‘Lỗ hổng’ dưới chân núi Phá Cụm

Ở huyện Quỳ Hợp, thời gian này, người ta đang nói nhiều về phương cách Công an tỉnh thực hiện chuyên án, bắt quả tang vụ khai thác trái phép khoáng sản đá hoa trắng trên núi Phá Cụm và bắt tạm giam “ông trùm” Trần Văn Bảy.

Theo thông tin đã được Công an tỉnh công bố, vào hồi 15h ngày 13/7, dưới sự chỉ đạo trực  tiếp của Giám đốc Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát Kinh tế phối hợp với Phòng Cảnh sát cơ động đã kiểm tra, phát hiện, bắt quả tang 23 đối tượng đang có hành vi sử dụng các phương tiện máy móc khai thác đá trái phép tại khu vực núi Phá Cụm, xóm Kèn, xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp. Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng tạm giữ 5 máy xúc đào, 1 ô tô tải, 6 máy cắt đá (loại máy cắt dây), 2 máy làm hơi, 2 máy khoan đứng, 2 thùng đựng dầu phục vụ cho hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Đồng thời, xác định đối tượng Trần Văn Bảy (SN 1970, trú tại xóm Minh Xuân, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp) là người tổ chức việc khai thác khoáng sản trái phép tại địa điểm này. Số khoáng sản đá hoa trắng các loại bị khai thác trái phép có khối lượng 1.200 m³.

Sau khi củng cố hồ sơ, tài liệu chứng cứ, xác định các đối tượng thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” quy định tại Điều 227, Bộ luật Hình sự, ngày 16/7, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối tượng Trần Văn Bảy; ngày 21/7, tiến hành tạm giữ hình sự đối tượng Đào Xuân Dương (SN 1986), trú tại xã Tam Hợp, Quỳ Hợp để phục vụ công tác điều tra.

Thực tế, tại mỏ đá trên núi Phá Cụm từ nhiều năm trước đã là điểm nóng, thường xảy ra các vụ việc khai thác khoáng sản trái phép. Vì vậy, đã có thời kỳ lãnh đạo địa phương xã Châu Lộc phải nhận hình thức kỷ luật. Sau ngày Công an tỉnh bắt quả tang vụ khai thác trái phép khoáng sản đá trắng, UBND huyện Quỳ Hợp có văn bản chỉ đạo Chủ tịch UBND xã Châu Lộc báo cáo giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực  khoáng sản. Theo báo cáo giải trình ngày 19/7/2021 của Chủ tịch UBND xã Châu Lộc, ông Vi Văn Hùng, chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 3/2020 đến tháng 6/2021, trên mỏ đá núi Phá Cụm cũng tiếp diễn tình trạng khai thác khoáng sản trái  phép.

Cụ thể, ngày 26/3/2020, UBND xã Châu Lộc kiểm tra, phát hiện ông Uông Bí Lâm (thường trú tại xóm Trường Tĩnh, xã Xuân Trường, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) khai thác khoáng sản trái phép; UBND xã Châu Lộc đã lập biên bản vi phạm và quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Uông Bí Lâm vì hành vi khai thác khoáng sản trái phép, phạt tiền 4.000.000 đồng. Ngày 11/6/2020, tổ hợp của ông Uông Lý Lâm trong khi đang đưa máy móc lên núi (gồm 1 máy xúc, 1 máy cắt dây) bị UBND xã Châu Lộc phát hiện, lập biên bản, yêu cầu rút toàn bộ máy móc ra khỏi khu vực mỏ. Ngày 25/8/2020, nhận được tin báo có tổ hợp đang khai thác trên núi Phá Cụm, UBND xã Châu Lộc thành lập đoàn kiểm tra lên núi xác minh. Tuy nhiên, do đường lên bị chặn bởi “một cổng sắt khóa cửa” nên việc xác minh không thực hiện được.

Đến ngày 25/3/2021, UBND xã Châu Lộc tổ chức kiểm tra, lại phát hiện tổ hợp 5 công nhân do ông Uông Bí Lâm làm chủ đang khai thác trái phép tại mỏ đá núi Phá Cụm. Trên khu vực khai thác trái phép có 1 máy xúc hiệu Komatsu, 2 máy cắt dây, 1 máy đập đá, 1 lán trại và một số vật  dụng; số lượng đá đã cắt từ núi ra khoảng 12-15m³. Đoàn kiểm tra UBND xã Châu Lộc sau đó đã yêu cầu tổ hợp tháo dỡ lán trại, đưa các loại máy móc, công nhân ra khỏi khu vực khai thác; đồng thời lập biên bản vi phạm hành chính, ban hành quyết định xử phạt…

Lần gần nhất, vào ngày 18/6/2021, Đoàn thanh tra liên ngành do UBND huyện Quỳ Hợp thành lập phối hợp với UBND xã Châu Lộc tiến hành kiểm tra tại khu vực núi Phá Cụm. Qua kiểm tra, phát hiện ông Lê Hùng Cường (em vợ của đối tượng Trần Văn Bảy, thường trú tại xóm Minh Tâm, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp) đang có mặt tại hiện trường cùng với khoảng 20 m³ đá bloc và 100 m³ đá hộc đã khai thác. Hiện trường còn có 1 máy xúc, 1 khu vực lán trại có diện tích khoảng 500 m², tại thời điểm kiểm tra không có hoạt động khai thác. Sau khi xác minh, ông Cường công nhận số đá trên do ông khai thác từ trước. Đoàn đã tiến hành lập biên bản yêu cầu ông Cường dừng ngay việc khai thác khoáng sản, đưa toàn bộ máy móc ra khỏi khu vực và giao cho UBND xã Châu Lộc thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành của ông Cường, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm…

