Bố chồng tôi là một người lính kháng chiến chống Mỹ. Vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước, ông vượt Trường Sơn, vào miền Nam hoạt động binh vận, ở ngay trong nhà dân tại Bảo Lộc, được dân nuôi, giúp đỡ. Điều éo le, đó là một gia đình có con là lính VNCH. Dù vậy, vì sống có tình người, họ vẫn có thể mở cửa đón những anh lính cụ Hồ bên kia chiến tuyến với con mình vào nhà, chia sẻ. Những ngày đầu, dù không nói ra nhưng cả hai bên đều có ít nhiều phần e ngại. Về sau, hiểu được lòng nhau, đối đãi nhau bằng sự thân tình, tử tế, mối quan hệ trở nên thâm tình.
Trong khoảng thời gian hai năm hoạt động ngay trong lòng dân, bố chồng tôi và một chú đồng đội được gia đình đó thương như con cháu trong nhà. Họ chia sẻ từng bữa no, bữa đói với bộ đội. Bộ đội xách nước, chẻ củi, dạy học cho con em trong nhà khi rảnh rỗi. Ngày chia tay, bố chồng tôi lục hết ba lô chẳng có gì quý giá ngoài vài quyển sổ sách, bộ quần áo… Ông tặng lại cậu anh cả trong gia đình ấy cây bút máy. Đó là thứ giá trị nhất trong ba lô ông. Cây bút từng theo ông đi dọc Trường Sơn, suốt gần một đời quân ngũ.
Điều bất ngờ lớn là hòa bình lập lại, người Nam kẻ Bắc thất lạc tin tức nhau, mấy chục năm sau các anh chị em chồng tôi hiểu ưu tư của bố, tìm mọi cách để tìm lại gia đình đã cưu mang, chia sẻ cùng bố ngày xưa. Họ phải mất tới 5, 6 năm tìm kiếm. Khi hai gia đình gặp nhau, trò chuyện, mới vỡ lẽ ra người con út của người lính VNCH trong gia đình ấy lại là một người bạn học chung lớp đại học với tôi – con dâu của anh chiến sĩ trẻ năm xưa. Khi chúng tôi, những đứa 8X, sinh ra khi chiến tranh đã lùi xa nhắc lại kỷ niệm cũ của gia đình người lính VNCH và những anh bộ đội, Tư – anh bạn tôi kể: “Hương biết không, ở nhà tôi mãi sau này vẫn trân trọng giữ cây bút máy của bác Vịnh, cất ngay trong tủ trà, nơi để những đồ kỷ niệm của gia đình. Anh em tôi đi học đứa nào ít nhiều cũng được cầm cây bút ấy viết một thời gian, rất vui. Kiểu như được chia sẻ “quà” của chú bộ đội”.
Cây bút máy kỷ niệm – ân tình còn lại ấy khiến chúng tôi rưng rưng biết mấy.
* * *
Một trong những nhân vật trong sách của tôi là AHLLVT Lê Thị Thu Nguyệt. Cô Nguyệt là người đặt bom trên máy bay Mỹ được Bác Hồ viết thư khen ngợi. Về sau, cô bị chỉ điểm, nhận án tù chung thân ở chuồng cọp nhà tù Côn Đảo. Cô gái nhỏ Thu Nguyệt ngày ấy đã dũng cảm ngay từ những bước chân đầu tiên khi hành trình từ 8 tuổi đi làm giao liên, đến thời thanh xuân hết mình hoạt động và vào tù khi còn rất trẻ.
Hòa bình lập lại, trao trả tù binh, tuổi thanh xuân của cô Thu Nguyệt đã để lại trong những tháng năm chiến đấu và ngồi tù, “tài sản” cô mang về với cuộc sống hoà bình là vài tấm áo mặc trong tù, vài tấm vải thêu tay. Những nữ tù vẫn thường bày nhau thêu thùa để bớt thời gian cơ cực tù đày, phần vì nghĩ, biết đâu hoà bình lập lại có cơ hội sử dụng nghề thêu. Cô Nguyệt thêu tay rất đẹp. Trong những bức thêu của cô có hẳn một tấm thêu rất nhiều hoa hồng trên mảnh vải lớn cỡ bàn ăn. Cô gái trẻ chưa một lần yêu đã nghĩ chuyện biết đâu, sẽ có ngày mình dùng tấm khăn ấy để rải bàn tiệc cưới của mình. Mảnh vải ấy do xin được từ những tên cai ngục khi đám lính lười biếng giặt giũ định vứt đi sau một lần tổ chức đám tiệc ở nhà tù. Và quả thực, trong đám cưới nghèo thời hậu chiến của cô, tấm khăn thêu hoa hồng ấy được rải ra, nhiều đồng đội đều cảm động và ngợi khen tấm khăn đặc biệt.
