P.V: Trong 1 năm đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; nhiều địa phương bị cách ly, phong tỏa; việc tiếp xúc, đi lại của mọi người bị hạn chế… Chắc hẳn rằng: Đại dịch HIV/AIDS sẽ bị kiềm chế, lắng lại?
Bác sĩ Nguyễn Song Hà: Năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp và có những tác động to lớn đến mọi mặt đời sống xã hội trên thế giới cũng như Việt Nam, bao gồm cả chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Về lý thuyết, dưới tác động của đại dịch Covid-19 sẽ khiến dịch HIV/AIDS ít nhiều giảm mức độ lây lan mới. Tuy nhiên, thực tế dịch HIV/AIDS có xu hướng gia tăng tại nhiều địa phương. Dịch vẫn âm thầm, dai dẳng, lây lan trong cộng đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2021, qua hoạt động tư vấn xét nghiệm, toàn tỉnh đã phát hiện thêm 222 trường hợp dương tính. Nâng tổng số người nhiễm HIV/AIDS còn sống ở tỉnh lên 6.004 người.
Điều đáng nói đường lây truyền HIV cũng đang có sự thay đổi lớn, nhiễm HIV tăng nhanh trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Trong năm có trên 20 người MSM được phát hiện nhiễm HIV/AIDS… Ngoài ra, qua nghiên cứu được triển khai trên 1 nhóm nghiện, chích ma tuý tại huyện miền núi của Trung tâm Phát triển cộng đồng: Trong vòng 1 tháng, đã phát hiện trên 20 người nhiễm HIV mới (chiếm tỷ lệ 8% nhóm). Trong nhóm này có tới 45% người nhiễm HIV/AIDDS. Kết quả nghiên cứu cho thấy, vẫn tồn tại nhiều người nhiễm chưa được phát hiện, tập trung ở nhóm nghiện, chích ma túy ở khu vực miền núi.
Trong năm 2021, Nghệ An triển khai website tự xét nghiệm HIV, cung cấp test nhanh qua website cho người có nhu cầu. Nhờ phương pháp đã có thêm những người nhiễm HIV/AIDS mới được phát hiện. Điều này cũng cho thấy: Vẫn còn sự mặc cảm, kỳ thị, tự kỳ thị trong cộng đồng và bản thân người nghi nhiễm, người nhiễm; vẫn còn nhiều người chưa được tiếp cận để làm xét nghiệm HIV/AIDS.
Hiện nay, Nghệ An có 6.004 người người nhiễm HIV đang còn sống (được quản lý). Số người đang điều trị HIV bằng thuốc kháng vi rút (ARV) là 4.715 người. Số người còn lại không điều trị là do đi làm ăn xa, đi điều trị nơi khác và có thể chưa thực hiện điều trị. Nhìn chung, việc tự bảo vệ, bảo vệ cộng đồng vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào chính ý thức người nhiễm. Và còn có những người nhiễm chưa được tiếp cận để đưa vào điều trị.
P.V: Trong bối cảnh “dịch chồng dịch” này, công tác phòng, chống HIV/AIDS có những khó khăn nào?
Bác sĩ Nguyễn Song Hà: Khó khăn lớn nhất vẫn là kinh phí hoạt động. Đây vốn là khó khăn cố hữu từ nhiều năm. Thế nhưng, khi nền kinh tế – xã hội, các nguồn lực đều tập trung ưu tiên cho phòng, chống Covid-19 thì nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS càng hạn chế hơn nữa. Ngân sách dành cho chương trình phòng, chống năm 2021 chỉ bằng khoảng 40% so với năm trước. Chừng đó kinh phí chỉ có thể đáp ứng cho việc tổ chức Tháng Hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS; mua test xét nghiệm cho đối tượng là công dân nhập ngũ; xét nghiệm khẳng định lại; tổ chức đào tạo, tập huấn cho 1 nhóm nhỏ cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh.
Phải nói thêm rằng, ở thời điểm này, các chương trình, dự án hỗ trợ của tổ chức quốc tế, Nhà nước hầu như không còn. Ở Nghệ An, rất may vẫn còn dự án của Quỹ Toàn Cầu. Dự án này hỗ trợ khoảng 5 tỷ đồng/năm cho các hoạt động: Hỗ trợ thuốc khám, chữa bệnh cho bệnh nhân HIV/AIDS; khám, xét nghiệm HIV/AIDS; hỗ trợ bơm kim tiêm, bao cao su; hỗ trợ kinh phí cho nhân viên tiếp cận cộng đồng và y tế thôn, bản thực hiện sàng lọc người có nguy cơ cao, khuyến khích người đi xét nghiệm… Dự án của Quỹ Toàn Cầu trực tiếp làm việc cùng các đơn vị y tế cơ sở và phòng khám ngoại trú để thực hiện.
