Sáng tạo để có nhiều niềm vui, nhân lên ý nghĩa và giá trị cuộc sống

P.V: Thưa NSND Thu Hà, múa đối với chị là bản năng hay là sự lựa chọn? 

NSND Thu Hà: Tôi sinh ra ở Hà Nội nhưng quê gốc của tôi ở xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Sinh ra trong một gia đình cách mạng có ông nội là Nguyễn Tất Thắng, đảng viên 1930 – 1931. Có lẽ vì sinh ra trong một gia đình truyền thống như thế, nên từ nhỏ tôi đã được giáo dục phải phấn đấu để được cống hiến trong môi trường quân đội, phục vụ Đảng, phụng sự Nhân dân…

NSND Thu Hà
NSND Thu Hà

Và bất ngờ với gia đình, là từ nhỏ tôi thích được thể hiện năng khiếu hát, múa trước mặt đông người, dù gia đình không có ai theo nghệ thuật. Năm 1987, lúc 14 tuổi được tuyển vào Trường Văn hóa Nghệ thuật quân đội trong sự háo hức bỡ ngỡ xen lẫn sợ hãi, mặc cảm của một đứa trẻ quê gốc tỉnh lẻ. Đã thế, tôi lại nhỏ con yếu ớt nên luôn tự nhủ với bản thân phải cố gắng bằng hai, bằng ba bạn bè đồng trang lứa. Cứ thế, tôi trưởng thành bằng bản lĩnh, sự nỗ lực hơn là những năng khiếu thiên bẩm.

Thời gian cứ trôi đi và đến lúc tôi có được sự chững chạc trong nghề để về đầu quân cho Đoàn nghệ thuật Quân khu 4. Thời điểm đó tôi không tự cho mình là người múa giỏi nhưng tôi đắm đuối với nghề và xem nó là lẽ sống. Vì thế tôi luôn nhận được sự tin tưởng và kỳ vọng của lãnh đạo và các anh chị em đồng nghiệp. Và những thành công trong chặng đường này chính là nấc thang quý báu cho con đường tương lai sau này của tôi.

P.V: Với chị, sự rẽ hướng làm biên đạo múa có phải là một cơ duyên hay là mong muốn được ở lâu với nghề của một diễn viên múa xuất sắc?

NSND Thu Hà được vinh danh tại lễ trao Giải thưởng Nhà nước cho những cống hiến xuất sắc.
NSND Thu Hà được vinh danh tại lễ trao Giải thưởng Nhà nước cho những cống hiến xuất sắc.

NSND Thu Hà: Là cơ duyên cũng đúng mà là sự lựa chọn có chủ ý cũng đúng. Là bởi, từ khi bước chân vào làm diễn viên múa cho đến khi tôi quyết định đi học biên đạo bao giờ tôi cũng nghĩ tôi sẽ chọn con đường này cho đến cuối đời. Nếu một người diễn viên yêu múa mà chỉ đơn thuần chọn là diễn viên để được hóa thân trên sân khấu với khả năng và sự tôi luyện, thì có tuổi nghề không dài. Thường sau 35 tuổi diễn viên múa nữ đã phải nhường sân cho các em trẻ, và nhiều diễn viên tâm đắc sẽ trụ lại với nghề bằng công tác biên đạo, nếu không thì phải giải nghệ. Nhưng tôi vì quá đam mê, quá dấn thân với múa nên tôi nghĩ rằng, vai trò biên đạo không thôi chưa đủ, tôi phải tìm cách nào cho bộ môn múa bay xa, bay cao và lan toả nó trên nhiều diễn đàn, nhiều không gian. Vì thế sáng tạo các tác phẩm múa với tôi là sáng tạo cả âm nhạc, cảnh trí và chưng cất nó từ những giá trị thơ ca và văn hóa dân tộc từ ngàn đời của cha ông. Tôi luôn tâm huyết, trăn trở, tìm tòi bứt phá trong sáng tạo nghệ thuật để đi tìm cái đẹp, cái tinh tuý của văn hóa dân tộc và đời sống đương đại.

Và bằng sự học hỏi của mình, nhiều tác phẩm múa ra đời bằng cả mồ hôi nước mắt… Ngay từ những ngày đầu mới làm biên đạo, tôi đã có những tác phẩm được đánh giá cao như: “Tình quê” giải Nhì tài năng biên đạo toàn quốc năm 2001; “Người mẹ Vân Kiều”, Huy chương Vàng hội diễn toàn quân năm 2006; hay như “Người mẹ vá cờ”, “Sắc màu thổ cẩm”… đã để lại dấu ấn trong lòng khán giả và người yêu múa.

