Ngày trung tuần tháng 7, tôi nhận được một tin nhắn: “Anh cho hỏi, các cháu côi cút ở xã Châu Bình trong bài viết “Làm rõ những “lùm xùm” ở bản Quỳnh 2, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu” hiện nay sống ra sao?”. Người nhắn tin là đại diện của một nhóm thiện nguyện. Họ biết thông tin về những đứa trẻ côi cút qua Báo Nghệ An nên đã có kế hoạch lên Quỳ Châu thăm và có sự hỗ trợ.
Đấy là ngày 9/6/2020, thời điểm chúng tôi phải ngược huyện núi Quỳ Châu, đến bản Quỳnh 2, xã Châu Bình để xác minh những lùm xùm, ồn ã về việc chi trả kinh phí hỗ trợ phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho các hộ nghèo, cận nghèo. Thật buồn. Vì dù không có tình trạng trục lợi chính sách, nhưng những thông tin đang loang trên mạng xã hội và một số trang báo điện tử đã khiến lòng người nơi đây xáo trộn. Và, vì có những chuyện, không thể nào dứt ra khỏi trí não, đầy day dứt và ám ảnh.
Đó là về 3 trường hợp đã qua đời ở 2 hộ gia đình nghèo nhưng vẫn được nhận chế độ hỗ trợ Covid-19. Những người đã khuất gồm chị Nguyễn Thị Thu (mất năm 2019), anh Hồ Nam Nguyên (mất tháng 1/2020) và ông Hồ Nam Sơn (mất tháng 2/2020). Chị Nguyễn Thị Thu (SN 1978) là mẹ đơn thân nuôi 2 con nhỏ. Chị qua đời vì bệnh ung thư, khiến 2 con thành trẻ mồ côi, ở với người cậu.
Nhưng khốn khổ, người em trai chưa lập gia đình, không có việc làm ổn định, hay đi xa nên hai đứa trẻ thường phải nương nhờ các gia đình láng giềng và các tổ chức hội trong bản, trong xã. Còn anh Hồ Nam Nguyên và ông Hồ Nam Sơn là hai bố con, qua đời cách nhau chưa đầy 1 tháng. Anh Hồ Nam Nguyên lập gia đình rồi phải tự mình nuôi con khi cháu mới 3 tháng tuổi do vợ bỏ nhà đi.
Con mới 6 tuổi thì anh Nguyên bị bệnh mất, phải sống với bà nội. Mẹ anh Nguyên (tức vợ ông Hồ Nam Sơn) cũng đã bắt đầu mắc bệnh kém trí nhớ vì già yếu, không có khả năng lao động nhưng phải nuôi 1 đứa con trai út bị tàn tật từ nhỏ, và giờ phải nuôi thêm cháu nội.
Theo quy định, những trường hợp đã qua đời mà gia đình họ vẫn nhận chế độ hỗ trợ Covid-19 là việc làm trái. Bởi vậy khi phát hiện tên anh Hồ Nam Nguyên và chị Nguyễn Thị Thu có tên trong danh sách hỗ trợ thì chính quyền xã Châu Bình đã thu hồi lại tiền.
Hỏi về sự cố này, trong ngày 9/6/2020, các cán bộ có liên quan của xã đã nhận lỗi. Họ nêu rõ nguyên nhân là do 3 đối tượng này mất chưa lâu nên đã sơ suất trong khâu kiểm tra, dẫn đến “lọt” vào danh sách chi trả. Nhưng họ cũng mô tả về cảnh thực đáng thương của các cháu nhỏ của hai gia đình, nói rõ niềm mong được quan tâm chuyển tải thông tin. Như chị cán bộ chính sách, đã tất bật lật tìm những hình ảnh các cháu trong những bộ đồ tang, bên bàn thờ bố mẹ chúng. Rồi nói: “Dù số tiền hỗ trợ cho 3 cá nhân đã qua đời không lớn nhưng xã phải thu hồi lại vì đó là quy định. Nhưng thực sự là áy náy vô cùng vì hai gia đình này quá khó khăn…”.
Nhờ tin nhắn của đại diện tổ chức thiện nguyện, ngày cuối tháng 7, tôi đã trở lên xã Châu Bình. Bởi có Quốc lộ 48 vắt ngang qua, và có kênh dẫn nước của hồ thủy lợi Bản Mồng ôm bọc nên không gian của Bản Quỳnh 2 khá đẹp. Nhưng nơi đây vẫn đang là một trong những bản còn nghèo của xã.
“Hai gia đình anh Hồ Nam Nguyên và chị Nguyễn Thị Thu thuộc nhóm hộ nghèo khó nhất. Là trụ cột duy nhất, việc họ qua đời có lẽ sẽ khiến cả hai gia đình không bao giờ thoát được cảnh nghèo…”, cô giáo Nguyễn Thị Thái – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Bình 2 nói vậy.
