Sống chung với biến đổi khí hậu – Bài 2: Nâng giá trị kinh tế, bảo vệ môi trường từ phát triển rừng gỗ lớn

Nghệ An là tỉnh có độ che phủ rừng lớn, năm 2020 lên 58,5%. Sở hữu diện tích rừng lớn nhất cả nước, phong trào trồng mới rừng phát triển mạnh mẽ, những năm qua Nghệ An đang hướng mạnh mục tiêu trồng rừng gỗ lớn. Theo kết quả kiểm kê rừng, trữ lượng gỗ trên địa bàn tỉnh hiện có 91.003.287 m3, (bao gồm gỗ rừng tự nhiên 81.349.105 m3; gỗ rừng trồng 9.654.183 m3.

Không chỉ tạo giá trị cao trong sản xuất lâm nghiệp, trồng rừng gỗ lớn còn có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ môi trường tài nguyên đất, nước, góp phần hạn chế những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Đồi keo hơn 22 ha của gia đình ông Nguyễn Văn Vê, ở xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương đã bước sang năm thứ 8, một số diện tích đã bước sang năm thứ 13 là đồi keo được trồng theo chương trình trồng rừng gỗ lớn. Ông Nguyễn Văn Vê cho biết: “Từ năm thứ 5 trở đi, keo phát triển rất nhanh, tán rộng che ánh sáng, cỏ đỡ mọc. Nếu bán gỗ trồng 5 năm tôi chỉ thu được khoảng 1,1 tỷ đồng/ha, nhưng để đến 12 năm số tiền thu được sẽ gấp ba, lại đỡ công trồng và chăm sóc; nhiều cây keo còn làm được gỗ khối, tính bằng m3, giá trị rất cao”.

Năm 2018, HTX Lâm nghiệp và dịch vụ tổng hợp xã Thanh Thủy được Hiệp hội gỗ lâm sản Việt Nam hỗ trợ phát triển 2 mô hình trồng rừng gỗ lớn quy mô 10 ha/mô hình. Bên cạnh tăng thu nhập kinh tế cho người dân, những mô hình được xây dựng để từ đó nhân rộng này, còn nhằm phát triển rừng bền vững, bảo vệ môi trường đất, nước. Đến nay trên diện tích rừng do HTX quản lý đã có 150 ha rừng gỗ lớn, phát triển từ vườn rừng của 17 hộ thành viên.

Rừng gỗ lớn ở xã Thanh Thủy (Thanh Chương).
Rừng gỗ lớn ở xã Thanh Thủy (Thanh Chương).

Theo ông Nguyễn Sỹ Bình – Giám đốc HTX, nếu rừng trồng 5 năm cho thu nhập 50- 60 triệu đồng/ha, thì những rừng keo trồng trên 10 năm giá trị có thể lên tới 180- 200 triệu đồng/ha. Thời gian dài gấp đôi, nhưng người dân không phải bỏ thêm chi phí cây giống, đầu tư ban đầu thêm một lần nữa, cây keo từ năm thứ 6 trở đi hầu như không còn phải chăm sóc. Đến nay, hầu hết các hộ có diện tích rừng lớn, điều kiện kinh tế ổn định đều đã đăng ký trồng rừng gỗ lớn, với diện tích khoảng 500 ha. “HTX đang cố gắng tìm kiếm, cân đối nguồn để hỗ trợ từ 500.000 – 600.000 đồng/ha rừng trồng từ năm thứ 6 trở đi, hỗ trợ cây giống cho những hộ đăng ký trồng rừng gỗ lớn”- ông Nguyễn Sỹ Bình cho biết. Tháng 12/2021, xã Thanh Thủy cũng đã có gần 1.600 ha rừng đã được cấp chứng chỉ rừng bền vững. Gỗ có chứng chỉ, được nhà máy thu mua cả vỏ với giá cao hơn từ 10- 20%.

