Sống chung với biến đổi khí hậu – Bài 1: Giữ “sinh thái rừng” bằng phát triển cây dược liệu

Năm 2004 – 2005, Viện Dược liệu Bộ Y tế cùng với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế Nghệ An phối hợp các ngành liên quan điều tra cây thuốc trên địa bàn 10 huyện như Kỳ Sơn, Tương Dương, Thanh Chương, Con Cuông, Quế Phong… Qua đó, ghi nhận tại Nghệ An có tổng số 962 loài cây thuốc và nấm làm thuốc thuộc 635 chi, 183 họ của 5 ngành thực vật bậc cao có mạch và nấm. Nắm bắt được chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển dược liệu dưới tán rừng, Nghệ An đã xây dựng được nhiều mô hình tốt so với cả nước.

Đỉnh Puxailaileng có độ cao 2.720m so mực nước biển, đỉnh núi cao nhất phía Bắc Trường Sơn thuộc xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn. Nơi đây chứa bao điều bí ẩn của mẹ thiên nhiên với những rừng cây cổ thụ còn sót lại trên đỉnh núi quanh năm mây phủ. Cách đỉnh Puxailaileng khoảng 15km đường xe chạy, là Trạm Biên phòng Buộc Mú thuộc Đồn Biên phòng Na Ngoi, bên kia trạm là đất nước bạn Lào. Cạnh trạm biên phòng, mấy năm trước, những người trồng và ươm trồng dược liệu quý của tỉnh Nghệ An đã đặt chân đến, bám trụ để bắt đầu hành trình chinh phục Puxailaileng; “làm cho Puxailaileng lộng lẫy lên” như cách nói của bà Thái Hương – Chủ tịch Tập đoàn TH nổi tiếng.

Bà Thái Hương chia sẻ: “Bấm chân nhích từng mét một xuống từng lớp bùn trên con đường lên núi, đã biết bao lần tôi đến kiểm tra đôn đốc và nắm bắt tình hình trồng và phát triển dược liệu ở đây. Từ Hà Nội đi thẳng ô tô vào Nghệ An rồi lên Mường Lống, Na Ngoi của huyện Kỳ Sơn… Ngày đó từ Vinh đi cả ngày đường mới tới Na Ngoi vì đường sá vô cùng khó khăn. Đi mãi chỉ thấy mây, núi, nhưng rồi khi thấy anh em trong công ty say mê nghiên cứu, bám trụ, tâm huyết, khi thấy hàng chục ha dược liệu quý nở hoa, phát triển tốt dưới tán rừng, tôi vui mừng tìm được một lối đi mới cho miền Tây. Từ đó tôi không nản chí, động viên anh em ở lại, tiếp tục đầu tư, nhân lên nguồn kho báu này. Tôi mong ước từ những khu rừng dược liệu này, núi rừng sẽ nở hoa. Đó cũng là hướng đi thiết thực nhất của dược liệu dưới tán rừng – một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước hiện nay”.

Bà Thái Hương, Chủ tịch tập đoàn TH giới thiệu với đối tác vườn ươm dược liệu Mường Lống; Cây bảy lá một hoa một dược liệu quý được trồng ở Mường Lống; Chăm sóc vườn sâm Phu-xai-lai-leng tại Na Ngoi (Kỳ Sơn).
Bà Thái Hương, Chủ tịch tập đoàn TH giới thiệu với đối tác vườn ươm dược liệu Mường Lống; Cây bảy lá một hoa một dược liệu quý được trồng ở Mường Lống; Chăm sóc vườn sâm Phu-xai-lai-leng tại Na Ngoi (Kỳ Sơn).

Theo chân bà Thái Hương, chúng tôi được tới, chứng kiến những ha rừng dược liệu mở rộng dưới tán rừng; với sâm Puxalaileng, ba kích, chè hoa vàng, đẳng sâm, sâm bảy lá một hoa, sâm đương quy, tam thất bắc, giảo cổ lam, chùa dù, xá xị, cúc gai, bụp giấm, sâm bố chính, lan thạch hộc tía… Đặc biệt lan thạch hộc tía là dược liệu quý giá, theo ghi chép từng được Từ Hy Thái Hậu của Trung Hoa coi là “đầu bảng” trong danh sách dược liệu quý, đã được nhân lên hàng chục ngàn cây dưới tán rừng trên núi Puxailaileng.

