Bữa ni thì… khiếp ba đời! Là phát ngôn của cậu bạn sau cái bắt tay rất chặt chào mừng năm mới đi qua được hai ngày. Hỏi chi mà khiếp. Cậu ngoác miệng ra cười: Chẳng phải từ hôm qua (2/1/2020) dân mạng đã phát sốt lên với việc “vì hai chén rượu, bị phạt 7 triệu đồng’’ đấy sao!.
Quả cái tin Cảnh sát giao thông TP. Hà Nội xử phạt người có nồng độ cồn sử dụng phương tiện khiến giới mày râu phải lo lắng là… có thật. Người bị phạt là ông Nguyễn Văn Duyên (SN 1963), ở thị trấn Yên Viên (Gia Lâm, TP. Hà Nội). Ông bị dừng phương tiện tại nút giao thông Hàng Cót – Phan Đình Phùng và “được” Tổ tuần tra, kiểm soát Cảnh sát giao thông TP. Hà Nội thông báo kế hoạch kiểm tra nồng độ cồn. Kết quả, ông Duyên vi phạm 0,489 miligam/lít khí thở. Vậy là người đàn ông 57 tuổi này đã phải ký vào biên bản vi phạm để nhận mức phạt 7 triệu đồng. Chưa hết, còn bị tước giấy phép lái xe 23 tháng. Dẫn đến nguyên nhân bị phạt, do ông Duyên điều khiển xe máy sau khi uống 2 chén rượu!.
Theo Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020), cụ thể là tại Điều 21, quy định người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông; nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Nếu uống rượu, bia mà điều khiển phương tiện tham gia giao thông, mức phạt đối với người điều khiển mô tô có thể sẽ lên tới 6 – 8 triệu đồng; với người điều khiển xe ô tô, mức phạt cao nhất là 30 – 40 triệu đồng; người đi xe đạp cũng không ngoại lệ, có thể bị phạt từ 400.000 – 600.000 đồng. Chỉ người đi bộ là… vô tư, là “No vấn đề”.
Vì lo lắng, giới mày râu chia sẻ đến chóng mặt câu chuyện “vì hai chén rượu, bị phạt 7 triệu đồng” cùng thông tin Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia. Và nghĩ ra đủ mẹo mực, chiêu trò để… hướng dẫn cho nhau cách trốn phạt, kể cả việc phân công nhau làm “chim mồi” để “nhử” cảnh sát giao thông tạo lối thoát thân! Chỉ chị em phụ nữ đa phần là “khoái”. Họ nhất trí cao với những quy định “ngặt nghèo” của Luật, đồng tình với việc “xuống tay” khá nặng của CSGT TP. Hà Nội.
Vợ mình không ngoại lệ. Đang bữa cơm tối ấm cúng, cô ấy mở di động, căng to bài viết cảnh sát giao thông xử phạt ông Nguyễn Văn Duyên, rành rọt nhặt khoan từng từ và tỏ vẻ hớn hở: “Thế là phải!”. Rồi lạnh lùng phán: “Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia ra đời hơi muộn. Nhẽ ra, phải sinh cùng thời với Chỉ thị 17 năm 2013 của tỉnh Nghệ An…”.
Nói với vợ rằng “Biết lắm rồi, hiểu lắm rồi”. Rằng rượu, bia là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của xã hội và gia đình… Nhưng chưa nói đâu xa, nhưng buổi gặp mặt cuối năm tới đây thì phải làm sao. Chả lẽ anh em, bầu bạn lâu ngày gặp gỡ không giao lưu với nhau cốc bia, chén rượu? Cô cười: “Cho phép làm bạn với em Xuân, em Mai”. “Là sao?”, “ Là đi… taxi!”