Sống chung với biến đổi khí hậu – Bài cuối: Gìn giữ những “báu vật xanh”

Tương Dương được coi là một trong những “chảo lửa xứ Nghệ” vào mùa nắng nóng. Nhưng dịp này, khi về với miền Tây Nam Nghệ An, dừng chân thưởng ngoạn rừng săng lẻ nổi tiếng nay đã lên tầm di sản, đều ngỡ ngàng với khung cảnh tuyệt đẹp, bầu không khí mát lành. Những thân cây săng lẻ xám nhạt, to cao vút lên với bộ tán rộng, lọc nắng rờ rỡ trên cao tỏa.

Nói đúng hơn, mùa nào rừng săng lẻ Tương Dương cũng toát lên một vẻ đẹp rất riêng khiến du khách luôn thích thú, bất ngờ khi ghé qua. Vì du khách không chỉ được hòa mình vào sự yên bình, tráng vĩ thiên nhiên, mà còn thưởng thức âm thanh trong trẻo của rừng, tiếng suối, tiếng chim và được cảm nhận tình yêu rừng, giữ màu xanh bao đời của người dân ở đây. Vào mùa lá đổ, rừng săng lẻ Tương Dương tạo nên một khung cảnh vừa rực rỡ, vừa mơ màng với những sắc vàng, sắc đỏ kết nối tầm mắt như trong cổ tích…

Một điểm nhấn tại khu rừng săng lẻ Tương Dương là ngôi nhà sàn thơ mộng đậm bản sắc người Thái. Ông Lô Thanh Long – Trưởng phòng Văn hóa huyện Tương Dương cho biết: Ngôi nhà sàn này cùng với một số hạng mục phụ trợ khác được xây dựng với kinh phí gần 2,2 tỷ đồng, trong đó, Dự án GEF (Quỹ Môi trường toàn cầu tại Việt Nam hỗ trợ 340 triệu đồng, số còn lại hơn 1,7 tỷ đồng là do huyện Tương Dương đầu tư). Mục đích của ngôi nhà là làm trạm dừng chân để khách du lịch ngắm cảnh, từ đó, đi bộ để chiêm ngưỡng cảnh đẹp bên trong khu rừng săng lẻ. Đây chính là điểm nhấn để kích cầu phát triển du lịch của huyện nhà. Bởi, ngoài điểm rừng săng lẻ này, huyện Tương Dương còn có nhiều điểm đến hấp dẫn như tắm suối ở Tam Quang, Tam Hợp…; thác nước đẹp ở Nhôn Mai, du lịch lòng hồ Bản Vẽ, lòng hồ Khe Bố, du lịch tâm linh đền Vạn – Cửa Rào được tổ chức lễ hội hàng năm.

Ông Kha Văn Mai –  một người dân của xã Tam Đình cho hay, từ khi có ngôi nhà sàn này, người đi đường dừng chân ở khu vực rừng săng lẻ ngày một nhiều. Trong thời gian nghỉ ngơi, du khách còn được chọn mua những mặt hàng tiêu biểu của địa phương, trưng bày ngay tại các gian hàng cạnh ngôi nhà sàn. Ở đó, khách du lịch còn được giới thiệu sản vật ẩm thực, thổ cẩm từ những bàn tay phụ nữ Thái đảm đang, khéo léo.

Điểm dừng chân ngắm cảnh rừng săng lẻ được thiết kế lãng mạn thu hút người qua lại.
Điểm dừng chân ngắm cảnh rừng săng lẻ được thiết kế lãng mạn thu hút người qua lại.

Lưu lại rừng săng lẻ lâu hơn một chút, nhất là sau khi đi bộ sâu vào cánh rừng, du khách có thể được nghe về câu chuyện của người dân bản địa kể về câu chuyện giữ rừng ở đây, với những con người cụ thể như cụ Vi Chính Nghĩa – cố Bí thư Huyện ủy Tương Dương, là người có công lớn bảo vệ khu rừng săng lẻ hơn 70 ha không để bị mất một cây nào kể cả một thời nạn phá rừng đang tràn lan, cửa rừng chưa được kiểm soát nghiêm ngặt. Câu chuyện giữ rừng mang tên “Chính Nghĩa” ấy đã dần như là một huyền thoại của bà con đồng bào Thái ở bản Quang Thịnh, xã Tam Đình, huyện Tương Dương.

Năm 2014, UBND tỉnh Nghệ An đưa khu rừng săng lẻ Tam Đình vào danh sách cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Các nhà môi trường đánh giá khu rừng “mang nguyên vẹn một khu hệ sinh thái đặc trưng mưa ẩm nhiệt đới của miền Tây Nghệ An còn sót lại, với một nguồn gene quý trước nguy cơ cạn kiệt”… Sự tồn tại của khu rừng đặc biệt này không chỉ tạo điểm nhấn cho ngành Du lịch tỉnh Nghệ An, mà còn là ý thức, là tinh thần quyết giữ rừng, coi rừng là “báu vật” của người dân bản địa, niềm tự hào của người dân xứ Nghệ.

Ông Nguyễn Văn Hải – Bí thư Huyện ủy Tương Dương cho rằng, cùng với các chính sách của Nhà nước, từ mô hình bảo vệ chăm sóc khu rừng săng lẻ đặc dụng tại xã Tam Đình, nhiều năm qua, người dân trên địa bàn huyện đã nhận thức được đầy đủ giá trị của rừng mang lại, đã bảo tồn được thêm nhiều cánh rừng săng lẻ khác ở các xã: Yên Hòa, Yên Tĩnh, Nga My, Tam Quang…Quan trọng nữa là đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện đã nhận thức ra được giá trị từ rừng, ngoài bảo vệ môi trường sinh thái, còn khai thác được du lịch, trồng cây dược liệu dưới tán rừng… Người dân còn được hưởng chế độ, chính sách khoanh nuôi, dịch vụ môi trường rừng của Nhà nước, cho nên, hiện nay công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng, tái tạo rừng trên địa bàn huyện Tương Dương phát triển mạnh, từ chỗ phục hồi đã tạo thành hàng trăm ha rừng tái tạo. Do vậy, tỷ lệ độ che phủ của rừng trên địa bàn huyện Tương Dương đã đạt 79,26%. Từ những cánh rừng đã được khoanh nuôi, bảo vệ tốt, các địa phương quan tâm tạo thành những điểm đến gắn với các điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, hàng năm thu hút lượng khách du lịch đáng kể.

Có thể nói, dọc tuyến Quốc lộ 7 lên miền Tây Nam Nghệ An, từ những điểm nhấn như du lịch sinh thái đập Phà Lài, thác Khe Kèm của huyện Con Cuông, rừng săng lẻ của huyện Tương Dương đã kết nối lên huyện Kỳ Sơn, đến với các khu vực cổng trời Mường Lống, một miền đầu nguồn Nậm Nơn – tháp cổ Mỹ Lý… để mở ra tiềm năng liên kết đầu tư phát triển du lịch sinh thái trong thời gian tới.

Quan trọng hơn, những “mô hình xanh” như rừng săng lẻ Tương Dương, rừng trồng gỗ lớn hay trồng dược liệu dưới tán rừng, cùng tinh thần, tâm huyết bảo vệ thiên nhiên sinh thái… ở Nghệ An đang ngày càng góp phần ý nghĩa vào xây dựng một lối sống thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, chống biến đổi khí hậu theo xu hướng toàn cầu.

Rừng săng lẻ ở Tương Dương.
Rừng săng lẻ ở Tương Dương.