Triển khai trồng rừng gỗ lớn, huyện Quỳ Châu có khá nhiều thuận lợi. Trên địa bàn hiện có 21.600 ha rừng trồng và chủ yếu là keo nguyên liệu, tỷ lệ che phủ rừng là 77,06 %. Giao đất gắn với giao rừng, đến nay trên địa bàn huyện đã có 9.216 hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp với diện tích 40.665 ha; đã có 2.886 ha rừng tại xã Châu Bình được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC. Quỳ Châu đề ra mục tiêu đến năm 2025, diện tích trồng rừng nguyên liệu đạt trên 23.000 ha, trong đó đẩy mạnh trồng rừng thâm canh gỗ lớn với diện tích 7.000 – 8.000 ha. Huyện chủ trương xây dựng và nhân rộng các mô hình trồng rừng gỗ lớn kết hợp trồng cây dược liệu dưới tán rừng và du lịch sinh thái để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Theo ông Lương Anh Tuấn – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT cho biết, trong năm 2022 sẽ thực hiện cấp chứng chỉ FSC cho 2.000 ha rừng tại các xã Châu Hạnh, Châu Hội và Châu Phong, phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện đạt 8.000 ha.

Trồng rừng gỗ lớn ở các huyện Tân Kỳ và Nghĩa Đàn.
Trồng rừng gỗ lớn ở các huyện Tân Kỳ và Nghĩa Đàn.

Quản lý trên 9.000 ha rừng trồng, trong đó rừng sản xuất gần 6.200 ha, không chỉ đến bây giờ, mà từ nhiều năm qua, phát triển rừng gỗ lớn là chủ trương luôn được Công ty lâm nghiệp Con Cuông thực hiện tốt. Đến nay, diện tích rừng gỗ lớn từ 8- 10 năm là 500 ha, trong đó 200 ha là đất khoán cho các hộ cán bộ công nhân của công ty đã nghỉ hưu; ngoài ra phần lớn diện tích khác cũng đang trong quá trình phát triển thành rừng gỗ lớn. Theo ông Nguyễn Ngọc Lam – Giám đốc Công ty, thì mỗi năm đơn vị khai thác 30 – 40 ha, quay vòng theo chu kỳ. “Mặc dù có những rủi ro do thiên tai, gãy đổ do gió lốc, nguồn giống đảm bảo khá khó khăn, nhưng bù lại lợi ích kinh tế rất lớn. Từ năm thứ 6 trở đi chỉ còn tốn công bảo vệ, năng suất, chất lượng rừng lại tăng nhanh, giá bán cao. Nếu rừng trồng 5- 6 năm cho năng suất bình quân 70- 80 tấn/ha, thì nếu lưu cây thêm 3- 5 năm nữa, có thể thu 130 – 150 tấn/ha; giá gỗ non trồng 5 năm là 800.000 đến 1 triệu đồng/tấn, trong khi gỗ rừng già được thu mua với giá 1,5- 1,7 triệu đồng/tấn, lại không phải bóc mà bán cả vỏ luôn”- ông Lam cho biết thêm.

Là một trong những địa phương có rừng lớn nhất tỉnh, hiện tại, diện tích rừng và đất lâm nghiệp của Con Cuông lên tới gần 164.600ha, chiếm gần 90% tổng diện tích đất tự nhiên, độ che phủ rừng đạt cao nhất tỉnh với 84,35% và hiện mỗi năm, toàn huyện trồng từ 1.500-1.800 ha rừng tập trung. Những năm gần đây, rừng sản xuất và rừng trồng cây gỗ lớn bản địa đang được nhiều đơn vị, hộ gia đình đầu tư mở rộng. Nói về phát triển rừng gỗ lớn, ông Nguyễn Đình Hùng – Bí thư Huyện ủy Con Cuông cho biết: Chúng tôi đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch chuyển dần từ rừng nguyên liệu sang phát triển rừng gỗ lớn ở những vùng, những hộ gia đình có đủ điều kiện; tập trung phát triển các mô hình trồng rừng gỗ lớn và xây dựng một số mô hình phát triển lâm nghiệp bền vững theo tiêu chuẩn FSC-CoC gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm mang bản sắc văn hóa bản địa, nâng cao giá trị sản xuất rừng trồng. Con Cuông là địa phương cấp huyện có độ che phủ rừng lớn nhất cả nước, thì việc trồng rừng gỗ lớn sẽ phát huy giá trị to lớn này.