Hàng chục năm sau chiến tranh, những bức ảnh tư liệu, tấm áo mặc trong tù, những mảnh thêu bé bằng bàn tay, mảnh khăn tang cô cột trong ngày để tang Bác Hồ cùng các nữ tù… đều được các nhà bảo tàng xin lại để trưng bày. Cô Nguyệt đều sẵn sàng chia sẻ “gia tài” tinh thần của mình vì nghĩ tới việc chung. Hai cậu con trai thuộc thế hệ 8X lại chính là những người năn nỉ mẹ dứt khoát không tặng cơ quan đoàn thể nào tấm thêu hoa hồng. Không chỉ với cô, với những cậu con trai 8X ấy, bức tranh mẹ thêu trong chính những tháng năm cơ cực ngồi tù là vật vô giá còn lại nhắc nhớ một thời thanh xuân đầy nguy nan, hy sinh, đầy khát vọng, ước mơ khi chiến tranh đã lùi rất xa.
* * *
Vài hôm trước, tôi có dịp tham gia buổi gặp mặt những nữ thanh niên xung phong từng tham gia bảo vệ “đường 1C” – con đường tưởng như huyền thoại được ví như đường Trường Sơn của Đồng bằng Nam bộ vì sự quan trọng, gian truân và ác liệt diễn ra trong nhiều năm kháng chiến chống Mỹ. Trong những tháng năm gian nguy nhất, những đôi vai mềm mại thanh xuân của những cô thanh niên xung phong hàng ngày vẫn gánh lương tải đạn, góp phần gánh cả sinh mạng dân tộc, sinh mạng Tổ Quốc trên đôi vai thanh xuân và trong trái tim của mình dọc theo tuyến lửa 1C. Họ chiếm tới hai phần ba nhân lực tham gia chiến đấu, bảo vệ con đường này.
Không chỉ đối mặt với sức mạnh chiến tranh hủy diệt của địch, những nữ TNXP trên con đường huyết mạch đồng bằng Nam Bộ còn phải chiến đấu kiên cường với bệnh tật, thiên tai, hiểm họa rình rập nơi con đường họ bám trụ. Chỉ nói về việc vệ sinh tắm rửa thay quần áo, các chị em phụ nữ khi ấy cũng có nhiều câu chuyện khiến thế hệ hôm nay nghe được phải kìm nén cảm xúc. Những cô gái tuổi thanh xuân không dám chải đầu vì mỗi lần chải, tóc rụng thành từng nắm, không dám soi gương, cũng không dám nhìn mình dưới mặt nước, bởi vì thân thể quá xơ xác, tàn tạ…
Ở nơi “sắt thép còn tan chảy” ấy, những người con gái con trai tuyến đường 1C đã trụ lại và chiến thắng. Hơn 400 Thanh niên xung phong 1C đã hy sinh, rất nhiều trong số đó đã gửi thịt xương thanh xuân của mình vùi lại trên con đường huyết mạch, không tìm thấy thi thể. Rất nhiều người trở về sau chiến tranh mang thương tật, những di chứng vết thương chiến tranh nhức nhối, nuôi những đứa con nhiễm chất độc màu da cam với cuộc sống khó khăn thiếu thốn…
Dù vậy, những gian truân của một thời đạn lửa lẫn thời hậu chiến không khuất phục được ý chí của những con người cao đẹp dấn thân vào cuộc chiến tranh năm xưa. Trong hòa bình, họ vẫn giữ sáng ngời phẩm giá, kiên cường vượt qua những ngày hậu chiến khó khăn, chống đói nghèo, tràn ngập tình yêu thương đồng đội, tìm lại hài cốt những liệt sĩ còn nằm lại trên tuyến đường máu lửa năm xưa…
Suốt một buổi giao lưu, tôi cứ nặng lòng với câu hỏi: Họ còn lại gì sau những tháng năm đánh đổi máu xương để vì lý tưởng độc lập, tự do? Với họ, thời gian, sự khắc nghiệt trước và sau chiến tranh khiến họ chẳng còn giữ lại một kỷ vật gì nhưng tôi tin, điều mãi mãi không mất đi là tình yêu vẫn còn đó. Từ yêu quê hương, đất nước, yêu gia đình, đồng đội… và dù cả với đứa con không may bị nhiễm chất độc da cam của mình, người mẹ là TNXP năm xưa vẫn trọn vẹn tình yêu thương đến sức tàn lực kiệt.
Và với những người lính như bố chồng tôi, cô Thu Nguyệt, những nữ TNXP đường 1C mà tôi gặp, hay như hàng triệu “Người con gái con trai/Đẹp hơn hoa hồng, cứng hơn sắt thép” trong cuộc kháng chiến thần thánh năm xưa, đã từng sống đời hiến dâng, dẫu không còn gì vẫn tin rằng, được sống vì lẽ tự do và được yêu thương, có lẽ với họ đó chính là những giá trị quý giá nhất của cuộc đời này.