Chắt chiu từng ngàn đồng, hàng trăm hộ nông dân xã Quỳnh Tân (Quỳnh Lưu) gửi vào quỹ hỗ trợ nông dân xã với mong muốn có ít tiền lãi, phòng thân về già. Tuy nhiên, nhiều năm nay hàng chục hộ không thể rút tiền gốc, lãi và đang đứng trước nguy cơ mất trắng số tiền này.
Hơn 1 năm nay, gia đình ông Hồ Sỹ Lâm (64 tuổi, trú xóm 11, xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu) sống chật vật với nguồn thu nhập ít ỏi bằng việc bán mớ rau, con gà trong nhà. Khi có việc lớn, ông không biết xoay sở đâu ra tiền để trang trải bởi gần 100 triệu đồng ông gửi tiết kiệm tại Quỹ Hỗ trợ nông dân xã Quỳnh Tân không biết khi nào rút ra được.
“Bắt đầu từ năm 2010, tiền bán nhung hươu, bán lúa trong nhà tôi đều gửi tiết kiệm tại Quỹ Hỗ trợ nông dân xã Quỳnh Tân với mong muốn có đôi đồng lãi chi tiêu hàng tháng. Nhưng từ tháng 7/2018 đến nay, tiền lãi tôi cũng không nhận được và khi lên xin được rút tiền gốc thì cũng không được rút”, ông Lâm nói và cho biết thêm, con trai ông là anh Hồ Sỹ Sơn cũng gửi 42 triệu đồng trong quỹ nhưng cũng không thể rút ra.
Người đàn ông nhỏ nhắn, da ngăm đen, dáng người khắc khổ lật từng trang trong sổ gửi tiền ra rồi nói tiếp, nguyện vọng của ông lúc này là mong lấy lại được số tiền gốc đã gửi trong quỹ hỗ trợ nông dân xã. 3 năm trước, con trai của ông cưới vợ, ông lên quỹ xin rút số tiền đã gửi thì nhận được câu trả lời là quỹ hiện không có tiền. Lủi thủi trở về, ông đành bán 2 con hươu, vay mượn thêm của anh em để có tiền làm đám cưới cho con. Mới đây, vợ ông mắt kém, bác sỹ chỉ định phải mổ gấp nếu không sẽ ảnh hưởng thị lực. Ông lại lần nữa lên quỹ xin rút tiền nhưng câu trả lời không khác với 3 năm trước. Hôm đó, ông phải chạy vạy khắp nơi, vay mượn được 9 triệu đồng để đưa vợ vào bệnh viện mổ mắt.
Ở xóm 11 của ông Lâm hiện có 14 hộ cũng đang vướng vào tình thế dở khóc, dở cười như ông. Và đặc biệt, hộ nào cũng nghèo, cũng phải chật vật, làm lụng vất vả, gom góp được ít tiền mong khi về già có ít tiền phòng thân. Cách nhà ông Lâm vài chục mét là nhà bà Lê Thị Lan (70 tuổi). Chồng bà Lan là công nhân về hưu, lương hàng tháng ngót nghét 3 triệu đồng. 2 vợ chồng già sống tằn tiện, sau khi trừ tiền sinh hoạt hàng tháng, tiền ma chay, cưới hỏi, số còn lại ông bà dành dụm gửi vào Quỹ Hỗ trợ nông dân xã Quỳnh Tân để phòng khi ốm đau. Thế nhưng mới đây, bà Lan phải đi bệnh viện mổ u xơ tuyến vú, ông lên quỹ xin rút nhưng không được. “Hiện tôi còn trong quỹ 15 triệu đồng nhưng không biết khi nào rút được. Lên nhiều lần thì họ cứ khất lần, khất lượt nên tui cũng mỏi mệt”, bà Lan nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Quỹ hỗ trợ nông dân xã Quỳnh Tân được UBND xã thành lập theo Quyết định số 18/QĐ/UB ngày 15/5/2004 với mục đích cho nông dân vay vốn để xóa đói, giảm nghèo. Tính đến 30/9/2017, tổng số tiền người dân gửi vào Quỹ Hỗ trợ nông dân là 4.994.209.000 đồng/198 hộ. Tổng tiền vay 4.899.037.000 đồng/256 hộ. Cân đối còn dư tại quỹ 95.172.000 đồng; dư quỹ rủi ro, khen thưởng, mua sắm 197.762.000 đồng, tổng dư tại quỹ chỉ còn 292.934.500 đồng. Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn xã Quỳnh Tân vẫn còn 69 người dân gửi tiền vào Quỹ Hỗ trợ nông dân xã với số tiền hơn 2,1 tỷ đồng nhưng chưa thể rút ra. Điều họ lo lắng là hiện nay, quỹ đã ngừng hoạt động và sắp tới sẽ giải thể theo Điều lệ Quỹ Hỗ trợ nông dân Việt Nam và theo hướng dẫn của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, và số tiền họ gửi vào liệu có lấy lại được?
Những lo lắng của hàng chục người dân là có cơ sở khi mới đây, những sai phạm nghiêm trọng tại Quỹ Hỗ trợ nông dân xã Quỳnh Tân đã được phát hiện. Tháng 3/2018, sau khi nhận được công văn của UBND tỉnh về việc giải quyết đơn tố cáo của công dân, Hội Nông dân tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra, xác minh. Sau quá trình làm việc, Hội Nông dân tỉnh có Kết luận số 06 về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Quản lý Quỹ Hỗ trợ nông dân xã Quỳnh Tân giai đoạn 2008 – 2017.
