Đã giảm 70% lại còn “tặng vỏ da và sạc dự phòng”, thấy điện thoại thông minh của một thương hiệu nổi tiếng được bán với giá “sập sàn” trên chợ mạng, ông anh họ nhà tôi hí hửng chơi luôn cả cặp. Ý đồ dành sự bất ngờ cuối tuần cho bà xã bỗng chốc bị phá sản, vừa lôi cái sản phẩm “ngon bổ rẻ” ra khoe thì đã bị chị nhà đưa lên mũi ngửi rồi gằn giọng đập thẳng ba chữ “cha của đểu”!
Trong tư thế lập cập của một nạn nhân anh tôi nỗ lực cãi lại yếu ớt đến thảm hại “Đểu răng được? Người bán đểu hay cái điện thoại đểu?”. “Chi cũng đểu, đểu tất! Chỉ có chỉ số trí tuệ bất thường của ông là thật thôi”.
Ngồi phịch xuống ghế, anh tôi than thở: “Ừ nhỉ, sao mình toàn bị dính đồ đểu vậy”. Thế là ngoài cái nồi cơm điện, hai lọ dầu gội đầu và chiếc nồi lẩu đa năng vừa tậu được ở nhóm bán hàng khuyến mãi có thưởng về “phục vụ” bà con ở hội trường thôn tuần trước, hôm nay trong bộ sưu tập khờ dại của mình, anh tôi có thêm hai chiếc điện thoại “thông minh”. Ngao ngán. Sau mấy phút tự véo tay trách mình, anh tôi lại thật thà hỏi vợ: “Làm sao để biết là đồ đểu?”. Cô nhà sướng tít kẻ cả buông lời dạy khôn chồng: “Muốn không dính phải đồ đểu thì ông đừng có thật quá”.
Thấy tình hình hai anh chị đã dịu, tôi tranh thủ chen ngang, “Chị ơi, thế đểu là gì?”. Chị tôi nheo mắt vặn lại “Chú hỏi thật hay hỏi đểu đấy?”. Bó tay, tôi lui về hậu trường tâm sự với “bác gu gồ”, ừ nhỉ đểu là gì? Theo từ điển mở Wiktinonari thì “Đểu là sự xỏ xiên lừa đảo đến mức bất kể đạo đức”. Nhưng ngoài người đểu ra còn có hàng đểu nữa. Đúng rồi, vài chục năm lại nay, đểu còn là tính từ nhằm để chỉ hàng giả nữa cơ. Vẫn chưa hết, nói cho “vuông” thì đểu là sự tập hợp của tất tần tật những gì không… thật!
Tuy nhiên, đã bàn về chữ đểu thì có lẽ cũng nên bàn về người đểu. Đây là “lớp” nguy hiểm nhất trong cộng đồng xã hội. Nguy hiểm bởi chưa chắc chúng ta đã nhận ra họ, và kể cả nhận ra họ thì chưa chắc chúng ta đã đủ bài vở để đối phó với vô vàn mưu mô mà họ thường trực sở hữu. Người đểu ngụy trang kín đáo trong dung nhan của kẻ bình thường, thậm chí còn trú ngụ kín mít trong vỏ bọc của người tử tế. Họ có thể là là đồng nghiệp, có thể là hàng xóm bạn bè và rất đại họa nếu họ là thủ trưởng để rồi treo sự đểu cáng lủng lẳng trên đầu chúng ta suốt bốn mùa. Người đểu là một dạng kẻ thù tàng hình không mùi vị len lỏi ở mọi ngõ ngách xã hội. Đểu là sự hội tụ của gian xảo, thâm hiểm, mưu mô, bất nhân và cực kỳ cơ hội. Nịnh hót, cúi luồn là biểu hiện dễ nhận thấy nhưng lại ít bị khước từ nhất ở người đểu. Xung quanh chúng ta có những kẻ sống cả đời chả mất lòng ai… cho đến khi mục đích của họ đã đạt được, 180 độ là góc xoay lương tâm của họ.
Người đểu rất tích cực trong việc tạo dựng hình ảnh giả mạo. Kể cả Sở Khanh, khi xuất hiện cũng là:
“Một chàng vừa trạc thanh xuân
Hình dong chải chuốt, áo khăn dịu dàng”
(Nguyễn Du)
Những “chải chuốt”, những “dịu dàng” bên ngoài là thứ dùng che mắt và chính nó đã là mồi nhử, là cạm bẫy đánh lừa, mua chuộc sự cả tin, nó còn thôn tính khả năng phân tích, nó sẵn sàng nhàu nát lòng tốt của con người. Danh ngôn có câu “Nửa cái bánh mì là nửa cái bánh mì, còn nửa sự thật là một sự dối trá”. Đểu cũng vậy, đã đểu là đểu, đểu không chia thành mức độ kiểu như đểu thấp, đểu vừa, đểu cao được. Nếu đã cảnh giác với người đểu thì phải luôn luôn dành năng lượng ở mức độ tối đa nhất. Tráo trở là bản năng, là thuộc tính của người đểu. Trong hành trình công tác thể nào chúng ta cũng gặp những nhân vật thân tình với thủ trưởng hơn cả ruột thịt, nhưng khi thủ trưởng “về vườn” họ quay ngoắt như kẻ xa lạ, và công việc chính của họ khi thủ trưởng hạ cánh là tìm cách để trở thành ruột thịt với… thủ trưởng tiếp theo, nhưng đó cũng chỉ mới là biểu hiện thô sơ nhất của sự đểu. Giữa bao la cuộc sống, đểu còn tinh vi gấp vạn lần. Trong một tập thể xin tạm phân chia ra 4 loại người: Loại thứ nhất vừa giỏi vừa tử tế (loại này hiếm vô cùng vô tận), loại thứ hai, tử tế nhưng không giỏi, loại thứ ba giỏi nhưng đểu và loại cuối cùng là vừa không giỏi lại vừa đểu (loại này tai hại vô cùng). Nói là nói vậy chứ để nhận diện ra phẩm chất con người đòi hỏi phải cả một quá trình. Có khi chúng ta nhận ra nó thì nó đã dạy cho chúng cả mấy chục bài học đau điếng rồi.
