Đi

Sáng chủ nhật tuần qua ngồi cà phê, nghe một người bạn kể chuyện, điện thoại của bạn ấy vừa tình cờ nhận được tin nhắn từ một số lạ có nội dung “Chị đi cô cho cháu chưa?”, bạn tôi nghịch dại bấm “Rồi” lập tức số máy bên ấy nhắn lại “Đi phong bì hay dầu gội?” Bạn tôi nhắn trả “phong bì”, bên kia hỏi tiếp “Đi mấy?”. Biết không thể đùa dai bạn tôi hồi âm, “Xin lỗi đồng chí, tếu tý cho vui thôi, đồng chí nhắn nhầm máy rồi ạ”. Và tin nhắn cuối cùng bạn tôi nhận được từ số máy lạ là “Biến đi!”

Kể xong câu chuyện bạn trầm ngâm hỏi tôi, “Cậu ơi, chữ “đi” ở đây có nghĩa là chi hè?”. Tôi đứng hình toàn tập. Ừ nhỉ, “đi” là gì? Nguyên thủy chữ đi sinh ra chắc chỉ để mô tả động tác di chuyển bằng chân từng bước một. Bây giờ còn có cả “đi cô”, “đi sếp”… Đã đi cô lại còn “đi mấy?” thậm chí đi bằng “phượng tiện” nào? Nôm na là “đi hoa, đi phong bì, đi dầu gội hay đi… chay?” Vậy “đi” là gì?

Ngồi lục lại mớ từ điển lộn xộn trong trí nhớ già nua của mình, chợt nhận ra, ngoài cái nghĩa nguyên thủy thì  chữ đi còn được sử dụng trong hàng chục trường hợp khác nhau nữa cơ.Việc sử dụng phương tiện di chuyển cũng gọi là đi, ví dụ như như đi xe máy, đi xe đạp, đi ngựa, đi thuyền chẳng hạn. Thực hiện một công việc nào đó cũng phải mượn chữ đi như: đi đánh gôn, đi nước ngoài chữa bệnh, đi ăn tiệc với công ty bình phong. Có những trường hợp có lẽ phải dùng chữ đi mới đúng nghĩa, mới hết nghĩa. Thôi thì để bạn đọc dễ hình dung tác giả xin mạo muội đặt tạm một số câu cùng với chữ “đi” làm ví dụ như này: “Lúc thủ trưởng tòm tem thư ký thì mình hãy nhìn đi chỗ khác”; “Từ hôm ra tòa 2 vị cựu tướng nhìn gầy rộc đi”; “Cách để hiểu bà con Thủ Thiêm là bớt quan liêu đi”; “Để vào được vòng bán kết đội tuyển Việt Nam hãy bớt quan tâm trọng tài đi” “Đã bị kết luận vi phạm rất nghiêm trọng thì tốt nhất chuẩn bị tinh thần mà vào lò đi” “Việc tịch thu tài sản tham nhũng đang được các đại biểu đi sâu nghiên cứu”. “Vụ án đánh bạc công nghệ cao dính dáng đến một vị thứ trưởng đã đi xa” vân vân và vân vân!

Ví dụ thì nhiều vậy nhưng cắt cho ra nghĩa chữ đi quá không dễ. Để dành nội dung quá rộng ấy vào dịp khác, hôm nay tác giả xin đề cập một góc nhỏ của chữ đi mà thôi – “đi quà”! Đi tất nhiên không phải là chạy, cường độ của đi tất nhiên không nhanh, mạnh và tốn kém như là chạy. Mục tiêu của đi cũng không mang tính thời vụ như là chạy. Đi mưa dầm thấm lâu còn chạy thì mưa lúc nào vuốt mặt lúc đó! Chỉ có điều  trên thực tế không ít kẻ rất khéo lợi dụng đi để mà… chạy! Công bằng mà nói “đi quà” vốn dĩ không phải là một hành vi tiêu cực. Không ngoa nếu nói nó là văn hóa. Giờ thì thứ văn hóa ấy không những được bảo tồn mà còn được cộng đồng tôn tạo nó một cách hoang dã đến mức biến dạng nghiệm trọng. Đi quà ngày xưa xuất phát trong sâu thẳm tình cảm giữa con người với con người. Từ rổ khoai chục trứng, cân đường lon sữa dần dần nó được lên đời với tốc độ ánh sáng. Những két bia, chai rượu ngoại, cân bò giàng là câu chuyện lạc hậu của thế kỷ trước, “xưa rồi”. Vượt qua mọi tư duy nhiệm kỳ, kinh qua thời gian, giữa kẻ đi quà và người nhận quà thông đồng xé lỗ nhằm lách qua cái ranh giới mỏng manh ấy. Và tình cảm trong trường hợp này được bài trí như một thứ ngụy trang vụng về và trơ trẽn cho những đổi chác xấu xí phía sau. Với tầng lớp có số có má mà lại “hư” thì mỗi dịp tết nhất là mỗi bận bội thu, còn lính tráng thì è cổ với những phép tính cộng tiểu học. Đi sếp có thể sếp quên, nhưng không đi sếp thì lại sợ sếp rất… nhớ. Mà khi sếp đã đưa vào bộ nhớ trong thì cũng dễ mà “đi tong” lắm!  Vậy là mỗi dịp tết âm tết dương, đến sinh nhật sếp, sinh nhật vợ sếp, sinh nhật con sếp, 16 cái giỗ nội ngoại đằng sếp… 500 anh em cơ quan lại đồng thanh bài “Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi”! Đám đông cuồng tín vào một sự hàm ơn mơ hồ. Đi cũng khổ mà không đi thì… hết khổ! Tất nhiên đừng dại dột mà quên đi, chết đấy! Chuyện rằng có sếp nọ mỗi năm 4 lần sinh nhật, một lần theo lịch dương, một lần theo lịch âm, một lần tuổi thật và một lần tuổi… hồ sơ! Lần nào anh em cũng vừa chúc sếp bước sang tuổi mới vừa bấm đốt ngón tay tính nhẩm lần sinh nhật tiếp theo! Kẻ thạo tin chép miệng, mình đi sếp cũng là để sếp có điều kiện đi… người ta!

