Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần do các thanh niên”. Về cơ bản, đội ngũ học sinh, sinh viên (HSSV) chính là những thanh niên ưu tú của nước nhà; ngoài trang bị tri thức cần hướng cho họ nâng cao ý thức giác ngộ chính trị, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng để bổ sung nguồn đảng viên chất lượng cao cho Đảng.
Trước thực tế hiện nay, mặt trái của nền kinh tế thị trường, những vụ án đại án được truy tố, xét xử trong những năm gần đây đã tác động không nhỏ đến tư tưởng, động cơ phấn đấu vào Đảng của HSSV, gây những khó khăn nhất định đối với công tác phát triển đảng viên trong khối trường học. Ông Đậu Đức Anh – Phó chánh Văn phòng Đảng ủy Trường Đại học Vinh cho rằng: Việc thường xuyên nắm bắt diễn biến tư tưởng của HSSV để kịp thời đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch, hướng các em có nhận thức đúng về nền tảng tư tưởng, đường lối, chính sách của Đảng phải được đặc biệt coi trọng. Bên cạnh đó, không gì thuyết phục hơn việc sử dụng “người thật, việc thật” là những đảng viên trẻ từ các chi bộ sinh viên để trực tiếp tuyên truyền, giác ngộ cho ĐVTN.
Đảng viên trẻ Văn Huyền Chi, sinh viên năm cuối ngành kế toán thuộc trường Kinh tế (Trường Đại học Vinh) là một trong những tấm gương như thế. Huyền Chi đã phấn đấu học lớp cảm tình Đảng khi còn là học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách (Thanh Chương) nhưng sau đó chưa đủ tuổi nên em chưa được kết nạp tại trường. “May mắn là khi vào Trường Đại học Vinh, em được nhà trường tạo điều kiện tham gia làm cán bộ lớp, cán bộ hội, đồng thời chọn phát biểu truyền cảm hứng tại hội nghị chào đón tân sinh viên. Từ đó, tạo động lực cho em tiếp tục phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng. Trở thành đảng viên, em luôn tự nhắc bản thân phải gương mẫu hơn để tạo sự lan tỏa tích cực tới đoàn viên, thanh niên trong khoa, trong trường”- Huyền Chi chia sẻ. Được biết, bên cạnh thành tích học tập, Huyền Chi còn là lớp trưởng gương mẫu, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn trường Kinh tế (Trường Đại học Vinh). Tương tự, đảng viên trẻ Trần Thị Mai Trang – Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Vinh, trước khi vào đại học đã phấn đấu kết nạp Đảng ở Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, nên em cũng trở thành một trong những nhân tố truyền cảm hứng cho HSSV trong toàn trường.
Cấp ủy của một số trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh cũng cho rằng, để tạo điều kiện cho HSSV vào Đảng thì việc tạo nguồn cần làm sớm. Ngay từ khi học sinh, sinh viên mới nhập học, cấp ủy phải sàng lọc chọn đúng đối tượng để bồi dưỡng, hướng người học vào các phong trào hoạt động và giới thiệu tham gia các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, qua đó, bồi dưỡng các nhân tố tích cực để kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Đối với sinh viên, nếu đủ tiêu chuẩn kết nạp Đảng thì nên kết nạp năm thứ hai hoặc năm thứ ba sẽ có tác dụng phát huy được vai trò của sinh viên trong thời gian học. Bên cạnh đó, cần giao những nhiệm vụ thích hợp đối với đảng viên mới để phấn đấu tiếp và có thể chuyển Đảng chính thức.
Đối với bậc THPT thì vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong vấn đề này cũng rất quan trọng, bởi thầy cô chính là tấm gương để các em soi vào. Ví như cô giáo Sầm Hải Yến – giáo viên Ngữ văn tại Trường THPT Quế Phong, vốn là học sinh đầu tiên của Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh được kết nạp đảng. Lúc ấy, cô Yến là nữ sinh người dân tộc Thái, vượt hơn 200km xuống Vinh để học ở trường nội trú tỉnh. Điều kiện, hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng cô đã không ngừng cố gắng, vừa là Phó Bí thư đoàn trường năng nổ, vừa là học sinh giỏi tỉnh môn Ngữ văn nhiều năm liên tục. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Vinh với kết quả loại giỏi, cô tiếp tục học lên cao học và được nhận về công tác tại Trường THPT Quế Phong, là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và nhiều năm liền được nhận danh hiệu chiến sỹ thi đua. Với vai trò là giáo viên chủ nhiệm, cô Sầm Hải Yến đã định hướng, dìu dắt nhiều học sinh phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2020-2025, mỗi năm toàn tỉnh kết nạp từ 4.500-5.000 đảng viên. Nhưng từ năm 2020 đến 2022, trung bình mỗi năm toàn tỉnh kết nạp 3.776 đảng viên và chưa năm nào đạt chỉ tiêu (năm cao nhất là 2022 kết nạp được 3.998 đảng viên, đạt 94,11% chỉ tiêu). Trong khi hiện nay, thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An giao chỉ tiêu phát triển đảng viên mới cho các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc tối thiểu bằng 3% tổng số đảng viên.