Dù được “lưu ý”, nhưng khi chạm mặt những đứa trẻ không còn cha còn mẹ, thật thương cảm. Hồ Nam Việt là con trai anh Hồ Nam Nguyên. Thoạt nhìn, tôi đã mường tượng ngay về những đứa trẻ châu Phi, ở đất nước Somalia nghèo khó vì nhiều năm đắm chìm trong nội chiến.
Đen đúa, gầy gò đến da sát xương nên đã 7 tuổi rồi nhưng Việt chỉ như đứa trẻ lên 5. Cháu sống trong căn nhà xây 2 gian do Tỉnh đoàn hỗ trợ xây cho năm 2018. Trong căn nhà ấy, diện tích chỉ vài chục m² nhưng cảm giác rộng thênh thênh vì chỉ có hai chiếc bàn thờ. Một treo trên tường thờ gia tiên, một đặt giữa gian khách thờ bố cháu là anh Hồ Nam Nguyên. Cách nhà Việt một khoảng sân xi măng là nhà bà nội và nhà người bác ruột. Cả hai nhà này đều lồ lộ cảnh khó.
Cháu Hồ Nam Việt, rất khác với trẻ bình thường, cứ lặng lẽ đến bất động, chỉ đưa mắt nhìn trân trối đoàn khách vào nhà mình. Kể cả khi được người thân, chị Trương Thị Trang – Bí thư Đoàn xã Châu Bình ở cạnh động viên nhưng cháu vẫn không thể bật ra nổi được một câu trọn vẹn. Cô Nguyễn Thị Thái khẽ nói: “Việt thể trạng yếu đuối, chậm chạp và đang còn rất dại, các kiến thức ở lớp hầu như không tiếp thu được gì. Vì thế trường đã quyết định để cháu học lại lớp 1…”.
Với hai chị em cháu Trần Thị Hoài Thanh và cháu Trần Đình An (con của chị Nguyễn Thị Thu), nơi ở cũng có điểm tương tự với nhà cháu Hồ Nam Việt. Cũng dăm chục m² chia thành hai gian, chính giữa gian khách là chiếc bàn thờ mẹ, chị Nguyễn Thị Thu; còn gian kế bên là hai chiếc giường gỗ.
Hoài Thanh năm nay 12 tuổi, vừa qua cấp tiểu học; còn Đình An, 6 tuổi, năm nay bước vào lớp 1. Điểm khác hơn là hai chị em Hoài Thanh, Đình An khá khỏe mạnh, hoạt bát. Đình An còn nhỏ dại nhưng Hoài Thanh đã biết lo lắng chuyện nội trợ cho hai chị em. Cháu đã biết bắc cơm, rán trứng, luộc rau hoặc nấu bát canh và cả thay người mẹ đã khuất dỗ em trai ăn. Hỏi gạo và thức ăn ai mua cho? Đêm hôm thì thế nào? Thanh lí nhí: “Cậu mua cho gạo. Đêm thì hai chị em ôm nhau ngủ…”.
Cô Nguyễn Thị Thái – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Bình 2 và chị Trương Thị Trang – Bí thư Đoàn xã nói với tôi rằng, các cháu được cộng đồng dân cư giúp đỡ rất nhiều. Và cho biết, ngay sau khi những người thân của các cháu qua đời, các chị đã đưa cảnh khó của Hoài Thanh, Đình An và Hồ Nam Việt lên trang facebook cá nhân. Thông tin về các cháu đã nhận được rất nhiều lượt chia sẻ, động viên và từ đó có nhiều tổ chức, cá nhân giúp đỡ tiền và vật chất. “Hiện nay mỗi cháu đều có được một khoản tiền. Hoài Thanh và Đình An mỗi cháu có 116 triệu đồng. Còn Hồ Nam Việt có 80 triệu đồng. Những khoản tiền này được gửi vào ngân hàng để khi đến 18 tuổi sẽ tùy ý sử dụng…”, cô Nguyễn Thị Thái trao đổi.
Sở dĩ phải gửi tiền vào ngân hàng, lập sổ tiết kiệm cho các cháu, bởi như cô Thái và Bí thư Đoàn xã Trương Thị Trang cho biết, nếu trao cho những người thân thì họ sẽ không quản lý cho các cháu mà đem tiêu hết. “Cậu ruột của Hoài Thanh, Đình An không có công việc ổn định, thường xuyên xa nhà, tính cách chưa chín chắn; còn bà nội của Hồ Nam Việt thì già yếu, đã lẫn sẽ không quản lý được tiền. Thế nên chính quyền xã, ban cán sự xóm, nhà trường và người thân của các cháu thống nhất lập sổ tiết kiệm cho các cháu…”, Bí thư Đoàn xã Châu Bình, chị Trương Thị Trang tâm sự.
