Cháu mình – như rất nhiều đứa trẻ học tiểu học khác – thần tượng một nữ youtuber tên T.N. Lý do vì sao thì đến bây giờ vẫn còn là một bí ẩn với mình vì sau vài lần thử xem các clip trên kênh của T.N, mình chỉ có thể thốt lên: Tôi vừa xem cái quái gì vậy? Đỉnh điểm là đợt vừa rồi, T.N quay một clip với nội dung cho búp bê uống nước ngọt để… xin vía học giỏi thì mình càng không tưởng tượng nổi vì sao những video clip với nội dung nhảm nhí như vậy có thể trở nên thịnh hành trên mạng.
Trên thực tế, T.N chỉ là một trong số rất nhiều nhà sáng tạo nội dung số gây tranh cãi vì sản xuất các video “rác”. Nói “rác” là vì đó không chỉ là những nội dung vô bổ kiểu như thử thách 24 giờ làm chó, thử nghiệm nấu gà nguyên lông… mà nhiều video clip còn tiềm ẩn nguy hiểm với người xem như thử thách ném dao từ trên cao hay đun sôi lon nước ngọt. Thử tưởng tượng nếu con em bạn xem và bắt chước làm theo các clip này thì điều gì sẽ xảy ra?
Các nền tảng mạng xã hội đang là mảnh đất vàng của các nhà sáng tạo nội dung – một công việc mới xuất hiện trong vài năm trở lại đây và đang ngày càng trở nên thịnh hành. Các vị phụ huynh ngây thơ trước sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội vô tư cho con mình thoải mái đắm mình vào thế giới ảo có lẽ sẽ phải giật mình nếu biết chính xác con em họ đang xem những gì và đang thần tượng những nhân vật như thế nào. Giang hồ mạng lên ngôi, nội dung độc hại tràn lan, các xu hướng trào lưu khiến đám đông đua nhau chạy theo mù quáng… rõ ràng thế giới ảo đang ngày càng trở nên nguy hiểm và khó kiểm soát hơn so với thời kỳ bình minh công nghệ khi tất cả những gì chúng ta có thể làm trên mạng là lướt web đọc tin, gửi thư điện tử và chat chit.
Nhưng khi chúng ta ngồi đây và kêu gào đòi tẩy chay, đòi xử phạt, khoá kênh của các nhà sáng tạo nội dung “rác” vì “tội” tiêm nhiễm vào đầu con em chúng ta những điều xấu xí, có lẽ chính chúng ta cũng cần nhìn lại mình và thừa nhận một phần lỗi lớn của mình trong đó. Nếu như bạn dành nhiều thời gian cùng con hơn, nếu như bạn cùng con tham gia các hoạt động giải trí lành mạnh hơn, nếu như bạn đừng giao phó con mình cho các bảo mẫu “công nghệ” (là chiếc điện thoại hay ipad) và nếu như chính bạn không tạo gương xấu cho con bắt chước khi luôn kè kè bên mình chiếc điện thoại thông minh, thì có lẽ T.N hay ai đi chăng nữa cũng không thể có sức ảnh hưởng lớn đến như vậy với bọn trẻ.
T.N có thể bị khoá kênh (như nhiều tấm gương tiền lệ khác) nhưng chắc chắn sẽ có T.N 2, T.N 3… Thay vì chỉ trích và phê phán họ, có lẽ chúng ta nên một lần nhìn lại chính mình vì hơn ai khác, cha mẹ là người có trách nhiệm lớn nhất trong việc giáo dục và hình thành nhân cách của trẻ em.