Theo đó, toàn tỉnh thực hiện kết nạp 6.095 đảng viên mới (tăng 1.847 chỉ tiêu so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX). Đó là một thử thách không nhỏ đối với nhiều tổ chức cơ sở đảng. Do vậy, các trường THPT, đại học, cao đẳng được xác định là môi trường tiềm năng để phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn đảng viên chất lượng cao. Ngày 13/01/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Công văn số 1657-CV/TU yêu cầu các ban thường vụ huyện ủy, thành ủy, thị ủy và đảng ủy trực thuộc khảo sát tình hình, xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp phát triển đảng viên, vừa chú trọng về số lượng, vừa coi trọng chất lượng theo tinh thần Nghị quyết số 21. Trong đó, tập trung thực hiện chỉ tiêu kết nạp quần chúng là sinh viên, học viên và học sinh trong các trường học và cơ sở đào tạo.
Đón đầu việc thực hiện Nghị quyết 21, đầu năm 2023, Huyện ủy Thanh Chương đã tổ chức hội nghị lắng nghe và tháo gỡ những khó khăn trong công tác phát triển đảng viên với sự tham dự của các trường THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên trên địa bàn. Tại hội nghị này, ông Nguyễn Văn Quế – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy đã yêu cầu các trường THPT phải tập trung rà soát đề cử các giáo viên và học sinh đủ điều kiện đi học bồi dưỡng đối tượng Đảng. Xây dựng lại quy chế nội bộ, quy định lại một số chức danh như tổ trưởng, tổ phó các tổ chuyên môn… phải là đảng viên.
“Cấp ủy phải xây dựng kế hoạch cụ thể, tiến hành khảo sát, đánh giá, phân tích đúng thực trạng chất lượng quần chúng trong các trường học để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho cơ sở trong công tác tạo nguồn, phát hiện nguồn và công tác kết nạp đảng viên đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện, nguyên tắc, quy trình, hồ sơ, thủ tục quy định. Đặc biệt, các trường THPT chỉ đạo, hướng dẫn chặt chẽ đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, liên lạc thường xuyên với phụ huynh học sinh, tạo điều kiện cho các em học tập tốt, phát huy được vai trò thủ lĩnh thanh niên không chỉ trong sinh hoạt đoàn thể mà còn thật sự xuất sắc trong học tập” – ông Lê Đình Lý – Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An nhấn mạnh tại Diễn đàn “Nâng cao chất lượng công tác phát triển Đảng trong học sinh”.
Mặt khác, để tránh lãng phí nguồn, các tổ chức cơ sở đảng (trường THPT, địa phương nơi cư trú, trường đại học…) cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc liên kết đánh giá, theo dõi, bồi dưỡng chất lượng nguồn kết nạp vào Đảng, nhất là với những học sinh chưa đủ tuổi để kết nạp tại trường THPT.
Ngoài những giải pháp trên, một số cấp ủy cho rằng cần phải nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ theo hướng thiết thực, phù hợp với thời kỳ công nghệ số; tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác Đảng, công tác quản lý đảng viên phù hợp với tình hình thực tiễn. Đặc biệt là tại các chi bộ sinh viên – “hạt nhân” lãnh đạo các đảng viên trẻ trong sinh viên, học viên.
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng yêu cầu tăng cường sự chỉ đạo của cấp ủy đối với các tổ chức chính trị – xã hội, nhất là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Công đoàn trong việc giáo dục, lựa chọn đoàn viên, hội viên ưu tú giới thiệu với tổ chức đảng để xem xét, bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng.
Thực tế cho thấy muốn học sinh, sinh viên tìm đến với tổ chức Đoàn – Hội như một người bạn đồng hành tin cậy, các cấp bộ Đoàn cần đầu tư đổi mới nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động theo hướng gần gũi, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, sự phát triển nhận thức của học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, cần mạnh dạn giao cho HSSV những việc mới, việc khó, để thử thách và giúp HSSV phát huy khả năng, bộc lộ suy nghĩ, nhận thức, lý tưởng phấn đấu của mình, từ đó phát hiện những nhân tố tích cực để bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng. Đồng thời, thông qua các phong trào, hoạt động thực tiễn, các cấp bộ Đoàn – Hội trong nhà trường cần định hướng, giáo dục tăng“sức đề kháng” cho HSSV trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là trên mạng xã hội; tránh tình trạng “nhạt Đảng”, “xa rời chính trị” – như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017-2022.
Để tháo gỡ khó khăn trong công tác kết nạp đối với học sinh trong các trường THPT (học sinh lớp 12) hiện nay khi chỉ tiêu được giao cao gấp nhiều lần so với trước đây nhưng chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể nên quá trình thực hiện còn vướng mắc, nhất là về độ tuổi để tham gia bồi dưỡng nhận thức về Đảng, độ tuổi để xét kết nạp vào Đảng; thời điểm xem xét kết nạp… Tại Văn bản số 291-BC/TU ngày 13/4/2023, Tỉnh ủy Nghệ An đã đề nghị Trung ương có quy định, hướng dẫn cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn đối với học sinh trong các trường trung học phổ thông. Đồng thời, sớm tổng kết Chỉ thị 34-CT/TW, ngày 30/5/1998 của Bộ Chính trị khóa VIII về “Tăng cường công tác chính trị tư tưởng, củng cố tổ chức đảng, đoàn thể quần chúng và công tác phát triển đảng viên trong trường học” để ban hành văn bản chỉ đạo phù hợp với tình hình và điều kiện mới.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là, trên con đường phấn đấu trở thành đảng viên, mỗi học sinh, sinh viên phải có ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao tri thức, trau dồi bản lĩnh chính trị, khát vọng cống hiến và tinh thần phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân như lời bài hát Khát vọng tuổi trẻ “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay..”.