BỊP
Chị Hậu ở quan tôi được ví là “bầu không khí trong lành” của tập thể. Chuyện là sáng nay, trong lúc mọi người đang yên vị trước cuộc họp thì bỗng có tiếng cười ré lên. Mọi người đổ xô mắt về phía phát ra thứ âm thanh có tần số réo rắt ấy. “Ôi, em xin lỗi cả nhà, tại vì người ta bịp buồn cười quá” – chị Hậu, tác giả của chuỗi cười bất chợt ấy vừa tắt điện thoại vừa phân trần.
Cũng may thủ trưởng của cơ quan tôi hưởng ứng “Chưa đến giờ họp, đề nghị cô Hậu đọc lại nội dung cho cả nhà sinh hoạt giải trí nào”… “Đây nì, đây nì, hay lắm, cả nhà nghe nì. Bịp lòi bịp”, chị mở điện thoại oang oang: “Vào lúc 12h ngày 27 tháng 2 năm 2019, sau một thời gian theo dõi, phát hiện và khuyên giải bất thành, tại nhà nghỉ hát em mờ anh Khúc Văn Lờ đã mai phục và bắt quả tang vợ là Nguyễn Thị Tờ cùng ông Hoàng Văn Cờ trên giường trong trạng thái cả hai trần như nhộng. Họ là đồng nghiệp công tác tại trường Tiểu học xã Lâm Sơn, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Tuy nhiên, khi cờ líp rộn ràng leo lên mạng, ông Hoàng Văn Cờ giải thích do có việc nên ông và bà Tờ gặp nhau, vào đúng lúc này ông Cờ bị “miệng nôn trôn tháo” rồi lên cơn sốt rét. Thấy vậy, bà Tờ vội nói với ông Cờ vào nhà nghỉ rồi bảo ông Cờ cởi bỏ quần áo ra để bà ôm cho khỏi rét. Ông Cờ nghĩ đơn giản nên làm theo. Về sự việc bà Tờ thì đanh thép khẳng định: “Những gì mọi người nhìn thấy chỉ biết một phần. Mọi người nói thế nào không quan trọng, quan trọng là mình sống thế nào. Người có học không nói gì, người không biết gì vào chửi thì chỉ là anh hùng bàn phím”. Đọc xong đoạn trích chị Hậu còn dí dỏm chua thêm: “Bà Tờ nói đúng, những gì mọi người thấy trong cờ líp mới chỉ là một phần, giá như mọi người thấy được cả màn trình diễn trước đó nữa thì mới thực sự hấp dẫn”.
Cơ quan tôi không ai nhịn được cười. Chuyện bồ bịch đã quá nhàm. Hay là hay cái lời giải thích của đám tự xưng là “có học” ấy! Nó ngô nghê đến mức người nghiêm nghị như thủ trưởng của cơ quan tôi mà cũng bị sặc nước vì cười! Bịp thì rõ rồi, chỉ có con nghé con ngựa mới không đủ chỉ số IQ để nhận ra đó là bịp. Mà bịp thì cũng là lẽ thường tình, thiên hạ người bịp đầy ra đó, chỉ có điều ông bịp vậy thì không ai thương ông mà người ta thương cho học trò của ông! Cách phân trần bộc lộ sự dốt nát thâm căn thế kia mà cũng đi dạy chữ thì thì đúng là thảm họa. Không biết những đứa trẻ vô tội và đáng yêu kia lĩnh hội được bao nhiêu phần ngàn cái tinh túy từ một bộ não có năng lực xử lý tình huống vụng về như ông giáo này? Giá như ông nhận lỗi ít ra người ta còn có thể dạy con mình qua cái gương dám làm dám chịu của ông. Đằng này, nghe ông lý giải ú a ú ớ, vừa thô lại vừa thiển của ông mà vừa ngao lại vừa ngán. Cũng phải nói trước khi cặp đồng nghiệp Lạng Sơn lên cơn sốt rét phải vào ủ ấm thì cũng đã có cô giáo La Gi, Bình Thuận đưa nam sinh dưới 16 tuổi vào khách sạn “tìm nhà trọ”. Còn trước đó một chút nữa là Chủ tịch UBND thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh đưa nữ “đối tác” vào nhà nghỉ để “cọc tiền đất”. Rồi thì trưởng phòng giáo dục huyện Cái Nước, Cà Mau đưa cô giáo mầm non vào nhà nghỉ để “trao đổi chuyên môn”. Rồi thì thượng úy thuộc phòng CSGT Thanh Hóa cũng đưa cô giáo vào nhà nghỉ để “nằm mát”. Thậm chí Bí thư huyện ủy Krông Ana đưa trưởng ban tổ chức vào nhà nghỉ vì “trúng gió”. Rồi thì Chủ tịch UBBND xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau đưa nữ đối tác vào nhà nghỉ để “thuê mặt bằng”. Chưa hết, trưởng công an xã Phong Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa đưa vợ bạn vào nhà nghỉ để “tâm sự”, Chủ tịch xã Thuần Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa đang đau bụng đưa nữ nhân viên vào nhà nghỉ “chườm”, Chủ tịch UBND xã Xuân Tân, Thọ Xuân, Thanh Hóa đưa nữ Hiệu phó trường tiểu học vào nhà nghỉ để “bàn công tác” vân vân và vân vân. Quý vị khoan vội sốc với bản thống kê dằng dặc trên bởi đây mới chỉ là số vụ việc bị tóm quả tang và được quay clip thôi. Còn các vụ việc thiếu bằng chứng thì… xin lỗi tác giả không thể làm mất thời gian nhiều hơn của bạn đọc. Na ná, vẫn là cán bộ của dân, địa điểm vẫn là nhà nghỉ, đối tác vẫn là khác giới và cách giải thích na ná nhau, tình huống na ná nhau những rốt cuộc bản chất thì y hệt nhau, một chữ thôi – Bịp!