Năm ngoái trong một cuộc vận động vì người nghèo được phát sóng trực tiếp trên truyền hình quốc gia, hàng trăm cá nhân, doanh nhân đăng ký tặng suất quà trị giá nhiều tỷ đồng. Nhưng rồi, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Một phần mấy chủ nhân những lời hứa trước ống kính đèn flash đồng loạt ca bài “để gió cuốn đi”. Những hộ nghèo vẫn thao thức đợi chờ sự thơm thảo từ những con người thuộc hàng “Vừa giỏi vừa tử tế” trong lúc hàng chục tấm bảng nhựa đề tỷ nọ tỷ kia chỉ có giá trị… tinh thần! Nói thẳng là chỉ chụp ảnh “làm hàng” rồi bỏ biển chạy lấy người. Họ có đểu không? Chưa biết, nhưng họ không thật! Người đểu biết tranh thủ sự thật, người thật chả biết tranh thủ sự đểu.
Lại ở một câu chuyện hoàn toàn khác, mấy ngày vừa rồi dư luận cả nước bàng hoàng khi Công an huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh tóm được cả một ổ thác loạn bằng tiệc ma túy mà trong đó có ít nhất 2 cô giáo còn đứng trên bục giảng, không ít số còn lại cán bộ đương nhiệm trong các cơ quan Nhà nước. Sốc quá. Cũng như vụ cô giáo phân bổ chỉ tiêu bạt tai hay vụ hiệu trưởng gọi nam sinh lên phòng hành hạ tình dục, lần này dư luận lại réo tên bộ chuyên ngành. Đây đó lại bóng gió chuyện từ chức, dư luận “đểu” thật!
Bạn đã bao giờ bị ai đó chơi đểu chưa? Chưa ư? Vâng, có thể bạn thoát nạn, nhưng người thân của bạn, bạn bè của bạn, đồng nghiệp của bạn…đừng nói họ chưa từng là nạn nhân! Vậy chúng ta phải làm gì? Triệt tiêu nó hay chấp nhận sống chung với đểu như đang sống chung với hàng đểu? Dung túng cho người đểu suy cho cùng cũng là dung túng cho cái ác. “Nhân chi sơ, tính bản thiện” (Sách Tam Tự Kinh). Con người sinh ra bản tính ban đầu vốn thiện và tốt lành, khi lớn lên, do ảnh hưởng của đời sống xã hội mà tính tình trở nên thay đổi, tính ác có thể phát sinh. Sẽ là thất bại nếu chúng ta bi quan, chúng ta bỏ cuộc, chúng ta làm ngơ cho cái ác, cái đểu hoành hành. Có thể chúng ta chưa hoàn toàn triệt tiêu được nhưng thiết nghĩ chúng ta có thể hạn chế nó. Nếu chúng ta dám thẳng thắn, nếu chúng biết làm gương, nếu chúng ta sẵn sàng tha thứ thì chắc chắn những người xung quanh chúng ta sẽ thay đổi. Nếu có cơ hội xin hãy mạnh dạn chọn cho mình những thủ lĩnh tử tế. Người đểu đáng sợ nhưng người đểu giữ quyền lực thì còn khủng khiếp hơn, mức độ phổ cập cái đểu càng dễ “đi vào chiều sâu” hơn. Hãy “Bắt đầu từ nơi bạn đứng. Sử dụng những gì bạn có. Làm những gì bạn có thể” – (Danh ngôn).
Cần lắm một hàng rào “thép” để ngăn cản người đểu lẻn vào công quyền. Trong một phát biểu gần đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm rằng “Kiên quyết không đưa vào quy hoạch những kẻ cơ hội”. Đúng rồi, đã cơ hội là đểu, mà đã đểu thì càng dùng càng tệ. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao nhận ra kẻ cơ hội để loại bỏ? Khó lắm, khi chưa lộ diện thì tất thảy đều “chải chuốt” đều “dịu dàng” lắm chứ. Đểu thật đáng sợ, nhưng suy cho cùng thì đểu thật cũng không đáng sợ bằng… đểu giả!