Xã Khánh Hợp (Nghi Lộc) được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ 3,80 km2 diện tích tự nhiên, 3.900 người của xã Nghi Hợp và toàn bộ 4,11 km2 diện tích tự nhiên và 5.200 người của xã Nghi Khánh; như thế, sau khi thành lập, xã Khánh Hợp có 7,91 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 9.100 người. Việc sáp nhập xã sẽ tạo điều kiện để tập trung nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội, hình thành nguồn quỹ đất dồi dào để thu hút đầu tư, giúp nhân dân tích tụ ruộng đất. Trước khi sáp nhập, hai xã Nghi Khánh và Nghi Hợp có trường THCS chung, hết năm học 2019 – 2020 xã thực hiện sáp nhập trường mầm non và tiểu học; hai xã cũng đều đã đạt chuẩn nông thôn mới, vì vậy hiện xã Khánh Hợp đang tập trung các nguồn lực để xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Chủ tịch UBND xã Khánh Hợp – đồng chí Nguyễn Thành Tích cho rằng, sáp nhập là cơ hội để địa phương đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao, giải quyết việc làm tại chỗ, tạo điều kiện tốt hơn để chăm lo, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, an sinh xã hội cho người dân. Trong định hướng phát triển, xã sẽ tổ chức quy hoạch lại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời sau sáp nhập xã Khánh Hợp gần thị xã Cửa Lò, phát huy địa bàn của xã ven đô thị, địa phương xác định hướng phát triển kinh tế chủ lực của xã là đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ.
Xã mới Long Xá (Hưng Nguyên) sáp nhập từ 2 xã Hưng Xá với Hưng Long; sau sáp nhập, trụ sở chính của xã mới được đặt tại trụ sở xã Hưng Long cũ, còn trụ sở xã Hưng Xá cũ tạm thời một số tổ chức đoàn thể và hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp sử dụng. Bí thư Đảng ủy xã Long Xá – đồng chí Lê Xuân Quế cho biết: “Sau sáp nhập diện tích, dân số xã mới đều tăng, vì vậy thuận lợi hơn trong việc huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội. Về cơ sở vật chất, do chưa có trường THCS, xã đang có chủ trương sử dụng trụ sở cũ của xã Hưng Xá làm Trường THCS Long Xá để con em trên địa bàn không phải đi học các địa phương khác (hiện tại học sinh THCS của xã Long Xá một phần đang học tại xã Xuân Lam và một số học tại xã Hưng Lĩnh). Cùng đó, xã sẽ quy hoạch lại các vị trí nhà văn hóa xóm tại các địa điểm trung tâm xóm để người dân có điều kiện tham gia các hoạt động cộng đồng, cũng như tiện lợi cho việc triển khai các chủ trương, chính sách đến với nhân dân”.
Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên – đồng chí Hoàng Văn Phi đánh giá: Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, không gian phát triển kinh tế không bị chia cắt, nhỏ lẻ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để huyện xây dựng định hướng phát triển kinh tế – xã hội tầm vĩ mô cũng như quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng giai đoạn 2020 – 2025 và các giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, hạn chế việc phân tán các nguồn lực của huyện và của tỉnh trong đầu tư cho phát triển kinh tế – xã hội…
Xã Diễn Minh (Diễn Châu) có diện tích tự nhiên 4,41 km2; dân số 2.700 người, so với quy định thì cả hai tiêu chí diện tích và dân số của xã chưa đạt 50%. Diện tích nhỏ, dân số ít đã cản trở sự phát triển của Diễn Minh cũng như làm phân tán nguồn lực đầu tư của huyện Diễn Châu. Sau khi sáp nhập 3 xã: Diễn Bình, Diễn Minh, Diễn Thắng thành 1, xã mới Minh Châu có diện tích 17,15 km2, dân số 11.600 người.