Vẻ đẹp non nước sông Giăng và đại ngàn Pù Mát.
Vẻ đẹp non nước sông Giăng và đại ngàn Pù Mát.

Cùng với rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, thì rừng sản xuất nếu được phát triển thành rừng gỗ lớn cũng có vai trò rất quan trọng trong bảo vệ môi trường, góp phần hạn chế các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Là huyện miền núi cao, nên tại địa bàn huyện Quỳ Châu vào mùa mưa lụt thường dễ xẩy ra các hiện tượng lũ quét, lũ ống. Ông Lê Hải Lý – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Trên địa bàn, nhiều vùng có độ dốc cao, có nơi đồi cao, độ dốc 20- 30m so với mực nước biển, lại là đất đồi sỏi không kết dính, nên sau khai thác trắng, bà con đốt dọn sạch thực bì, nếu trồng lại chỉ 4-5 năm đã thu hoạch thì không đủ thời gian tái tạo lại tầng đất, gặp mưa bão rất dễ xói mòn, sạt lở. Nhờ phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn, những hiện tượng này đã giảm hẳn; nhiều vùng đầu nguồn có diện tích rừng phòng hộ được bảo vệ tốt, rừng sản xuất phát triển thành rừng gỗ lớn, những năm gần đây rất ít xảy ra các hiện tượng lũ ống lũ quét, sạt lở đất như trước đây”.

Không chỉ là cơ hội nâng cao hiệu quả kinh tế, trồng rừng gỗ lớn còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó, giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu, thời tiết, bão lũ ngày càng có những diễn biến phức tạp, khó lường. Theo ông Bạch Quốc Dũng – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An, sau 3 năm trồng và chăm sóc, cây mới thành rừng; và nếu thời gian lưu cây dài sẽ đảm bảo được chức năng che phủ, bảo vệ môi trường lâu dài, chống xói mòn đất tốt hơn so với những diện tích rừng kinh doanh chu kỳ ngắn; nhất là ở các huyện vùng núi cao, tác dụng này càng rõ rệt.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Tương Dương tuần tra bảo vệ rừng; Cánh rừng săng lẻ tái sinh ở Xá Lượng, huyện  Tương Dương được bảo vệ tốt.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Tương Dương tuần tra bảo vệ rừng; Cánh rừng săng lẻ tái sinh ở Xá Lượng, huyện Tương Dương được bảo vệ tốt.

“Trồng rừng gỗ lớn giúp phát triển đa dạng sinh vật, đảm bảo môi trường xanh, lưu giữ và bổ sung chất dinh dưỡng, bảo vệ đất đai, nguồn nước, hạn chế ô nhiễm môi trường nông thôn, góp phần chống sạt lở, lũ ống lũ quét vào mùa mưa bão. Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân, các chủ rừng tiếp tục phát triển rừng cây gỗ lớn, hướng tới mục tiêu phát triển rừng bền vững, góp phần chống xói mòn và tạo “lá chắn xanh” trong phòng chống thiên tai”, ông Bạch Quốc Dũng cho hay.

Đến nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có khoảng trên 10.000 ha rừng gỗ lớn có vai trò quan trọng nhưng việc phát triển vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đệ – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: “Cùng với chứng chỉ FSC, phát triển chế biến, thì thâm canh nâng cao chất lượng và số lượng gỗ đạt tiêu chuẩn bằng việc phát triển diện tích rừng gỗ lớn là nội dung quan trọng, bắt buộc phải làm để có thể phát triển kinh tế rừng của Nghệ An. Hiện tỉnh ta đề ra mục tiêu, đến năm 2025, diện tích trồng rừng gỗ lớn, rừng trồng thâm canh sẽ chiếm 30% diện tích rừng trồng cả tỉnh”.

Xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững 2.886 ha rừng keo.
Xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững 2.886 ha rừng keo.

(Còn nữa)