Rừng Nghệ An và những gợi mở của Bộ trưởng Lê Minh Hoan

Theo người đứng đầu ngành Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng trên thế giới, người ta nhìn rừng qua những giá trị. Và mỗi khi mất rừng do các địa phương sử dụng rừng cho những mục đích khác, như giảm diện tích để chuyển đổi qua làm công nghiệp, làm đô thị, làm hạ tầng thì chúng ta phải đánh đổi. Mọi sự thay đổi, chuyển đổi mục đích rừng là sự đánh đổi. Đánh đổi có thể lời, có thể lỗ, có thể ngang giá, có thể thấy trước mắt, nhưng về lâu dài thì sẽ có những hệ lụy. Nếu trong nông nghiệp, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp đa giá trị. Lâm nghiệp cũng vậy, phải chuyển từ lâm nghiệp với tư duy sản xuất sang lâm nghiệp giá trị kinh tế, tích hợp đa giá trị dưới tán rừng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trao đổi với lãnh đạo xã Tây Sơn (Kỳ Sơn) về phát triển cây pơ mu tại địa phương. Ảnh: Thanh Lê
Bộ trưởng Lê Minh Hoan trao đổi với lãnh đạo xã Tây Sơn (Kỳ Sơn) về phát triển cây pơ mu tại địa phương. Ảnh: Thanh Lê

Liên quan đến vấn đề chế độ, chính sách cho người làm công tác giữ rừng, bà con nhân dân tham gia bảo vệ rừng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, đời sống cán bộ kiểm lâm, cán bộ bảo vệ rừng còn rất nhiều khó khăn, thu nhập thấp. Thực tế này cũng tạo ra nhiều bức xúc cho người giữ rừng, bảo vệ, phát triển rừng. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, điều cần lúc này là “chúng ta hãy chuyển từ tư duy thuê bà con bảo vệ rừng, sang tư duy Nhà nước hỗ trợ tạo ra sinh kế và việc làm dưới tán rừng. Bà con tìm thấy thu nhập ở đó thì sẽ có trách nhiệm giữ rừng. Bởi một điều dễ hiểu, bà con thấy được, không còn rừng thì không còn sinh kế dưới tán rừng nữa. Muốn có sinh kế thì phải chung tay giữ rừng, lúc đó chúng ta mới thành công. Nghĩa là chuyển từ tư duy đi thuê mướn sang tư duy người dân cùng làm kinh tế dưới tán rừng, trở thành cộng đồng làm kinh tế rừng. Chúng ta không phải làm công tác xóa đói, giảm nghèo cho những cộng đồng dân tộc mà họ phải trở thành một thành viên của nền kinh tế dưới tán rừng.

Cụm dân cư sinh sống tại xã Nậm Giải - thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (Quế Phong). Ảnh: Thành Cường
Cụm dân cư sinh sống tại xã Nậm Giải - thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (Quế Phong). Ảnh: Thành Cường

