CÓ SỰ VÔ TRÁCH NHIỆM BÓP NGHẸT TIM
Sáng nay, tôi bần thần suốt buổi khi đọc trên trang chủ nhiều tờ báo mạng đưa tin cậu bé trường Gateway bị bỏ quên trên xe bus suốt 9 tiếng đồng hồ. Facebook bạn bè tôi, những người mẹ trẻ nói rằng họ mất ngủ vì thông tin ấy (tin đưa lên từ tối qua). Cảm giác tim mình bị bóp nghẹt khi nghĩ đến người bố, người mẹ đứa bé đang ở lại. Và quặn lòng khi nghĩ tới thiên thần nhỏ bất hạnh.
Cậu bé ấy là con một trong một gia đình trung lưu (học phí của trường gần 120 triệu đồng/năm). Tôi hầu như không thể đọc hết bất kỳ bài báo nào viết về tai nạn thương tâm này, vì cảm giác tim mình cứ như thể nghẹn lại khi đọc đến nửa bài; khi nhìn bức hình chụp vẻ mặt với đôi mắt thẫn thờ của người nhà cậu bé như không thể tin rằng tai họa có thể xảy ra với con cháu mình vô lý đến thế; khi nghe người lớn quy trách nhiệm cho nhau trong vụ việc.
Trách nhiệm của bác tài xế, của cô phụ trách đưa đón học sinh trên xe bus là hẳn rồi; không thể đổ lỗi cho ai ngoài sự vô trách nhiệm mới có thể xảy ra chuyện đón lên xe 13 học sinh mà xuống xe 12 học sinh cũng không hề hay biết. Trách nhiệm của nhà trường – thấy học sinh vắng nhưng không điện thoại báo cho gia đình (điều này vẫn được thực hiện trong môi trường trường quốc tế). Nguyên nhân đưa ra là do cô phụ trách điện thoại nghỉ phép. Ô hay, thế cả trường chỉ mỗi cô phụ trách điện thoại biết gọi điện thôi à? Sự đùn đẩy ấy càng thể hiện rõ hơn thói vô trách nhiệm của người lớn trong câu chuyện.
Cậu bé con ơi, hẳn con đã đói, đã sợ hãi và khóc gào cho đến lả đi rồi chết. Nếu có linh hồn, tôi nghĩ con sẽ mãi ngơ ngác không hiểu nổi vì sao mình lại bị chết vô lý đến thế. Nhiều người trách gia đình không dạy kỹ năng cho con. Nhưng có làm mẹ con nít mới hiểu, kể cả con có kỹ năng lên xuống xe bus thật tốt, con vẫn có thể bị say xe, bị mệt, thiếu ngủ (nhất là khi mới chỉ vài buổi học đầu tiên) sau những ngày hè vẫn quen thức khuya dậy muộn. Đứa trẻ ấy và cả gia đình ấy hẳn sẽ mãi ngơ ngác với tai họa của chính mình.
* * * * *
Hôm trước, tôi viết bài suy ngẫm về những bố mẹ vô tâm để quên con, có nhắc tới con số hơn 400 trẻ bị chết vì bỏ quên trên ô tô (Theo NoHeatstroke.org, một tổ chức theo dõi trẻ em tử vong do bị bỏ lại trong xe hơi, từ năm 1998 – 2018, số trẻ em bị bỏ quên dẫn đến chết vì sốc nhiệt trong xe hơi lên đến hơn 400 trẻ). Bài viết nói về những đứa trẻ bị quên ở xứ người. Và bây giờ, lần đầu tiên có một đứa trẻ xứ mình mà tôi biết, bị bỏ quên trên xe bus.
Đứa trẻ bị bỏ quên xứ mình ấy khiến biết bao nhiêu bà mẹ đau lòng, nghẹn tim, hoặc tâm trạng bất ổn như bè bạn tôi trong một ngày trời đất u ám mùa Ngâu. Một bạn của tôi, là nhà báo, là bà mẹ trẻ, sáng nay phải cầu cứu trên Facebook mình rằng, có ai có thể cứu bạn ấy ra khỏi bầu không khí u ám đang nhấn chìm bạn hay không, khi bạn bị những ám ảnh không dứt về đứa trẻ chết trên xe bus?