Tháng 7 trời xứ Nghệ nắng gắt nhưng ở Na Ngoi, mưa nhỏ và mát lạnh, dược liệu ở đây sinh trưởng khỏe mạnh, bình yên hút khí trời tự nhiên và cho hoa lá không phải tưới chăm. 6h sáng, núi đồi Kỳ Sơn còn mù sương, chúng tôi đã được đánh thức bởi không khí làm việc khẩn trương của công nhân và người dân địa phương tới trại làm cỏ, cuốc đất, chăm sóc các loại dược liệu. Hàng chục công nhân là người Mông làm việc từ sáng sớm, họ cuốc đất trồng dược liệu. Ở những vườn dược liệu quý như cây bảy lá một hoa, sâm Puxailaileng, việc chăm sóc cần các kỹ sư có chuyên môn theo dõi tỉ mỉ để đảm bảo độ ẩm, không khí, ánh sáng và điều kiện dinh dưỡng phù hợp với tiết trời.

Ông Nguyễn Trọng Cảnh – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP dược liệu Mường Lống cho biết, tại xã Na Ngoi hiện đã trồng được trên 200.000 khóm lan thạch hộc tía với phương thức gắn trên các cây rừng trên diện tích rừng 13,0ha, hiện nay lan phát triển tốt, 5ha cây tam thất bắc, 1,3ha đẳng sâm, gần 1.000 cây chè hoa vàng được một năm tuổi dưới tán rừng thưa. Ngoài ra công ty còn triển khai trồng một số cây dược liệu quý như: Sâm Fuxailaileng 1.000 cây, lan kim tuyến 5.000 cây, sâm bảy lá một hoa 500m2, đương quy nhật 500m2,…

Công nhân chăm sóc cây dược liệu tại Mường Lống (Kỳ Sơn).
Công nhân chăm sóc cây dược liệu tại Mường Lống (Kỳ Sơn).

Công ty cũng trồng thử nghiệm một số cây như sâm ngọc linh bằng hạt và bằng củ giống,… Tại Mường Lống đã trồng 17,8 ha dổi, 2.000m2 tam thất bắc, 2ha giảo cổ lam, 3ha chè shan tuyết, 1ha đương quy Nhật, 1,2ha đẳng sâm, 0,5ha đan sâm, các loại tía tô, cúc hoa, chùa dù, nhân trần, nghệ đen, gừng đen, tam thất bắc, hà thủ ô đỏ, huyền sâm, sa nhân, lan thạch hộc… Công ty hiện đang trong quá trình xây dựng một khu bảo tồn trồng các loại cây dược liệu, đến nay đã trồng được trên 40 loại dược liệu khác.

Với một hướng đi đột phá, Tập đoàn TH có khát vọng đưa dược liệu Việt Nam có tên trên bản đồ thế giới. Doanh nhân Thái Hương tâm sự: “Với tôi làm kinh doanh phải mang lại “hạnh phúc đích thực”, tôi không chạy theo lợi nhuận mà luôn đặt trong lợi ích quốc gia, tiên phong bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Bước chân vào lĩnh vực dược liệu sau khi thành công với ngành sữa sạch với nhiều dự án ở Úc, Nga và trong nước, tôi tự tin khi ngành dược liệu Việt Nam rất có tiềm năng phát triển, nhất là tiềm năng dược liệu tự nhiên quý giá của Nghệ An. Làm dược liệu là hướng đi đưa miền Tây Nghệ An thoát nghèo, núi đồi nở hoa, bà con vùng biên có việc làm, có thu nhập, yêu rừng, bảo vệ rừng, đất nước có thêm những mô hình phát triển bền vững”.

Nấm Linh chi rừng tự nhiên ở Kỳ Sơn; Nhiều loại dược liệu đã được tinh chế thành tinh dầu; Kho dược liệu thành phẩm của tập đoàn TH ở Mường Lống.
Nấm Linh chi rừng tự nhiên ở Kỳ Sơn; Nhiều loại dược liệu đã được tinh chế thành tinh dầu; Kho dược liệu thành phẩm của tập đoàn TH ở Mường Lống.

Thực tế, ngay tại Mường Lống nhà máy chiết xuất chế biến đã được lập nên để sản xuất ra các loại thảo dược hoàn toàn từ thiên nhiên. Trà linh chi, trà hoa cúc – lạc tiên, trà gừng, trà sâm và các loại dược liệu, tinh dầu khác đã dần được chế biến và đưa đến người tiêu dùng. Sản phẩm của tập đoàn được chế biến theo tiêu chuẩn FDA của Mỹ là tiêu chuẩn cao nhất về an toàn sức khỏe. Sau khi có nhà máy chế biến, Tập đoàn TH đang xây dựng bệnh viện đa khoa 5 sao, trung tâm nghiên cứu bệnh ung thư thực hiện tư duy mới về chăm sóc sức khỏe. Tập đoàn phát triển ngành công nghiệp dược với các trụ cột bền vững, đảm bảo từ sản xuất đến tiêu dùng. Một mắt xích chặt chẽ từ sản xuất đến thị trường trong nước và quốc tế đã được hoạch định.