NSND Thu Hà làm giám khảo một chương trình.
NSND Thu Hà làm giám khảo một chương trình.

P.V: Tốt nghiệp xuất sắc ngành biên đạo múa và có những thành công ngay khi mới vào nghề, nhắc đến Thu Hà người ta nhắc đến một nghệ sĩ biên đạo tài năng, tâm huyết đến cháy lòng và nghiêm khắc với cả bản thân lẫn những ekip làm việc. Trong sáng tác của mình, chị thường coi trọng yếu tố nào nhất?

NSND Thu Hà: Trong sáng tác, tôi luôn tìm những cái mới và tìm những đề tài từ thơ ca, văn học, những tác phẩm dân ca dân gian, như tác phẩm múa “Đẻ đất đẻ nước” tôi lấy từ tứ thơ của nhà thơ Vương Anh, “Đồng chí” tôi lẩy ý tứ từ bài “Đồng chí ” của Chính Hữu, “Tiểu đội xe không kính” từ tứ thơ của Phạm Tiến Duật, “Thập ân phụ mẫu” từ bài dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh… Nhiều người hỏi tôi lấy ý tứ trong thơ ca, sử thi thành một tác phẩm ngôn ngữ hình thể liệu người xem có thấy được hồn thơ, tình yêu, tình người và tinh thần dân tộc trong đó không? Xin thưa là tuy cách biểu đạt khác nhau, nhưng khi cách điệu thành múa, thành ngôn ngữ biểu cảm bằng hình thể, người biên đạo phải kể được câu chuyện của bài thơ, bài hát mà họ “vin vào”. Có nghĩa rằng, trong mỗi động tác, lớp diễn đều phải thể hiện cho người xem hiểu được diễn viên đang diễn điều gì, trường đoạn ấy kể câu chuyện gì. Điều này nói khó cũng đúng, bởi nó đòi hỏi người nghệ sĩ phải sáng tạo làm sao để âm nhạc, cảnh trí, trang phục và biểu cảm hình thể của diễn viên thật sự hoà quyện.

Các tác phẩm mà tôi đã nêu trên đều đạt Huy chương Vàng, Huy chương Bạc trong các hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân, toàn quốc. Các tác phẩm này luôn giữ vững hai yếu tố dân tộc và hiện đại. Dân tộc để gìn giữ bảo tồn và phát huy truyền thống, không đánh mất bản ngã. Hiện đại để phù hợp với nhịp sống hơi thở mới, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của thời đại.

Nhiều chương trình lớn do NDND Thu Hà dàn dựng gây được tiếng vang.
Nhiều chương trình lớn do NDND Thu Hà dàn dựng gây được tiếng vang.

Tôi cũng luôn nghĩ rằng, mỗi tác phẩm phải là sự hiện diện của chính tác giả, xem một tác phẩm múa chưa cần giới thiệu người ta đã biết người “đẻ” ra nó là ai. Tôi cũng nhận thấy, để sáng tạo nên những cái mới, cái chưa ai chạm tới và vươn tới đỉnh cao của nghệ thuật chân chính, người biên đạo không những phải có tài mà còn phải có cái tâm, có tình yêu mãnh liệt với cuộc sống. Có như vậy tác phẩm làm ra mới lan tỏa được thông điệp sâu sắc tới mọi khán giả, tới đời sống nhiều biến động ngày hôm nay.

P.V: Với chùm tác phẩm được trao tặng Giải thưởng Nhà nước, chị có thể chia sẻ về cảm xúc của mình?

NSND Thu Hà: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật là những phần thưởng cao quý dành cho những tác phẩm đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao về văn học, nghệ thuật. Tôi vô cùng vinh dự và tự hào khi nhận được giải thưởng này, nhưng nói là bất ngờ thì tôi nghĩ là không, bởi các tác phẩm mà tôi đề xuất vào hồ sơ xét tặng tôi đều rất tâm huyết và đã nhận được những đánh giá cao của giới chuyên môn và công chúng cả nước. Đó là cụm tác phẩm thơ múa “Huyền thoại đẻ đất đẻ nước”; tiết mục múa “Người mẹ Vân Kiều”, “Tiểu đội xe không kính” , “Huyền thoại một dòng sông”. Các tác phẩm này đều đã đạt Huy chương Vàng hoặc giải A ở các liên hoan ca múa nhạc toàn quân, toàn quốc.

