Tôi vẫn nghĩ nếu có gì đó ngọt ngào hơn cả mật ngọt, thì đó, chắc chắn chỉ có thể là tình yêu tuổi già.
Không phải vô cớ mà câu chuyện “tình cũ không rủ cũng tới” của ông Ken Reesing – cựu binh Mỹ và bạn gái Thủy Lan khiến cộng đồng mạng rúng động trong những ngày qua. Khát khao một tình yêu đẹp là khát khao của bất cứ ai. Câu chuyện của họ khiến những người biết khát khao càng tin tưởng hơn vào giá trị thủy chung, bền vững của tình yêu và khiến những ai đó lỡ đã thôi tin rằng tình yêu có thể làm đẹp thêm thế giới sẽ phải suy nghĩ lại.
Cựu binh Mỹ tìm lại được người bạn gái Thúy Lan – mối tình đầu từ 50 năm trước, khi họ còn là những chàng trai cô gái tuổi đôi mươi. Lúc ấy, chàng là một binh lính trẻ, tham chiến Việt Nam, nàng là cô phục vụ trong quán bar chàng vẫn thường lui tới. Họ thất lạc trong hoàn cảnh chiến tranh. Sau nửa thế kỷ, ông chủ động kiếm tìm, bay từ nửa vòng Trái Đất về Sài Gòn để thăm lại mối tình đầu như lời đã hứa. Họ đón nhau sau 50 năm bằng cái ôm siết chặt. Nhiều kỷ niệm trong câu chuyện tình già khiến những người dõi theo xúc động: Trước khi rời căn cứ Long Bình (nơi đóng quân) ông Ken đến bưu điện mua 50 bì thư, đưa cho người mình yêu và hẹn: “Khi nhận xong 50 lá thư em viết, anh sẽ quay lại gặp em”. “Tôi ôm và hôn cô ấy. Còn cô ấy đã khóc. Lúc đó tôi nghĩ, về nước học xong rồi quay lại cưới cô ấy. Hơn 50 năm chia xa, hình ảnh đó cứ hiện hữu trong tôi”… “Bây giờ, cô ấy có lẽ khoảng 70 tuổi. Tôi chưa bao giờ ngừng nghĩ về cô ấy. Tôi đã hứa với cô ấy sẽ quay trở lại nhưng vì nhiều lý do tôi đã không. Tôi muốn tìm lại cô gái ấy, người luôn hiện hữu trong trái tim tôi, chỉ để biết, cô ấy có còn sống và hạnh phúc không thôi. Tôi sẽ không xen vào cuộc sống của cô ấy”.
Tôi vẫn nghĩ những tâm sự thật tận đáy lòng của cụ ông ngoài 70 tuổi này ngọt hơn hết thảy những câu chuyện tình yêu mà mình đã đọc. Kỷ niệm tình yêu ngọt ngào mà đầy mặn đắng vị nước mắt ngày chia xa ấy vẫn in mãi trong tâm trí của người đàn ông, mặc thời gian nửa thế kỷ trôi qua. Thời gian ấy có thể bào mòn đá, nhưng không thể mòn tình yêu sâu sắc trong tim.
Một trong những điều khiến tôi yêu thích thời gian tập thể dục buổi sáng của mình là có thể vừa đi bộ, vừa ngắm cảnh quan buổi sáng: Những cánh chim đi kiếm ăn đầu ngày sà xuống đám bèo, mặt nước rồi bay vút lên trời mây bồng bềnh thả lại tiếng hót trong veo; những tia nắng thật dịu và gió thật hiền; những đóa hoa mới nở còn mát lành ngậm sương… Buổi sáng của tôi ngọt biết bao khi gặp những cặp đôi lớn tuổi cùng đi tập dưỡng sinh, cùng đi bộ, thể dục hoặc đạp xe dưới những hàng cây xanh mát mắt rộn ràng tiếng chim.