Đi cũng cạnh tranh khốc liệt đấy nhé, người nhanh chân thì đi trước, người có điều kiện thì đi nhiều. Có kẻ láu cá thì “đi cá nhân”, đứa “kẹo kéo” thì tụm nhau “đi tập thể”. Còn còn cả trường phái người ba phải và cơ hội thì vừa “đi tập thể” là vừa lén lút “đi cá nhân”. Bọn thủ đoạn tìm thông tin nội bộ kiểu như thăm dò coi anh em đi bao nhiêu mình chịu khó bỏ thêm chút ít mục đích là băng qua giá sàn hòng cưỡng đoạt bằng được sự quan tâm có tính dè sẻn của thủ trưởng.

Tại phiên tòa đánh bạc siêu đình đám đang diễn ra ở Phú Thọ, một bị cáo khai rằng đã từng “đi” bị cáo khác cả chiếc đồng hồ Rolex trị giá hàng tỷ đồng. Thiên hạ chưa hết bàng hoàng vì những con số dài ngoẵng thì lại chuyển sang ngơ ngác bởi  “cụ” bị cáo kia chối bay chối biến. Ông ta thừa nhận “bên B” chỉ đi mình một lọ thuốc bổ gan, một chiếc áo sơ mi, còn chiếc đồng hồ “hồng nhan bạc tỷ” đến từ một nguồn mà nó hao hao như nguồn buôn chổi đót trong dân gian vậy. Ai tin thì tin… đi! Vụ án này không ai bị buộc tội đưa hối lộ, mà đã không ai đưa hối lộ thì đào đâu ra người nhận hối lộ! Họ chỉ “đi” nhau thôi, mà đi thì tình cảm lắm, tất nhiên đã khoác áo tình cảm thì làm gì có tội. Cha ông ta có câu ngạn ngữ “đi theo ma thì mặc áo giấy”. Cũng may mấy bị cáo trong vụ án đều là những người uyên bác về công nghệ thông tin, đều là những tài năng kiếm tiền thực thụ, họ không phải là ma nên đi với họ không phải mặc áo giấy, chỉ mặc áo sơ mi thôi!

Viết đến đây lại nhớ đến hai câu thơ tình kinh điển của Nguyễn Bính:

“Hôm qua em đi tỉnh về

Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”

Tất nhiên, đã đi tỉnh thì làm sao mà giữ trọn nguyên hương đồng gió nội nữa ạ, cứ khư khư cái hương đồng gió nội như bảo bối thì con gì là đi tỉnh nữa. Hai chữ đi của hai câu thơ chia ra hai ý nghĩa, Nguyễn Bính chơi chữ tài tình đến mức chúng ta không đủ thời gian để bình luận thơ ông. Trở lại vụ án siêu bị cáo nọ thôi, dù có “đi” đồng hồ Rolex hay không đi đồng hồ Rolex thì uy tín của ngành chủ quản có lẽ cũng “bay đi ít nhiều”. À mà lạ thật, bị báo khai chỉ nhận của người ta lọ thuốc bổ gan, các bị cáo không hề là Nguyễn Bính mà cũng chơi chữ hay ra phết. Cho nhau thuốc bổ gan nhé. Nhát gan thật! Nhát gan rứa thì còn lâu mới… đi!

Ý kiến bạn đọc(1)

  1. bích hà

    hay lắm.