Đã nói đến chữ bịp chắc cũng không việc gì phải kiêng khem với vụ gian lận điểm thi đang rúng động xã hội. Có thể khác nhau về hiện tượng nhưng giống nhau về cách giải thích, một kiểu giải thích cùn đến mức làm ức chế tâm lý tất cả những người nghe. Ai cũng dùng câu thần chú “không biết, không chỉ đạo, không can thiệp”. Cùn, bịp, dối trá và hèn nhát. Chính cái kiểu trả lời đổ dầu vào lửa ấy đã làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ trên các trang mạng xã hội. Một Facebooker nổi tiếng viết rằng: “Nói thật, trong gia đình khi con cái đến tuổi thi đại học thì không thể có việc gì hệ trọng hơn. Nhà mình hồi trước hai đứa học không đến nỗi, vậy mà lo lắng, chuẩn bị hai, ba năm trời. Bàn bạc, tham vấn, đắn đo, cân nhắc, tính toán, âm mưu, thủ đoạn đến rụng cả tóc. Cả nhà như đánh trận, khi con đậu rồi thì ngồi ở đâu, nói chuyện gì cũng cố lái về chuyện thi cử để… khoe. Vậy mà, bây giờ mấy ông bà phụ huynh nói “không quan tâm”. Trời ạ! Đến con thi đại học mà không quan tâm thì còn quan tâm cái gì? Chỉ có thể lý giải rằng mấy tay ấy bị cắm sừng, đó không phải con là con họ!”.
Trao đổi với báo chí, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phân tích chí lý rằng: “Anh nắm giữ các chức vụ mang tính chất quyền lực công, anh phải có uy tín xã hội, anh phải có được niềm tin của xã hội. Không còn sự tín nhiệm của xã hội thì anh không còn căn cứ để đảm nhiệm quyền lực công… Anh thực thi quyền lực công thì đó không phải là quyền lực của anh, mà là quyền lực của người dân trao cho anh, mà người ta không tin anh nữa thì anh không còn nền tảng đạo đức để anh làm”. Vâng, họ không còn lòng tin nữa, nhưng hình như họ cũng không cần lòng tin nữa! Với những câu trả lời như vậy, có lẽ họ chạm đến tột cùng của sự trơ trẽn mà không cần với tay.
Đến mức Tiến sĩ Nguyễn Việt Cường còn phải dùng cả kiến thức toán học để vạch trần sự dối trá. Đại ý rằng: Cứ cho thí sinh không biết gì, đánh bừa vào bài thi thì cũng ít nhất đạt 2,5 điểm. Với 40 câu hỏi và xác suất đúng là 0.25 thì số câu trả lời đúng sẽ phân phối theo quy luật nhị thức (binomial distribution). Xác suất bài thi điểm 1 chỉ là 0.0047, còn xác suất điểm 0 thì bé hơn nhiều (bằng 0.00001006). Trong lúc trên thực tế vụ gian lận có những thí sinh 2 môn đạt điểm 0, xác suất 1/10 tỷ. Có nghĩa là bắt cả thế giới này đi thì trắc nghiệm và yêu cầu chọn ngẫu nhiên thì cũng chưa chắc có kết quả kỳ lạ như này. Câu trả lời quá rõ, thí sinh đã cố tình không làm bài thi để chờ được “cấy” đáp án! “Như vậy trước khi thi, những học sinh này đã biết trước rằng họ sẽ được nâng điểm. Thí sinh biết được điều này thì không thể nói cha mẹ không biết được”. Một phân tích khoa học như vậy thì chỉ đám “sốt rét” trong câu chuyện đầu bài viết mới đủ ngớ ngẩn để cãi cùn!
Sự việc đã rõ rành rành, càng chối cãi vòng vo càng tỏ rõ sự coi thường những người dưới mình, những người xung quanh mình, và cả những người trên mình. Danh ngôn có câu, “nửa cái bánh mỳ là nửa cái bánh mỳ, còn nửa sự thật là cả một sự dối trá”. Mà việc dùng mánh khóe để ăn gian thì không chỉ là dối trá đâu, gọi là bịp đấy!
Huyen pham
hay lắm ạ
Quốc Huy
Triệu like