Tam Quang (Tương Dương) là xã miền núi đầu tiên của Nghệ An đạt chuẩn NTM. Không tự bằng lòng với những kết quả đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tam Quang tiếp tục chung sức, đồng lòng nâng “chất” các tiêu chí để xây dựng xã NTM nâng cao. Đến nay, diện mạo của xã NTM nâng cao đang hiện hữu từng ngày ở miền quê này và đó cũng là động lực giúp người dân vùng biên từng bước vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Một ngày tháng Giêng ghé thăm làng Bãi Sở (xã Tam Quang, Tương Dương) chúng tôi khá ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt của vùng đất vốn khô cằn sỏi đá này. Theo chia sẻ của cán bộ thôn thì loài cây mang đến sự đổi thay lớn nhất cho cuộc sống của người dân nơi đây chính là thanh long ruột đỏ. Ông Tống Văn Chiến – Cựu bộ đội xuất ngũ là người đầu tiên đưa cây thanh long về với Bãi Sở nói riêng và xã Tam Quang nói chung. Với 10 sào thanh long ruột đỏ, hiện nay ông Chiến là hộ có diện tích thanh long lớn nhất ở xã Tam Quang. Ông Chiến cho hay, 700 trụ thanh long của ông mỗi năm thu hoạch khoảng từ 7 đến 8 lứa, từ tháng 3 đến tháng 11. Có tháng, thu hoạch đến 2 lần. Trung bình mỗi năm, gia đình ông bán được khoảng 7 tấn thanh long ruột đỏ. Từ mô hình của ông Chiến, nhiều người dân Bãi Sở và trong xã Tam Quang đã học tập nhân rộng loại cây có giá trị kinh tế cao này.
Theo bà Kha Thị Hiền – Chủ tịch UBND xã Tam Quang, mỗi năm xã Tam Quang bán được hơn 120 tấn thanh long ruột đỏ, trong đó chủ yếu từ Bãi Sở và đến nay diện tích thanh long ruột đỏ tại làng Bãi Sở đã tăng từ 3, 2 ha lên 10 ha với khoảng 55 hộ tham gia, đạt năng suất 7,0 tấn/ha. Mô hình này đã được xây dựng thành HTX và được tỉnh công nhận sản phẩm đạt chất lượng OCOP 3 sao. Ngoài những vườn thanh long ruột đỏ rộng lớn, người dân Bãi Sở còn tập trung phát triển mô hình chăn nuôi bò nhốt, lợn nái, lợn thịt mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Với đặc thù địa phương có 11 bản, trong đó có 2 bản giáp biên giới với 1.971 hộ/7.806 khẩu người Kinh, Thái, Khơ Mú, Đan Lai, Tày Pọng cùng sinh sống, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, để tạo sự đồng thuận “ý đảng, lòng dân’’ trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, Đảng ủy, chính quyền xã Tam Quang đã chỉ đạo hệ thống tuyên giáo, dân vận đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua hệ thống truyền thanh của xã, mạng xã hội (Zalo, Facebook) để nêu gương người tốt, cách làm hay trong phát triển kinh tế, xây dựng NTM, từng bước xoá bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, xây dựng ý chí tự lực, tự chủ vươn lên, hình thành nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập ổn định tại các bản làng. Nhờ đó, mục tiêu xây dựng NTM nâng cao đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi, lan toả đến mọi người dân.
Tại bản biên giới Tùng Hương, những năm gần đây, ngoài trồng lúa nước, người dân còn chăn nuôi gia súc, gia cầm giống bản địa như lợn đen, gà đen dê giống, bò sinh sản…
Nhiều hộ thoát nghèo nhờ chăn nuôi như gia đình ông Viêng Thanh Hoài với mô hình chăn nuôi bò sinh sản, anh Viêng Văn Thìn với mô hình chăn nuôi dê giống. Bên cạnh đó, vào tháng 4 năm 2021, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền xã Tam Quang, điểm du lịch sinh thái Nậm Xán ở bản Tùng Hương chính thức khai trương.
Bắt nguồn từ biên giới Việt – Lào, chảy qua bản Thái Cổ Tùng Hương, dòng Nậm Xán trong xanh, hiền hòa và mát mẻ, chảy giữa đại ngàn hùng vĩ trở thành điểm đến lý tưởng cho những du khách ưa khám phá thiên nhiên. Ngoài tắm suối du khách còn có thể thưởng thức đặc sản địa phương như dê nướng, gà nướng, cá mát… Đây cũng là hướng phát triển kinh tế gắn với du lịch cho người dân địa phương.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Lô Văn Thăm, SN 1984 – Phó Bí thư chi bộ, quyền trưởng bản Tùng Hương bộc bạch: “Muốn xây dựng nông thôn mới nâng cao thì trước hết phải nâng cao cuộc sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, vậy nên từ chỗ chưa biết khái niệm “phát triển du lịch” là gì người dân trong bản đã không quản ngại cùng các lực lượng bộ đội, dân quân… vất vả vác đá hình thành tuyến đường dài 615m, trong đó đổ bê tông 105m vào khu du lịch sinh thái Nậm Xán”.