Ai sẽ quản lý sổ tiết kiệm cho các cháu, vì nếu người thân đứng tên, giữ sổ thì khi túng quẫn họ cũng có thể đến ngân hàng rút tiền? Theo cô giáo Hiệu trưởng và chị Bí thư Đoàn xã thì khi lập sổ, xã đã mời đại diện các bên cùng bàn bạc, thống nhất rồi lập biên bản cử người đứng tên gửi tiền, cử người giữ sổ tiết kiệm cho các cháu. Biên bản được lập theo hướng, không thể một cá nhân nào có thể trực tiếp rút tiền từ ngân hàng nếu không có sự thống nhất, đồng thuận của các đại diện.
Theo đó, cùng tham gia có đến gần 10 người làm chứng, gồm đại diện lãnh đạo UBND xã, lãnh đạo nhà trường, Bí thư và Ban cán sự bản Quỳnh 2 cùng người thân của các cháu. Với hai cháu Hoài Thanh và Đình An, người đứng tên gửi tiền là bà Hồ Thị Thoa – Phó bản, kiêm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ và ông Trần Quang Đông – Thôn đội trưởng; còn người quản lý sổ tiết kiệm là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Bình, cô Nguyễn Thị Thái và Bí thư chi bộ bản Quỳnh 2, ông Nguyễn Văn Thành.
Với Hồ Nam Việt, người đứng tên gửi sổ tiết kiệm là ông chú ruột Hồ Văn Quang; người giữ sổ tiết kiệm là cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thái. Tại các biên bản có nêu rất rõ ràng việc sử dụng tiền. Cụ thể ở biên bản thống nhất gửi tiền tiết kiệm cho Hoài Thanh và Đinh An nêu: “Biên bản thống nhất và đọc cho tất cả mọi người cùng nghe làm căn cứ pháp lý để sau này hai cháu đủ 18 tuổi thì bà Hồ Thị Thoa, cô Nguyễn Thị Thái và ông Trần Quang Đông, ông Nguyễn Văn Thành sẽ phải có trách nhiệm rút tiền về đưa cho hai cháu cất giữ và sử dụng. Tuy nhiên, nếu cuộc sống của hai cháu có việc bất trắc, nghiêm trọng cần tiền thì cùng nhau bàn giải quyết”.
Cô Nguyễn Thị Thái và chị Trương Thị Trang tâm sự rằng họ khá vất vả, vì mất quá nhiều thời gian công sức. Từ việc thường xuyên theo dõi facebook cá nhân để kịp trả lời cho những người hỏi thăm; lập danh sách và thông báo công khai, rồi đưa các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm ủng hộ tiền và vật chất đến thăm các cháu… Nhưng hai người đều rất vui vì các cháu nhận được nhiều những sẻ chia. “Rất nhiều tổ chức, cá nhân đã giúp cho các cháu. Có tổ chức ở Hà Nội chu cấp luôn một năm những nhu yếu phẩm hàng ngày cho Hoài Thanh, Đình An. Hay như nhóm công dân Châu Bình đang làm việc ở Đài Loan đã ủng hộ 15 triệu đồng cho Hồ Nam Việt. Ở huyện, các cán bộ cũng giúp, ủng hộ 30 triệu đồng… Còn ở xã Châu Bình thì tính không hết được tình thương, sự đùm bọc của cán bộ, nhân dân dành cho các cháu…”, cô Nguyễn Thị Thái xúc động.
Ngay sau khi rời bản Quỳnh 2, xã Châu Bình, tôi đã nhắn tin trả lời đại diện nhóm thiện nguyện đã có nhã ý hỏi thăm. Người đại diện là phụ nữ, chị trao đổi, sở dĩ băn khoăn hỏi là vì nhóm chưa biết nên giúp cho các cháu theo phương án nào cho hiệu quả. Chuyển tất cả các thông tin cùng một số hình ảnh gia cảnh của các cháu ghi lại sau chuyến đi cho vị đại diện, sau khi xem chị nói: “Nhóm bọn em từng lập sổ tiết kiệm cho một số cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Thanh Chương mình. Cách làm của chính quyền xã Châu Bình và nhà trường cũng gần giống với phương án đã từng làm. Em sẽ báo cáo lại cho nhóm để sớm quyết định ngày lên thăm các cháu…”.
Nghe lời trao đổi, niềm vui như nhân đôi. Vì ở bản Quỳnh 2, tôi đã thấy những đứa trẻ nhỏ côi cút chưa đoạn tang cha mẹ được sống trong tình yêu thương đùm bọc của cộng đồng. Nay, các cháu sẽ có thêm những niềm yêu thương mới…!