Trong năm, thách thức lớn nhất vẫn là việc tiếp cận đưa người đi xét nghiệm HIV/AIDS, đặc biệt là tiếp cận, sàng lọc những người trong nhóm MSM. Cần phải nói thêm, theo ước tính Nghệ An hiện có khoảng 10.000 người có quan hệ tình dục đồng giới nam và xu hướng này đang tăng. Kèm theo đó là số lượng người nhiễm trong nhóm MSM tăng. Những người trong nhóm MSM thường không lộ diện, không thừa nhận bản thân có quan hệ tình dục đồng giới nam… rất khó tiếp cận để xét nghiệm sàng lọc, tuyên truyền hướng dẫn. Số lượng MSM nhiễm HIV/AIDS được phát hiện hầu hết là do họ tự đi xét nghiệm.
Về phía người nhiễm HIV/AIDS, họ gặp nhiều nguy cơ hơn trong dịch Covid-19. Thứ nhất, những người nhiễm HIV/AIDS do sự tự ti, tự kỳ thị nên thường “chậm chân” hơn trong việc tiêm phòng vắc-xin Covid-19, đặc biệt là ở khu vực nông thôn và miền núi. Bản thân họ bị suy giảm mạnh hệ thống miễn dịch, vậy nên, một khi bị nhiễm Covid-19 thì bị đe dọa đến sức khỏe, tính mạng hơn người bình thường. Thứ hai, dịch Covid-19 giáng một đòn mạnh vào kinh tế, sản xuất, đời sống người nhiễm HIV/AIDS vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn. Sự khó khăn rất dễ khiến người nhiễm bi quan, chán nản, nảy sinh các hành động tiêu cực.
P.V: Giữa những bộn bề khó khăn đó, công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Nghệ An có những biến chuyển nào để “sống chung” với dịch Covid-19?
Bác sĩ Nguyễn Song Hà: Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng phải nói rằng, Nghệ An vẫn đảm bảo khá tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tỉnh vẫn duy trì hoạt động 9/9 phòng xét nghiệm khẳng định HIV trên địa bàn, đảm bảo chất lượng xét nghiệm HIV; đa dạng hóa dịch vụ xét nghiệm HIV tại các cơ sở tư vấn xét nghiệm sàng lọc HIV, các cơ sở y tế, tại cộng đồng, xét nghiệm lưu động tại 21 huyện, thành, thị; tư vấn, chuyển gửi thành công người nhiễm HIV từ cơ sở xét nghiệm đến kết nối điều trị HIV/AIDS… 9 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã tư vấn và xét nghiệm HIV cho 89.944 người.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiếp tục mở rộng các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV, đặc biệt là đối với các nhóm nguy cơ cao và các vùng trọng điểm dịch. Hoạt động truyền thông trực tiếp được thực hiện qua đội ngũ chuyên trách, cộng tác viên, đội ngũ nhân viên tiếp cận cộng đồng, số lượt truyền thông về HIV/AIDS là 14.307 lượt, tổng số lượt người được truyền thông là 191.301.081 lượt. Về hoạt động cung cấp vật dụng can thiệp giảm tác hại trong 9 tháng cả tỉnh đã thực hiện cấp phát cho các nhóm nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm, MSM, vợ/chồng/bạn tình của người nhiễm nhiều bơm kim tiêm, bao cao su, chất bôi trơn.
Hoạt động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, duy trì hoạt động tại 12 cơ sở điều trị Methadone và 20 điểm cấp phát thuốc trên địa bàn tỉnh. Tổng số bệnh nhân đang điều trị Methadone là 1.095 người, tổng số bệnh nhân đang điều trị Buprenophine tại 9 cơ sở là 65 người… Hoạt động chăm sóc, điều trị HIV/AIDS tại 21/21 huyện, thành, thị được duy trì ở 25 cơ sở chăm sóc và điều trị, cấp phát thuốc tại xã, phường ở 8 huyện.