Năm 2013, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt dự án “Bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu chất lượng cao gắn với phát triển rừng bền vững tại tỉnh Nghệ An” nhằm xây dựng vùng sản xuất tập trung một số cây dược liệu trên đất của các Lâm trường, Tổng đội TNXP, hộ gia đình của 11 huyện, thị (15.450ha) để tạo nguyên liệu cho nhà máy chế biến với công suất 50.000 tấn dược liệu thô/năm. Hiện nay ngoài Tập đoàn TH, tại Nghệ An còn có Công ty dược liệu Pù Mát cũng đã xây dựng được thương hiệu thành công và đi lên từ dược liệu dưới tán rừng. Nguồn dược liệu quý hiếm của Pù Mát được ươm trồng và phát triển trong vùng đệm rừng Quốc gia Pù Mát – Khu dự trữ sinh quyển thiên nhiên lớn nhất Đông Nam Á. Các sản phẩm của Công ty dược liệu Pù Mát đều được sản xuất trên dây chuyền hiện đại với các dòng sản phẩm chính như cà gai leo, dây thìa canh, giảo cổ lam…

Vườn cây thìa canh và quy trình đóng gói trong túi giấy (túi lọc) của Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát.
Vườn cây thìa canh và quy trình đóng gói trong túi giấy (túi lọc) của Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát.

Đặc biệt Nghệ An cũng đã phê duyệt “Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh thực hiện từ năm 2014 đến 2020”, nhằm bảo tồn nguồn gen của các loài dược liệu quý, hiếm như trà hoa vàng, mú từn, đẳng sâm, ngũ gia bì gai, thổ phục linh, bình vôi đỏ, sâm Puxailaileng…

Ngày 3/4/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1187/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển tổng thể dược liệu tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo quy hoạch này, mục tiêu phấn đấu bảo tồn 38 loài cây thuốc với tổng diện tích 15ha tại 3 khu bảo tồn gồm: Liên Hợp (Quỳ Hợp), Hạnh Dịch (Quế Phong) và Mường Lống (Kỳ Sơn). Khai thác 17 loài, nhóm cây dược liệu tại 13 huyện, thị xã với sản lượng dự kiến hàng năm khoảng 900 tấn. Xây dựng vùng trồng dược liệu tập trung 14 loài, nhóm cây dược liệu với tổng diện tích 905ha tại 11 huyện, thị xã.

Người dân Quế Phong thu hái và chế biến chè hoa vàng.
Người dân Quế Phong thu hái và chế biến chè hoa vàng.

Quy hoạch này cũng đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để bảo tồn và phát triển dược liệu tỉnh Nghệ An. Đề án “Quy hoạch phát triển tổng thể dược liệu của tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được xem là một bức tranh toàn cảnh về phát triển dược liệu trên địa bàn Nghệ An, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, của vùng và quy hoạch của các ngành, lĩnh vực trong tỉnh và phù hợp với định hướng phát triển của Trung ương. Từ quy hoạch này cùng với sự hỗ trợ của địa phương, sự nhanh nhạy và quyết tâm của các tập đoàn lớn, công ty, hứa hẹn Nghệ An là điểm sáng trong cả nước về dược liệu dưới tán rừng, góp phần bảo vệ rừng, sống dựa vào rừng làm cho rừng giàu có.

Mới đây, tại huyện Tương Dương, dự án “Hỗ trợ cộng đồng các xã vùng đệm phát triển cây dược liệu dưới tán rừng nhằm tăng thu nhập và bảo tồn đa dạng sinh học ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới Tây Nghệ An” với tổng kinh phí hỗ trợ lên đến 5 tỷ đồng đã được khởi động. Đây cũng là dự án nằm trong khuôn khổ chương trình “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam” do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Chương trình phát triển Liên hợp quốc.

(Còn nữa)

Con đường nối thị trấn Kim Sơn vào các xã Tây Nam huyện Quế Phong. Ảnh: Sách Nguyễn
Con đường nối thị trấn Kim Sơn vào các xã Tây Nam huyện Quế Phong. Ảnh: Sách Nguyễn