Có thể nói, từ khi thực hiện chương trình xây dựng NTM nâng cao đến nay, nhiều hộ nông dân ở xã biên giới Tam Quang đã thay đổi tư duy sản xuất, chăn nuôi; chủ động liên kết để hình thành những vùng sản xuất quy mô, định hình thương hiệu sản phẩm địa phương. Bên cạnh đó, cấp ủy chính quyền địa phương cũng tập trung chỉ đạo khoanh nuôi bảo vệ rừng phòng hộ, khai thác diện tích rừng xoan không có khả năng phát triển để chuyển đổi sang trồng Keo và trồng Mét, tận dụng các diện tích rừng nghèo không có giá trị, đất ven khe, suối để phát triển trồng ngô kết hợp với trồng rừng.
Hiện diện tích rừng nhân dân đã trồng có 251,9 ha (mét 2,6 ha), trong đó rừng dân tự đầu tư có 146,7 ha, rừng được thiết kế 105, 2 ha. Nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao cũng được nhân rộng như mô hình chăn nuôi bò vỗ béo, nuôi lợn thịt. Hiện nay toàn xã hiện có trên 100 hộ nuôi bò vỗ béo, trong đó làng Bãi Sở 85 hộ, còn lại ở làng Nhùng, Bãi Xa, Tam Bông đang hình thành và phát triển, hộ nuôi ít nhất là 4 con, nhiều nhất 14 con, tổng số trâu, bò hiện đang nuôi nhốt là 400 con. Tính trên toàn xã, có tổng đàn trâu, bò khoảng 4.481 con; đàn lợn 2.183 con; đàn dê 694 con; đàn gia cầm 41.515 con.
Bên cạnh đó, xã còn tập trung chỉ đạo nhân dân khai thác triệt để diện tích đất đồi, đất bằng, đất bãi ven sông, ven khe vào sản xuất các loại rau màu và các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng và dễ lưu thông trên thị trường. Tận dụng diện tích ao hồ hiện có đưa vào nuôi thủy sản, phát triển nuôi cá lồng trên các lòng hồ thủy điện theo hướng cá thương phẩm và cá đặc sản; xây dựng đề án bảo tồn và phát triển nguồn cá mát hiện có tại khu vực bản Tùng Hương, gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nông nghiệp…
Trong năm 2021, dẫu gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng nhờ quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ “kép”: vừa chống dịch vừa tăng gia sản xuất, tổng diện tích gieo trồng toàn xã đạt 832.23ha; sản lượng lương thực có hạt 2363.03 tấn đạt 100, 32%, diện tích ao nuôi thuỷ sản đạt 13,6 ha/KH 13,6 ha, đạt 100% so với KH; sản lượng khai thác, nuôi trồng thuỷ sản năm đạt 80 tấn. Nhiều loại cây mới cũng được thử nghiệm và đưa vào sản xuất thành công ở Tam Quang như giống lạc đỏ hay cây tràm – một loại dược liệu quý mới bén rễ trên mảnh đất này gần 2 năm nay. Hiện tại trên địa bàn có gần 2ha cây tràm được hỗ trợ giống từ Ban Dân tộc Nghệ An đã cho thu hoạch.
Theo lãnh đạo xã Tam Quang: “Ngoài hỗ trợ giống, xã còn được Ban Dân tộc tỉnh hỗ trợ một máy chiết xuất tinh dầu tràm, bước đầu ép thử đã cho thấy được tiềm năng của loại cây này trên địa bàn. Tương lai gần dự kiến sẽ mở rộng diện tích trồng tràm lên 10ha và tiến tới thành lập HTX sản xuất tinh dầu tràm. Bên cạnh đó, xã Tam Quang còn thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng xưởng bóc gỗ keo tại bản Tam Bông để tiêu thụ nguồn gỗ keo và tạo việc làm cho lao động trên địa bàn xã (hiện tại có 15 lao động đang làm việc tại xưởng, thu nhập 5, 5 – 6 triệu đồng/tháng)”.
Từ những mô hình sản xuất hiệu quả đã góp phần đưa đời sống người dân trong xã ngày càng được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 36 triệu đồng/người/năm. Từ những hướng đi ban đầu, xã Tam Quang cho hay thời gian tới sẽ tiếp tục “Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất sang sản xuất hàng hóa; chuyển đổi diện tích ruộng nước thường xuyên thiếu nước sang trồng ngô, trồng cỏ phát triển chăn nuôi đại gia súc; tập trung phát triển trồng rừng nguyên liệu, bình quân mỗi năm trồng mới từ 140 – 150 ha (chủ yếu trồng cây keo Úc; mét); mở rộng mô hình trồng thanh long ruột đỏ; quy hoạch xây dựng khu chăn nuôi tập trung tại các bản Bãi Sở, Tam Liên, Bãi Xa; mở rộng mô hình chăn nuôi bò nhốt; xây dựng lò mổ tập trung tại khu vực Khe Bố để từng bước tạo ra sản phẩm thịt trâu, bò đặc trưng xã Tam Quang từ nguồn thực phẩm nhân dân chăn nuôi hàng năm.