Tìm hiểu thêm về mỏ đá trắng núi Phá Cụm, nơi đối tượng Trần Văn Bảy tổ chức khai thác khoáng sản đá hoa trắng trái phép, trước đây là khu vực mỏ đá đã được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty TNHH Thành Thủy tại Quyết định số 714/UBND.DC ngày 6/3/2009 với diện tích 6,99 ha, thời hạn cấp phép 5 năm (đến ngày 6/3/2014). Tuy nhiên, sau khi được cấp phép, Thanh tra Chính phủ đã kiểm tra và có Kết luận số 128/KL-TTCP ngày 20/01/2010 về việc xử lý sau thanh tra việc quản lý và khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tròn 2 tháng sau khi Thanh tra Chính phủ có Kết luận số 128/KL-TTCP, vào ngày 19/3/2010, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1184/QĐ-UBND.TN đình chỉ 54 điểm mỏ đã được cấp phép khai thác khoáng sản, trong đó có mỏ đá trên núi Phá Cụm của Công ty TNHH Thành Thủy.

Để đến vị trí mỏ đá trên núi Phá Cụm, không quá khó khăn, vất vả. Từ trụ sở UBND xã Châu Lộc đi ngược Tỉnh lộ 532 (hướng lên xã Liên Hợp) với quãng đường chừng khoảng 2km. Sau đó, rẽ trái xuống một cung đường khuỷu tay áo dài chừng 500m thì đến chân núi Phá Cụm. Từ đây, ngược theo một con đường độc đạo có chiều dài khoảng 300m thì đến được đỉnh núi, là nơi khai thác khoáng sản trái phép. Đoạn đường độc đạo từ chân núi lên đến mỏ khá dốc, nhưng việc đi lại thuận lợi bởi bề mặt đường được mở khá rộng, được rải đá, lu lèn tương đối bằng phẳng.

Nhìn toàn cảnh khu vực khai thác trái phép với những sân bãi có diện tích lớn; lán trại được đầu tư xây dựng quy mô, vững chãi; nhiều phương tiện máy xúc, ô tô trọng tải lớn; hiện trường hàng trăm khối đá hoa trắng được cắt ra từ núi vuông vức, lớn đến vài m³…; đặc biệt trên con dốc lên mỏ, còn có hai cánh cửa sắt để ngăn chặn người vào ra, hẳn người giàu trí tưởng tượng cũng không nghĩ đây là một khu vực khai thác khoáng sản trái phép.

Một điểm đáng lưu ý, Phá Cụm hoàn toàn không phải là vùng núi hoang vu, tách biệt, xa khu vực dân cư. Không những vậy, từ trên đỉnh Phá Cụm nhìn xuống, có thể đếm được từng nóc nhà của người dân xóm bản Kèn, để thấy rõ số lượng hộ dân sinh sống nơi đây khá đông đúc. Còn ở chân núi, nơi bắt đầu nhập vào đoạn đường dốc ngược lên khu vực mỏ mà đối tượng Trần Văn Bảy tổ chức khai thác trái phép cũng có đến 6 – 7 hộ dân. Mọi hoạt động của phương tiện vận tải, máy móc lên núi Phá Cụm, hoặc từ núi trở xuống đều chịu sự giám sát của những người dân này.

Với thực tế mỏ đá núi Phá Cụm sát kề khu dân cư, chỉ có một con đường độc đạo duy nhất để lên, phải khẳng định là rất thuận lợi cho công tác quản lý bảo vệ theo quy định tại Quyết định số 4182/QĐ-UBND ngày 12/9/2017 của UBND tỉnh Nghệ An về việc ban hành phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Vì vậy, với tình trạng lặp đi lặp lại vấn nạn khai thác khoáng sản trái phép tại mỏ đá Phá Cụm, không thể không đặt ra câu hỏi: Phải chăng các lần xử lý vi phạm đã qua chỉ là hình thức, còn thực chất là “phạt cho tồn tại”? Và trong vụ việc Trần Văn Bảy và các đồng phạm tổ chức khai thác khoáng sản đá hoa trắng với quy mô lớn, có hay không một “thế lực” ngầm tiếp tay?

Để trả lời những câu hỏi trên, dĩ nhiên, cần chờ kết quả điều tra, xác minh của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh. Nhưng với những gì đã diễn ra, khẳng định Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản mà UBND tỉnh Nghệ An ban hành ngày 01/6/2017 tại Quyết định số 47/2017/QĐ-UBND đã không được tuân thủ, thực hiện nghiêm túc. Vì vậy, Huyện ủy, UBND huyện Quỳ Hợp cần phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền xã Châu Lộc cùng các phòng, ban, đơn vị có liên quan!