Giai đoạn từ năm 2008 – 2010, khi ông Hồ Minh Mậu (hiện là Chủ tịch UBND xã Quỳnh Tân) làm Chủ tịch Hội Nông dân xã Quỳnh Tân, kiêm Trưởng Ban quản lý Quỹ Hỗ trợ nông dân đã làm trái quy định trong việc huy động và cho vay vốn.
Cụ thể, Ban quản lý quỹ đã xét cho vay không đảm bảo đúng quy trình theo quy định, hướng dẫn như không tổ chức họp để bình xét đề nghị hộ được vay, không họp BCH Hội Nông dân xã để xét quyết định cho vay theo quy định, trong đó có nhiều hộ vay nhiều lần và số tiền vay vượt quá mức quy định. Điển hình như Ban quản lý quỹ đã cho ông Hồ Bá Uyên (Chi hội 5) được vay hàng chục lượt với số tiền gần 500 triệu đồng, trong đó có nhiều phiếu không có chữ ký người nhận tiền, chữ ký người lập phiếu, chữ ký kế toán, không có chữ ký trưởng ban và nhiều phiếu người đứng tên vay là khống.
Ngoài ra, Ban quản lý quỹ còn hợp thức hóa lập danh sách 7 hộ vay tiền Quỹ Hỗ trợ nông dân xã hơn 405 triệu đồng cho ông Uyên mà không có hồ sơ vay tiền tại quỹ. Huy động vốn trái quy định bằng hợp đồng vay 71 chỉ vàng, làm thâm hụt gần 34 triệu đồng… Bên cạnh đó, quỹ này còn lập hồ sơ cho vay và quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm, vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính. Huy động vốn vào quỹ hỗ trợ nông dân bằng hình thức gửi tiền tiết kiệm là trái với quy định. Ban quản lý quỹ còn thu phí đối với các hộ vay vượt quá mức quy định, hướng dẫn của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Tài chính. Trong quá trình cho vay không kiểm tra hộ vay vốn chặt chẽ dẫn đến nợ quá hạn và khó đòi với số tiền hơn 782 triệu đồng.
Còn trong giai đoạn 2010 – 2017, lúc đó bà Nguyễn Thị Hà – Chủ tịch Hội Nông dân xã, Trưởng Ban quản lý Quỹ Hỗ trợ nông dân xã khi nhận bàn giao từ Ban quản lý quỹ giai đoạn 2008 – 2010 đã phát hiện những vi phạm, khuyết điểm trong quản lý, điều hành nhưng không báo cáo với Đảng ủy, UBND xã và Hội cấp trên để chỉ đạo giải quyết và khắc phục kịp thời.
Năm 2014, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện Quỳnh Lưu có thông báo về việc ngừng hoạt động và đi đến triệt tiêu quỹ này theo Điều lệ Qũy Hỗ trợ nông dân Việt Nam và các hướng dẫn của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhưng Hội Nông dân, Ban quản lý Quỹ Hỗ trợ nông dân xã không báo cáo với Đảng ủy, UBND xã để chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc mà vẫn tiếp tục duy trì và huy động vốn, cho vay vốn sai quy định. Bà Nguyễn Thị Hà đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành nhiệm vụ khi với tư cách là Chủ tịch Hội Nông dân xã, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ nông dân xã đã tự lập hồ sơ cho 5 hộ vay với số tiền 150 triệu đồng.
Theo Hội Nông dân tỉnh, việc làm của Ban quản lý Quỹ Hỗ trợ nông dân xã và cá nhân bà Nguyễn Thị Hà là thiếu công bằng, gây ra thắc mắc, dư luận không tốt trong nhân dân khi có hộ khác muốn vay nhưng lại không được vay. Ban quản lý quỹ giai đoạn này còn để dư nợ quá hạn là hơn 1,287 tỷ đồng, nợ khó đòi là hơn 817 triệu đồng. Đồng thời, không kịp thời trong việc trả tiền cho các hộ gửi tiền vào quỹ khi có nhu cầu rút tiền. “Những vi phạm khuyết điểm trên của Ban quản lý Quỹ Hỗ trợ nông dân xã Quỳnh Tân từ 2008 – 2017 đã gây ra dư luận không tốt trong cán bộ, Hội Nông dân và gây hoang mang cho một số người có tiền gửi vào quỹ, nay có nhu cầu rút tiền mà quỹ chưa có tiền trả; làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng ủy, UBND xã, Hội Nông dân và Quỹ Hỗ trợ nông dân xã”, Hội Nông dân tỉnh đánh giá.
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An kết luận, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện Quỳnh Lưu, Đảng ủy, UBND xã Quỳnh Tân thiếu quan tâm chỉ đạo, kiểm tra hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân xã, để quỹ hoạt động trong một thời gian dài có nhiều vi phạm, khuyết điểm nhưng không phát hiện được để chỉ đạo khắc phục kịp thời, nhất là khi có quy định không còn Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp xã nhưng vẫn để quỹ này hoạt động là sai quy định.