P.V: Nhiều đồng nghiệp của chị chia sẻ rằng, Thu Hà là “Nữ tướng sân cỏ”, bởi mỗi chương trình lễ hội quy mô lớn ở nhiều địa phương trong cả nước chị đều xuất hiện với vai trò là Tổng đạo diễn, hoặc Phó Tổng đạo diễn điều hành vài nghìn diễn viên và để lại dấu ấn, thương hiệu riêng. Tiêu biểu như Sea Games và Para Games; các năm du lịch của Nghệ An, Thái Nguyên, Thái Bình; Festival hoa Đà Lạt; chương trình pháo hoa quốc tế Đà Nẵng; chương trình cồng chiêng quốc tế Tây Nguyên… và mới đây nhất là kỷ niệm 60 năm thành lập thành phố Vinh, 235 năm Phượng Hoàng Trung Đô đều mang đến cảm giác mãn nhãn, hoành tráng.

Tiết mục
Tiết mục "Sắc màu thổ cầm" của NSND Thu Hà được Huy chương Vàng toàn quân.

Chị cho biết, cái khó của vai “nữ tướng” khi điều hành những chương trình lớn?

NSND Thu Hà: Như bạn biết đấy, ngoài vai trò là Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật thực hành của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội, tôi đã tích cực phát huy vai trò của đơn vị nghệ thuật biểu diễn. Tôi đã cùng tập thể cán bộ, diễn viên, học viên tham gia dàn dựng biểu diễn nhiều chương trình lớn phục vụ đất nước. Ban đầu tôi chỉ tham gia với vai trò là Phó Tổng đạo diễn, sau thì nhiều địa phương và tổ chức mời tôi làm tổng đạo diễn vì sự tin tưởng và kỳ vọng nhiều hơn. Công việc này đến với tôi cũng là một cái duyên, khi mình cứ trưởng thành từ những chương trình nhỏ, người ta thấy chất lượng và đủ tầm sẽ mời và giao cái lớn hơn, quy mô và tính chất quan trọng hơn.

Nói là khó khi điều hành một chương trình lớn thì rõ rồi, nhưng tôi làm theo kế hoạch, kịch bản mà mình đã vạch ra, từng bước từng bước, thế rồi việc gì khó cũng hoàn thành. Tôi còn nhớ những chương trình quy mô lớn như Seagame, để có được nét tinh tế, và tinh thần dân tộc đồng thời toát lên được sự hiện đại phóng khoáng, người biên đạo cũng rất mệt khi bao quát nhưng phải tỉ mỉ để tránh những chi tiết sai sót không đáng có. Hay như chương trình cồng chiêng quốc tế Tây Nguyên, Festival hoa Đà Lạt, Lễ hội Cội nguồn Lào Cai – Yên Bái – Phú Thọ tôi đều dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu lịch sử, chất văn hóa và tập quán của đồng bào, cả những chi tiết nhỏ trong mỗi điệu múa và câu dân ca của họ đều được tôi nâng niu, chắt lọc để đưa vào tác phẩm lớn, chương trình lớn của mình.

"Thập ân phụ mẫu" là tiết mục lẩy ý tứ từ dân ca Nghệ Tĩnh.

P.V: Ngoài vai trò biên đạo, đạo diễn, giảng dạy môn Biên đạo múa dân gian dân tộc tại Học viện Múa Việt Nam, chị còn tích cực nghiên cứu khoa học. Là chủ nhiệm đề tài “Bản sắc văn hóa trong nghệ thuật trình diễn lễ hội hiện đại”; “Những nét đẹp bản sắc văn hóa và lễ hội Việt Nam hôm nay”, “Vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa”, hay văn hóa truyền thống trong lễ trưởng thành của người Dao Thanh Y, Hoành Bồ, Quảng Ninh”… Động lực nào để chị có thể hoàn thành nhiều công việc đến thế?

NSND Thu Hà: Nhiều lúc tôi ước mỗi ngày có hơn 24h, và tôi có thật nhiều sức khoẻ để làm việc. Nói là tôi tham việc cũng đúng, nhưng lao động đặc biệt là lao động nghệ thuật và nghiên cứu văn hóa dân gian dân tộc luôn cho tôi sự hứng thú và nguồn năng lượng lớn. Không hiểu sao càng làm, càng đi, tôi càng thấy mình còn cần phải hoàn thiện hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, và lúc nào tôi cũng thấy thiếu thời gian. Thế nhưng khi bắt tay vào một dự án mới, tôi không bao giờ để mình bị “cháy giáo án” bởi kế hoạch làm việc đã đề ra thì tôi luôn tuân thủ và hoàn thành tốt nhất trong sự kỷ luật của bản thân. Thế rồi công việc cứ gối đầu nhau mà hoàn thành, càng bận tôi càng thấy mình có nhiều niềm vui, cuộc sống có thêm nhiều ý nghĩa và giá trị mới.

P.V: Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!