Dẫn chúng tôi đi một vòng thăm đồng bãi xanh một màu tốt tươi, cơ sở hạ tầng khang trang, ông Hồ Xuân Tuyến – Phó Bí thư Đảng ủy xã Tam Quang cho biết: Xác định, kết cấu hạ tầng nông thôn là đòn bẩy thúc đẩy phát triển sản xuất, sau khi được công nhận đạt chuẩn xã NTM, phát huy những lợi thế, tranh thủ ngân sách nhà nước đầu tư, vận động Nhân dân, doanh nghiệp ủng hộ, xã tiếp tục huy động nguồn vốn xây dựng NTM nâng cao với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Qua hơn 1 năm đã có nhiều công trình được xây dựng như công trình nước sinh hoạt bản Tam Hương – làng Mỏ, tổng giá trị đầu tư 1,5 tỷ đồng; tuyến đường liên bản làng Mỏ – Tam Liên tổng đầu tư 3,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, bê tông hóa 384m hệ thống kênh mương ở bản Sơn Hà đảm bảo nguồn nước phục vụ tưới tiêu cho công tác sản xuất. Xây dựng Khu Du lịch trải nghiệm Nậm Xán với tuyến đường dài 615m; tiếp tục bê tông hóa các tuyến đường tại các bản làng với tổng chiều dài 1000m.
Bà Kha Thị Hiền – Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho hay: “Chúng tôi xác định tiêu chí nào dễ làm trước, khó làm sau, việc không cần nhiều tiền làm trước, việc cần nhiều tiền làm sau, trong đó những tiêu chí liên quan đến lợi ích của người dân được đặt lên hàng đầu. Ban chỉ đạo của xã cũng phân công các thành viên phụ trách từng tiêu chí, chỉ đạo từng làng bản. Riêng năm 2021, bên cạnh chỉ đạo các bản, làng nâng cấp một số tuyến đường bê tông nội bản đã xuống cấp, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời tại các tuyến đường nội bản, xã còn triển khai cho các thôn chỉnh trang khu vực Nhà văn hoá (xây tường rào, làm giàn mái tôn…), lắp đặt mới và sửa chữa hệ thống loa phát thanh với tổng số tiền huy động trong dân là 371.335.000 đồng và 4.482 ngày công”.
Điển hình như bản làng Mỏ xây mới 240m tường rào xung quanh sân vận động với tổng kinh phí 88.600.000 đồng; bản Bãi Xa xây dựng hệ thống đèn đường chiếu sáng bằng hệ thống năng lượng mặt trời với kinh phí 36.330.000 đồng; bản Tam Hương làm mái tôn, xây cổng, xây bờ rào xung quanh nhà văn hóa với tổng kinh phí 39.427.000 đồng; bản Sơn Hà lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời với tổng số tiền 78.600.000 đồng; làng Bãi Sở nâng cấp cụm loa truyền thanh với số tiền 36.940.000 đồng; bản Tam Liên làm mái tôn nhà văn hoá với số tiền 43.855.000 đồng; làng Nhùng xây dựng hệ thống loa phát thanh và cụm cờ nhà văn hoá với số tiền 47.000.000 đồng. Hiện tại 11/11 bản, làng trên toàn xã đã nâng cấp, sửa chữa hệ thống loa truyền thanh đạt chuẩn. Bắt tay vào xây dựng NTM nâng cao từ tháng 8/2020 đến nay, Tam Quang đã đạt 4 tiêu chí là: y tế; cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; ANTT; hệ thống chính trị. Có 4 tiêu chí cận đạt gồm: hệ thống điện; văn hóa và cơ sở vật chất văn hóa; thông tin và truyền thông; phát triển sản xuất và hình thức tổ chức sản xuất.
Chia sẻ kinh nghiệm tạo đồng thuận “lòng dân, ý đảng” để về đích nông thôn mới và tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, ông Hồ Xuân Tuyến – Phó Bí thư Đảng ủy xã Tam Quang cho biết: “Là địa bàn biên giới có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc khảo sát sự hài lòng của người dân được địa phương coi trọng, qua đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận thức đúng đắn: mục tiêu cuối cùng của NTM là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tăng trưởng nông nghiệp bền vững, tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn. Quá trình triển khai thực hiện, cán bộ đảng viên phải “gương mẫu đi trước để làng nước theo sau”, từ việc xuống đồng cùng dân tăng gia sản xuất đến việc phát triển chăn nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế và các phong trào khác. Bên cạnh đó, thực hiện tốt việc công khai, minh bạch ở tất cả các khâu, nhất là trong huy động và sử dụng các nguồn lực; đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua, kịp thời phát hiện, nhân rộng những mô hình, cách làm hay để người dân học tập và làm theo…”.
Điều quan trọng nhất, theo lãnh đạo xã Tam Quang là phải lấy người dân làm trung tâm trong triển khai mọi công việc từ quy hoạch, đầu tư hạ tầng, phát triển sản xuất, chăm lo sức khỏe, giáo dục, văn hóa… đều phát huy dân chủ để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”. Từ đó, từng bước tạo sự đổi mới trong cách nghĩ, cách làm của đồng bào các dân tộc trong xây dựng NTM.