Như đã có hẹn, tầm này, những đứa bạn, người quen ở quê lại nhắn tin hỏi thăm khi nào H. về? Đã nhiều năm, tôi có hẹn với tháng Ba.
Độ này, những con đường dẫn về quê tôi sương giăng mọi nẻo. Sương chùng chình trên những vòm cây, sương len lỏi những lối, những ngõ. Có hôm, nhìn chùm ảnh anh bạn ở quê chụp những góc phố, con đường mờ ảo đăng trên face, lòng đứa con xa quê bỗng chùng chình theo sương dẫn lối.
Buổi sáng sương này, bước chân ra khỏi ngôi nhà nhỏ ở quê mình vài bước, sẽ gặp “cụ” gạo trên phố Phan Đình Phùng lốm đốm những đóa cuối mùa sót lại, như những đốm lửa ấm nồng thắp trên cành già cỗi. Hoa gạo đẹp, với tôi không chỉ là khi đang cháy hết mình trên cây cao tít, mà cả khi đóa hoa thắm đỏ rơi xuống thật gần bên mình. Những cánh hoa mướt đỏ ngọt ngào, nhụy vẫn còn ngậm sương mai mát lành. Những đứa trẻ đi ngang vẫn có đứa bất ngờ reo vui khi bất ngờ gặp bông gạo rơi xuống bên mình, tựa như món quà từ trời cao gửi xuống.
Với những đứa trẻ lớn lên ở Vinh, khi phố vẫn còn rất nhiều hoa gạo, chứng kiến cảnh qua bao bão giông, bao đổi thay, cây bị cưa, cây bị ngã… thì những cây gạo ít ỏi còn lại lạ thay đều như mang linh hồn. Gốc gạo giữ những niềm vui rộn ràng tuổi nhỏ, giữ cả bí mật hẹn hò tuổi mới lớn… Tôi luôn nheo mắt cười với những đóa gạo tít trên cao, như lời chào từ xa một người bạn. Thói quen ấy có từ hồi bé, cho đến giờ, khi đã hơn nửa đời, xa quê trở về.
* * * * *
Tháng Ba nhớ những sáng mai đẫm sương, chạy xe máy từ nhà về quê khi trời còn bảng lảng. Đường về quê tháng Ba mở ra những khung cảnh đẹp hơn tranh: Cánh đồng lúa non xanh thấp thoáng cánh cò mềm trong làn sương mỏng; dãy dài hoa xoan nở bên đường, sắc tím nhạt hòa vào sương huyền ảo, thoang thoảng mùi thơm dịu; đàn cò trắng cả trăm con biếng lười tụ tập chuyện trò râm ran trên ngọn tre – bóng cò bóng tre in trên mặt hồ biếc khiến tôi luôn dừng lại thật lâu chỉ để tần ngần đứng ngắm…
Tháng Ba, khi đào, mai đã phai từ lâu, sắc xuân đã hết rộn ràng thì đến cả những đóa xuyến chi mọc dại ven đường, hoa trắng nhụy vàng như hiện như tan quyện trong sương sớm, hoa bưởi hoa chanh khiêm nhường nở trong vườn cũng cũng trở nên thật quyến rũ. Những chồi non lộc biếc cũng nhờ tiết trời hết lạnh, nắng ấm về mà khoe sắc trên cây. Tháng Ba, đến cái lá non đọng giọt sương long lanh cũng đẹp hơn ngọc vì ngời lên sức sống.
Tôi thích con đường quê mình tháng Ba đến đỗi, chỉ nhắm mắt lại thôi có thể hình dung ra sương lạnh đang phả dịu dàng vào mặt mình mang theo mùi hoa xoan, hoa cau, thêm chút hương bưởi đâu đó quyện tới, bện với mùi ẩm nồm bốc lên từ rơm rạ và cả mùi nhựa sống đang dâng từ cỏ, từ cây. Thứ mùi mà có lần tôi nói đùa với một người bạn, y như một thứ doping đặc biệt để một đứa bao năm ở phố thèm quê như tôi thấy tỉnh cả người mỗi lúc tìm về.
Và đã bao năm rồi nhỉ, kí ức mình vẫn giữ hình ảnh cậu bạn tóc xù đứng đợi đến trường trong những sáng sương giăng. Thực ra bạn đợi quanh năm, nhưng hình ảnh cậu bạn thân mặc áo màu khá nổi trong làn sương mỏng chờ mình trước ngõ đáng nhớ hơn cả. Mở cửa ra, sương chực ùa vào nhà, mang theo chút lạnh khe khẽ cuối xuân, nhìn phía ngoài chẳng thấy chút nắng nào, chỉ nổi lên sắc áo bạn, lại gần thấy nụ cười tươi của bạn là đủ thấy lòng khẽ vui, khẽ ấm.
Tháng Ba giỗ mẹ tôi. Đôi khi lòng vẫn tự hỏi, có phải vì mẹ biết con gái yêu tháng Ba nên người chọn tháng này ra đi để đứa con xa quê bớt trống trải phần nào khi trở về. Sự trở về có Tháng Ba vỗ về, với hoa gạo, hoa xoan, với nhót chín đỏ trong vườn quê, những tán bàng đâm chồi nảy lộc, sương khói quê nhà sẽ thay mẹ dỗ dành nỗi buồn của con dịu vợi?
Ảnh minh họa: Đình Chiến – Nhật Thanh – Nguyễn Đạo