Ưu tiên phát triển các đề án, mô hình phù hợp với điều kiện thực tế, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân là một trong những kết quả đáng ghi nhận của huyện Quế Phong trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Ông chủ vườn chè hoa vàng Lô Văn Sinh ở bản Hủa Na 1, xã Thông Thụ nói: Năm 2012 khi biết thông tin về giá trị của cây chè hoa vàng được mua với giá cao, ông vào rừng tìm những cây con đem về trồng. Từ vài chục cây, đến trăm cây, rồi đến khi huyện triển khai Đề án Bảo tồn và phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2016 – 2020, ông càng tích cực đi tìm… Đến nay, vườn chè hoa vàng của nhà ông đã có hơn 1.000 gốc, với gần 50 cây bắt đầu cho thu hoạch.
Tại xã Thông Thụ, cũng từ triển khai Đề án nói trên, bây giờ ngoài 0,4 ha đẳng sâm với 15 hộ tham gia trồng, trên địa bàn còn có 5 hộ thực hiện công tác bảo tồn, trồng mới cây chè hoa vàng, với diện tích rải rác gần 1 ha. Riêng chè hoa vàng, là cây dược liệu tự nhiên nhưng do có giá trị kinh tế cao, sản phẩm sấy khô có giá từ 2,5- gần 8 triệu đồng/kg, đã tạo nhu cầu đưa cây từ rừng về vườn đồi, vườn nhà và lai ghép giống thành công không chỉ tại xã Thông Thụ, mà còn ở các xã Mường Nọc, Châu Kim, Đồng Văn,…
Còn tại xã Châu Kim, việc thực hiện Đề án “Sản xuất một số loại nông sản hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện Quế Phong giai đoạn 2017 – 2020”, đã tạo thương hiệu gạo thơm Japonica. Bà Lương Thị Biết, cán bộ Địa chính – Nông nghiệp xã Châu Kim cho hay, giống lúa Japonica được trồng trên địa bàn từ năm 2013 cho năng suất, chất lượng cao, bởi vậy khi đề án được triển khai bà con rất phấn khởi, theo đó 185 hộ ở bản Liên Phương được hỗ trợ từ giống, phân bón để trồng trên diện tích 50ha, năng suất trung bình đạt 62 tạ/ ha.
Ngoài yếu tố chất lượng gạo ngon, khi nấu cơm không bị nát, để nguội không bị khô cứng. Giá gạo thương phẩm lại cao gấp đôi so với các giống lúa thuần, giống lúa cao sản khác của địa phương. Bà Ngân Thị Minh, hộ trồng giống lúa Japonica ở xã Châu Kim cho biết, ban đầu mới trồng giống lúa này bà con cũng hơi lo lắng, bởi quy trình ngâm ủ giống đòi hỏi “công phu” hơn so với các giống lúa khác, nhưng đến nay đã quen, việc thu hoạch đã có máy ngay tại chân ruộng thì mọi việc trở nên nhẹ nhàng, hơn nữa ngay lúc gặt đã có người thu mua với giá cao từ 9.000 – 10.000 đồng/kg (so với các giống lúa khác chỉ 5.000 đồng/kg), bà con rất phấn khởi…
Từ khi lòng hồ thủy điện Hủa Na được tích nước để phát điện, đến nay đã có 70 hộ dân với 381 lồng cá thuộc 2 xã Thông Thụ và Đồng Văn được quan tâm, hỗ trợ về con giống, làm lồng lưới nuôi cá, tạo việc làm, giúp bà con nơi đây sớm ổn định cuộc sống. Theo ông Nguyễn Bá Hiền – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quế Phong: Giống cá leo nuôi trong vòng 6 tháng bình quân mỗi con đạt từ 2,0 – 2,5 kg, thời gian nuôi gấp đôi mỗi con có trọng lượng từ 3 – 4 kg, giá từ 150.000 – 200.000 đồng/kg, như vậy khi xuất bán chủ hộ thu về hàng trăm triệu đồng.
Còn rất nhiều mô hình, chương trình, đề án kinh tế khác, góp phần giúp đồng bào nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống như mô hình chanh leo ở xã Tri Lễ và một số ít ở các xã khác với tổng diện tích 172 ha; vùng sản xuất rau, củ, quả tại các xã Châu Kim, Mường Nọc, Tiền Phong, Tri Lễ, Châu Thôn, Quang Phong, Hạnh Dịch, Đồng Văn, Thông Thụ; các dự án chăn nuôi bê, bò, dê, lợn đen, vịt…
Theo báo cáo của huyện, quy mô sản xuất của huyện Quế Phong đến năm 2020 đạt 968,650 tỷ đồng; tăng trưởng bình quân đạt 5,84%. Kết quả này cho thấy, trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXI, huyện Quế Phong đã không ngừng đổi mới, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cho đến triển khai thực hiện.
Đơn cử như Đề án “Bảo tồn và phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2015 – 2020”; Đề án sản xuất một số loại nông sản hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện Quế Phong giai đoạn 2017- 2020; các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình 30a, 135 năm 2019… Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn đã giảm. Nếu như năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 51,43%, nay xuống còn 20,49%.
Ông Bùi Văn Hiền – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: Nhiệm vụ phát triển KTXH, tăng thu nhập và giảm nghèo là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Bởi vậy, với mục tiêu được đề ra tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt từ 42 – 45 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 3,0-4,0%/năm.
Trong thời gian tới, cùng với tiếp tục lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất từ các nguồn của Trung ương, của UBND tỉnh và từ nguồn ngân sách huyện, để triển khai, hỗ trợ người dân phát triển mở rộng các mô hình có sẵn, cũng như triển khai thêm các mô hình mới, huyện sẽ chú trọng thực hiện mô hình liên kết giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người nông dân để nâng cao tính hiệu quả mô hình, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, mang lại thu nhập ổn định cho bà con. Tập trung xây dựng thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường tiêu thụ sản phẩm…