Về việc phát triển dược liệu dưới tán rừng, đây là giải pháp, cách làm cần thiết đối với địa phương có diện tích rừng núi lớn như Nghệ An. Nhưng theo quan điểm của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, là đừng bao giờ nghĩ rằng, trồng dược liệu nhằm hướng tới công tác xóa đói, giảm nghèo. “Nếu tư duy trồng dược liệu để xóa đói, giảm nghèo thì chúng ta hành động sẽ khác. Còn nếu đưa bà con vào hệ sinh thái làm kinh tế dược liệu dưới tán rừng thì chúng ta phải đi theo chuỗi. Chúng ta phải cung cấp giống tốt nhất, phải hỗ trợ bà con một quy trình canh tác chuẩn nhất, tạo ra nhiều sản phẩm OCOP, tạo ra nhiều giá trị gia tăng” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Có một thực tế là lâu nay, trong suy nghĩ của người dân miền núi, rừng là của Nhà nước, của ban quản lý rừng, của các cơ quan thay Nhà nước quản lý và bảo vệ. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, đây là nhận thức chưa đầy đủ. Bà con nhân dân sinh sống dưới tán rừng, bên cạnh rừng chính là chủ rừng. “Vấn đề là chúng ta có dám trao quyền cho bà con không, hay ngại bà con làm không tốt. Bà con làm không được là do các cơ quan Nhà nước, do chúng ta không có niềm tin đối với bà con. Tôi tin rằng, bà con dân tộc nào cũng làm được hết…” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Dưới tán rừng, khi được trao quyền làm chủ, được Nhà nước tổ chức và hướng dẫn thực hiện các chuỗi giá trị, người dân sẽ đưa văn hóa dân tộc mình vào từng sản phẩm và sản phẩm đó là đa tầng giá trị. Nó vừa mang giá trị hữu hình, vừa mang giá trị vô hình. Giá trị vô hình là văn hóa của bà con, là tính cố kết cộng đồng truyền thống lịch sử của địa phương đó. Thị trường, người tiêu dùng sẽ mua sản phẩm đó. Mỗi cái cây chúng đều có dược tính trong đó, nó là thực phẩm, là mỹ phẩm, là dược phẩm… cho nên, chúng ta nghĩ nó đơn giản thì giá trị nó thấp; chúng ta nâng nó lên thì giá trị nó lên. Chính giá trị đó là thu nhập của bà con ở dưới tán rừng.

Người Mông xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn) thu hái chè Shan tuyết. Ảnh: Thành Cường
Người Mông xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn) thu hái chè Shan tuyết. Ảnh: Thành Cường

Ngày 18/7/2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39 về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 có đưa ra một tiêu chí: “Phát triển rừng cùng với thị trường tín chỉ carbon; chú trọng phát triển sản xuất lâm sản ngoài gỗ, nhất là các loại cây dược liệu”… Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, đây là văn kiện rất quan trọng đối với tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, khi thực hiện, Nghệ An phải luôn tư duy một điều, đó là “hãy lấy con người làm trung tâm của quá trình phát triển kinh tế, xã hội, đừng để ai bị bỏ lại phía sau” như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu. Đối với vấn đề phát triển rừng và bảo tồn tính đa dạng sinh học, thì “con người là trung tâm chứ không phải hệ sinh thái là trung tâm. Có người mới giữ được rừng. Mặt khác, cũng cần nhìn nhận bản thân hệ sinh thái nó tồn tại không cần con người, nhưng con người cần tới cái hệ sinh thái đó” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Cấu trúc cộng đồng, cố kết của cộng đồng, văn hóa cộng đồng, truyền thống lịch sử của cộng đồng chính là một hệ sinh thái. Nó mang nhiều tính chất truyền thống lịch sử địa phương, mang tính chất văn hóa, mang tính chất cấu trúc cộng đồng. Ngày nay, thế giới định nghĩa, để một địa phương phát triển cần phải có 3 nguồn vốn đầu tư. Đầu tiên là vốn kinh tế, đó là tài nguyên, là rừng, là đồng ruộng, sông, suối, là ngân sách của địa phương…

Ngoài vốn kinh tế là điều kiện cần, còn có vốn vô hình là văn hóa, xã hội. Đó là những nguồn vốn gắn với một hệ sinh thái tự nhiên, trong đó, quan tâm tới hệ sinh thái con người. Mà con người ở đây là lực lượng kiểm lâm, lực lượng quản lý rừng và rộng hơn nữa là bà con các dân tộc đã gắn bó với rừng từ rất lâu, sau đó, Nhà nước bắt đầu quy hoạch 3 loại rừng. Đối với người dân, rừng linh thiêng lắm. Nguồn cội của bà con ở đó, bà con không chỉ nghĩ đơn giản là khai thác gỗ. Thực sự bà con các dân tộc sống dưới tán rừng bao giờ cũng có ý thức giữ rừng, vì bà con quan niệm trong đó có sự dõi theo, phù hộ của tổ tiên họ…

Vẻ đẹp non nước sông Giăng và đại ngàn Pù Mát. Ảnh: Lê Quang Dũng
Vẻ đẹp non nước sông Giăng và đại ngàn Pù Mát. Ảnh: Lê Quang Dũng