“Sau sáp nhập xã, người dân xã Minh Châu rất vui mừng, phấn khởi. Bởi trước đây diện tích nhỏ, dân số ít, việc huy động các nguồn lực để xây dựng gặp rất khó khăn. Hơn nữa đây là vùng chiêm trũng của huyện Diễn Châu chuyên sản xuất lúa. Sáp nhập vào các xã lại với nhau, sẽ quy hoạch lại diện tích sản xuất theo vùng, người dân dễ hình thành các mô hình kinh tế cũng như đầu tư thêm nhiều tuyến đường giao thông trong xóm, xã; giao thông thủy lợi nội đồng, hình thành các mô hình kinh tế để giúp bà con đi lại, sản xuất thuận tiện, nâng cao đời sống cho bà con” – anh Nguyễn Văn Hà, người dân xã Minh Châu phấn khởi chia sẻ.
Theo Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn – đồng chí Nguyễn Văn Quế, để phát huy hiệu quả sau sáp nhập các xã, hiện nay huyện Nam Đàn đang tiếp tục rà soát, đánh giá việc thực hiện các đề án, kế hoạch, mục tiêu của các xã Thượng Tân Lộc, Trung Phúc Cường và thị trấn Nam Đàn mới đã được xây dựng và ban hành trước đây để hợp nhất, điều chỉnh, bổ sung thành chương trình, kế hoạch thực hiện của các xã mới.
Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết, hiện tất cả các xã ở huyện Nam Đàn đều đã hoàn thành chương trình nông thôn mới. Sau khi được sáp nhập, các xã mới sẽ tập trung mọi nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Trong đó, ưu tiên huy động mọi nguồn lực để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, các công trình đầu tư phục vụ an sinh xã hội, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, vệ sinh môi trường… đảm bảo nâng chất các tiêu chí để xã, huyện Nam Đàn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đối với việc sử dụng cơ sở vật chất, huyện xin chủ trương của Sở Tài chính thực hiện quy định về sử dụng tài sản công để các xã có thêm nguồn lực để phát triển của các địa phương sau này.
Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã có quy mô nhỏ (dưới 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định của Nghị quyết 1211/NQ-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) là chủ trương lớn, đúng đắn, phù hợp thực tế khách quan, xuất phát từ yêu cầu cấp bách của cuộc sống. Sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã có quy mô nhỏ thành quy mô lớn hơn sẽ tạo điều kiện tập trung được các nguồn lực về đất đai, dân số, mở rộng không gian để quy hoạch, tập trung mở rộng sản xuất, phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; đầu tư cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi được tập trung hơn, tránh việc đầu tư xây dựng dàn trải; góp phần tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân tốt hơn; tinh giản biên chế, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở; giảm chi ngân sách thường xuyên, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Đích đến của việc sắp xếp, sáp nhập là phải tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả như mục tiêu mà Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đặt ra.
Thực tế cho thấy, những địa phương thuộc diện sáp nhập có quy mô quá nhỏ, không gian phát triển bị chia cắt, nguồn lực bị phân tán, manh mún. Việc chia tách nhiều đơn vị hành chính, tạo bộ máy công quyền cồng kềnh, làm phát sinh về tổ chức bộ máy, biên chế, chi tiêu, mua sắm trang thiết bị, trụ sở, chi thường xuyên, kinh phí duy trì hoạt động của bộ máy hệ thống chính trị ở địa phương tăng, tạo áp lực cân đối chi tiêu ngân sách nhà nước… khiến cho việc huy động các nguồn lực đầu tư gặp nhiều khó khăn. Đối với Nghệ An, các xã thuộc diện sáp nhập lần này cơ bản là các xã được chia tách từ những năm trước đây.
Đồng chí Lê Quốc Khánh – Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước; bảo đảm hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng – an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Ở Nghệ An, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã thực sự đi vào cuộc sống, được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đón nhận, góp phần hoàn thành sớm tiến độ sáp nhập giai đoạn 1.