Có một cặp đôi gần 80 tuổi mà bọn trẻ chúng tôi vẫn gọi đùa là đôi chim bồ câu bé nhỏ. Họ thường mặc đồ đôi trong những buổi sáng cuối tuần. Áo sọc, giày thể thao, đội mũ lưỡi trai trẻ trung ăn đứt lũ trẻ. Dù lưng họ đã có phần lom khom nhưng ánh mắt luôn tươi trẻ ấm áp và chan chứa sự yêu thương. Có nhiều buổi sáng muốn nằm nướng thêm một lúc, bỏ qua buổi thể dục buổi sáng, tôi lại nhớ đến cặp đôi dễ thương ấy. Họ đánh thức tôi bằng sự ngọt ngào mà họ dành cho nhau, còn mạnh mẽ hơn cả tiếng chuông báo thức tôi cài đặt nhắc đi nhắc lại trong điện thoại.
Cặp đôi ấy, tôi không biết tên, cũng như rất nhiều cặp đôi khác mà bạn có thể vô tình gặp đâu đó trong một sáng mai đầy tiếng chim và nắng trong, gió lành. Chỉ thế thôi có thể khiến tim mình vang lên những giai điệu ngọt ngào, thấy một ngày mới đang đến thật đẹp.
Bạn tôi cũng gọi bố mẹ mình là đôi bồ câu bé nhỏ. Hôm kia, bạn khoe, đôi bồ câu ấy vừa lén con cái chở nhau ra tiệm ảnh chụp kỷ niệm 45 năm ngày cưới. Mà đám con cái cũng đâu vừa, chúng hùn hạp nhau, lén mua tặng đôi bồ câu đôi nhẫn cưới. Cả ảnh cưới lẫn nhẫn cưới 45 năm trước đều không có được vì hoàn cảnh khó khăn. Sau 45 năm đôi chim câu mới bất ngờ nghĩ đến, khiến lũ con cũng cay xè mắt. Hạnh phúc thì không bao giờ là muộn, khi mọi trái tim dành trọn yêu thương cho nhau.
Nói về người cao tuổi, tôi thường nghĩ tới các cố, các ông bà trong xóm làng nhỏ của bà nội tôi. Xóm nằm lưng chừng những quả đồi nhỏ quây vào nhau, cửa nhà này ngó xa xa ra nhà kia, cùng quay mặt về hồ đập thủy điện. Ở đó, dưới những mái nhà nhỏ vẫn có những cụ ông, cụ bà tuổi ngoài 90 từng dắt tay nhau đi qua bao tháng năm tuổi trẻ, tuổi trung niên để cùng bên nhau tuổi già ấm cúng. Họ cùng quây quần bên mâm cơm mỗi sáng mỗi chiều, vẫn sum vầy cả những đêm trăng thanh gió mát bên ấm chè xanh càng chát càng ngon với bao câu chuyện đời, chuyện người đầy thú vị. Mỗi khi các ông các bà trò chuyện, giọng Đô Lương nặng đến mức tôi – đứa cháu ở phố lâu năm mới về phải lắng tai mới nghe hiểu hết được. Tôi quên hết những chuyện cũ nhưng vẫn nhớ mùi trầu, mùi cau quyện với vỏ chay thật nồng đượm trong những sáng mai, chiều về tỏa ra từ những cối giã đã đỏ au vì dùng lâu. Đặc biệt, nhớ giọng cười giòn rôm rả không vướng bụi cuộc sống mà họ dành cho nhau suốt những buổi trò chuyện.
Đến một độ tuổi nào đó chúng ta nghĩ về tuổi già. Bạn nghĩ về điều gì? Bạn có ngại những nếp nhăn không? Tôi yêu cả những nếp nhăn vì nó mang những trở trăn cuộc sống. Và trong suy nghĩ của tôi, tuổi già chẳng có gì đáng ngại. Tuổi già có những điều “chất lượng” mà đám trẻ chẳng bao giờ so bì nổi. Tình yêu là một trong những điều chất lượng nhất ấy. Nó như loại rượu vang tuyệt hảo, ủ càng lâu càng thơm, càng đượm, vậy thôi.