Chẳng riêng câu chuyện tai nạn đang rúng động này, vẫn là những tai họa chết người do tính vô trách nhiệm có ở khắp nơi. Công trình thi công không giăng dây chằng, không cắm biển cảnh báo để trẻ con tụt xuống chết đuối, lại cá biệt đến mức, một anh chạy theo xe bus đang di chuyển chậm vào bến, cách vài mét thôi nhưng anh không bao giờ lên được cửa xe vì không may tụt xuống hố công trình thi công quên không đậy nắp. Khu nhà tôi ở nằm trên con đường ngập lâu năm. Đường được đào lên, đắp, sửa như một điệp khúc kéo dài từ năm này qua năm khác và thường xuyên có ổ gà ổ voi giăng bẫy. Những đợt mưa lớn, triều cường, nước đục ngầu dâng lên không thể nhìn thấy những ổ voi ổ gà. Có một lỗ ổ voi khá to ngay trước cổng khu chế xuất tôi vẫn đưa con đi học ngang qua. Do thuộc đường sá, tôi luôn biết để né hoặc chạy xe thật cẩn thận nếu không thể né được khi ngang qua lúc nước ngập. Nhưng vẫn có rất nhiều người bị té ngã ướt mèm, trầy trụa rớm máu ở chỗ đấy. Có lần, hai mẹ con một chị nọ ngã đúng ổ voi ngay khi chiếc xe bus vừa trờ tới khiến bao người thót tim hét váng lên may rằng xe phanh kịp. Mà ở đâu xa, chỉ cách chợ Bến Thành, trung tâm Sài Gòn 5 km. Sẽ là câu chuyện không bao giờ có hồi kết để nói về thói vô cảm, vô trách nhiệm của người Việt Nam mình, biểu hiện ở bất kỳ đâu.
* * * *
Lại là chuyện trách nhiệm xe bus, tối qua VTV đưa tin về hạ tầng giao thông không đáp ứng được cho người khuyết tật. Người khiếm thị, khuyết tật kể rằng họ luôn sợ khi xuống xe bus, nhất là khi chưa kịp bước xuống đường thì xe đã lao đi. Bác tài xe bus ấy, họ không chỉ vô trách nhiệm mà còn vô cảm. Và khi gặp ai đó có trách nhiệm – tưởng như điều rất đỗi bình thường thì lạ thay chúng ta có thể cảm thấy biết ơn.
Một trong những điều mẹ tôi vẫn dạy các con ngày còn bé, làm gì cũng được, nhưng hãy có trách nhiệm, vun vén việc mình làm. Mẹ tôi dạy tôi bài học ấy từ những việc rất nhỏ như dẫn tôi ra chợ Vinh, mua rau bác Hợi. Bác vẫn thường tỉ mẩn ngồi nhặt sâu trong những mớ rau bán cho khách. Bác không bao giờ phun thuốc sâu cho rau, cũng như không bao giờ cách ly ruộng rau bán ra khỏi chỗ rau trồng để ăn như không ít người bán rau vẫn làm. Mẹ dạy tôi qua chính cuộc đời của mẹ, bà luôn dậy thật sớm thử những viên than vừa lấy từ xưởng than về trước khi mang cho khách.
Tôi đã có những năm tháng tưởng như có thể sống chết với nghề báo mà mình chọn nhưng đột ngột xin nghỉ việc khi công việc ấy không đảm bảo việc tôi cần phải thường xuyên đưa đón con đi học, đi trị liệu bệnh… Không ít người hỏi rằng, nếu chỉ vì chuyện đưa đón con, sao không nhờ đến bác xe ôm? Tôi giải thích rằng vì con cần phải giao tiếp với mẹ suốt chặng đường đi mà bác xe ôm thì không làm được. Tôi không thể đảm bảo được công việc tốt khi vừa phải thường xuyên đưa đón, chăm sóc con, vừa phải đi công tác nên luôn cảm thấy mình không làm tròn trách nhiệm cả ở cơ quan lẫn ở nhà. Và quan trọng nữa, tôi không tin vào bất cứ ai khác ngoài bố mẹ, ông bà đưa đón con mình. Sẽ có thể có những người làm báo làm tốt hơn thay thế phần việc của tôi nhưng chẳng ai có thể đưa đón con có trách nhiệm hơn bố/ mẹ.
Rất lâu rồi, bạn tôi ở Đức, kể điều bạn hài lòng nhất là môi trường giáo dục cho con. Bọn trẻ có thể học được khắp nơi những bài học đạo đức, học làm người. Đơn giản như một bác xe bus đón học sinh đi học cũng có thể thuộc tính nết từng đứa trẻ trên xe. Ngày con bạn bị sốt siêu vi, bác lái xe gọi điện thoại, hỏi thăm và hỏi xem có cần giúp đỡ gì không. Tôi không bao giờ nghĩ rằng xứ người hay, xứ mình dở vì đâu trên thế gian này cũng có những điều hay, dở khác nhau. Nhưng tôi ao ước có những người lái xe có trách nhiệm và tấm lòng như thế. Tôi ao ước rằng chỉ số hài lòng về giáo dục có thể cụ thể được từ những điều nhỏ nhặt như bạn tôi kể, về bác lái xe bus.
Nếu bác lái xe trường Gateway cũng như bác lái xe bus kể, nếu có ai đó có trách nhiệm hoặc đơn giản là có tâm để gọi điện thoại báo cho gia đình khi con không đến lớp… Thì con trai ơi, con đã không ra đi vô lý như vậy, phải không?