. Sau này, ông chồng chết vì bệnh xơ gan, bà hai cũng mất, còn mình bà cả ở lại với 5 đứa con, tất thảy đều không phải con đẻ của bà.
Câu chuyện về người đàn bà Mông tên May ấy đã theo tôi đi suốt những năm tháng sau này, thậm chí, cuộc đời bà đã đi vào bộ phim mang tên “Chuyện của Pao”. Bộ phim đã có số phận của nó, dư âm về “Chuyện của Pao” hôm nay vẫn còn đọng lại ở Sủng Là, một xã ngay gần thị trấn Đồng Văn, với ngôi nhà mà trong đó người ta dán đầy ảnh chụp từ bộ phim. Nhưng nguyên mẫu của nhân vật bà Mao trong phim, người đàn bà có số phận trắc trở lấy đi bao nhiêu nước mắt thương cảm của người xem, thì vẫn sống lặng lẽ ở một xóm nghèo với những ký ức mà tôi đồ rằng lòng vị tha vĩ đại của một bà mẹ Mông không có khả năng sinh con đã khiến nó chỉ còn lại là những gì đẹp đẽ, ấm áp, dịu ngọt.
Một buổi chiều nào đấy, đi trên Mã Pí Lèng, nhìn lên lưng chừng vách núi, tiếng be be của dê con lạc mẹ thao thiết kêu trong ánh chiều tà đang rơi, tự dưng lòng dạ chùng xuống. Cầu Tràng Hương kia bắc qua sông Nho Quế, từ đấy đi một đoạn dốc ngoằn ngoèo chừng vài cây số sẽ lên tới trung tâm xã Xín Cái, tới Đồn Biên phòng Săm Pun, vùng giáp biên với nước bạn. Những ngày đông lạnh giá, lính biên phòng ngủ dậy sau một đêm, sáng ra đưa ca vào bể múc nước đánh răng, rửa mặt thì cái ca va đánh cộp vào… mặt nước đã đóng băng. Sương rơi đóng thành chuỗi như chuỗi hạt pha lê trên mái nhà.
Nhà văn Lỗ Tấn từng nói: “Kỳ thực trên mặt đất làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Nhưng tấm bia đá dựng ở lưng đèo Mã Pí Lèng ghi rõ: “Ngày khởi công con đường Hạnh Phúc 10/9/1959, hoàn thành ngày 20/3/1965”, thì cho thấy con đường dài hơn 185 km, trong đó có hơn 20km của đèo Mã Pí Lèng, không thể chỉ nhờ “đi mãi” mà thành đường. Khỏi phải nói con đường tiêu tốn không biết bao nhiêu mồ hôi, máu và nước mắt ấy đã mang lại những gì cho chúng ta hôm nay.
Một vài thập kỷ, rồi cả vài thế kỷ sẽ từ từ trôi qua. Vật đổi sao dời, vạn vật biến thiên, chỉ có lòng người, ý chí con người, tâm hồn và trái tim người, lòng tha thiết cộng với sự bền bỉ phi thường… sẽ còn mãi hiện diện ở đó, nơi lưng chừng núi, bằng vào một con đường mang tên Mã Pí Lèng – Sống mũi ngựa.