Sáng tạo mới của Nghệ An trong bối cảnh dịch Covid-19 là đề xuất, triển khai mô hình xét nghiệm không chuyên qua website. Hệ thống cán bộ y tế giới thiệu website này cho người dân. Người dân thông qua website để đặt lấy test nhanh (nước bọt) về tự xét nghiệm HIV. Test nhanh sẽ được cán bộ y tế Nghệ An gửi phát nhanh về tận địa chỉ người nhận. Sau test nhanh, người tự xét nghiệm chụp hình ảnh gửi lên website và cán bộ y tế sẽ cập nhật, gọi điện tư vấn. Cách làm này sẽ hạn chế được việc tiếp xúc trực tiếp. Sau 10 tháng triển khai, website đã có 1.982 đơn hàng, cho kết quả có 80 test nhanh phản ứng HIV, 78 người được xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV. Tất nhiên, sáng kiến này vẫn có những nhược điểm nhất định khi người ở vùng sâu, vùng xa có hạ tầng thông tin kém vẫn chưa thể tiếp cận.
Trong thời gian nhiều địa phương phải thực hiện phong toả, giãn cách do dịch Covid-19, Nghệ An cũng đã chủ động áp dụng quy định của Bộ Y tế để cấp 3 tháng thuốc điều trị ARV và thuốc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện. Cán bộ y tế sẵn sàng đến tận nhà đưa thuốc cho người nhiễm, người nghiện… Đối với nhóm MSM, Nghệ An thực hiện tiếp cận thông qua cộng tác viên – đại diện các câu lạc bộ MSM để tuyên truyền, tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ kỹ thuật.
P.V: Dự kiến, thời gian tới dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, công tác phòng, chống dịch HIV/AIDS cần có những hướng tiếp cận mới nào để đạt hiệu quả cao hơn?
Bác sĩ Nguyễn Song Hà: Thích ứng, linh hoạt, “sống chung” an toàn với Covid-19 là bài toán cần đặt ra đối với mọi ngành nghề và địa phương. Công tác phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh dịch Covid-19 cũng cần có những hướng mới, đó là: Tiếp tục mở rộng thêm hệ thống cung cấp test nhanh qua trang website; hoạt động hội họp, đào tạo, tập huấn được tổ chức theo hình thức trực tuyến; trong điều trị thực hiện cung cấp thuốc theo quy định của Bộ Y tế 3 tháng/lần. Trong hoạt động kiểm tra, giám sát cần tranh thủ thực hiện vào thời điểm dịch Covid-19 lắng xuống. Đẩy mạnh hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở các vùng xanh. Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng và mạng xã hội. Tập trung công tác hỗ trợ cho các vùng, địa phương yếu kém trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Về lâu dài, để tiếp tục tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 trong bối cảnh dịch Covid-19 thì đòi hỏi các cấp, ngành cần nỗ lực, quyết liệt và cùng vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa trong việc thực hiện các giải pháp. Chúng ta cần có kế hoạch rõ hơn, tìm phương án mới để tiếp cận. Cụ thể là tăng cường đổi mới công tác truyền thông thay cho hình thức tiếp cận thủ công, hội họp đông người trước đây; tạo việc làm cho người dân nói chung, người nhiễm nói riêng; tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh với các loại tội phạm…
Các địa phương xây dựng phong trào, hình thành nên các câu lạc bộ của người nhiễm, MSM. Thực tế cho thấy, ở địa phương nào có phong trào, câu lạc bộ mạnh thì tỷ lệ người nhiễm mới giảm rất nhiều. Ngoài ra, các địa phương cũng cần quan tâm cân đối, bố trí kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, tránh tình trạng không có kinh phí tổ chức các hoạt động như hiện nay.
Các trung tâm y tế huyện, thành, thị cần lưu ý tình trạng cán bộ y tế chuyên trách công tác phòng, chống HIV/AIDS lại kiêm nhiệm quá nhiều nhiệm vụ điều trị, phòng, chống lao, sốt rét, tiêm chủng, bệnh lây nhiễm. Điều này đang khiến cho cán bộ y tế quá tải, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS kém chất lượng. Ở tuyến tỉnh cần có giải pháp để tăng cường nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AISD. Hiện nay, lực lượng cán bộ y tế ở lĩnh vực này khá mỏng.
P.V: Xin cảm ơn bác sĩ!