Nghề nuôi tôm mặn lợ trên địa bàn Nghệ An hiện đang đứng trước nhiều rủi ro, thách thức. Tuy nhiên, không thể phủ nhận được tôm là con nuôi thủy sản ven bờ thế mạnh của tỉnh khi có giá trị kinh tế cao, đầu ra tương đối ổn định và ưu thế vượt trội so với các con nuôi thủy sản khác trên địa bàn.
So với các tỉnh trong khu vực, mặc dù không có lợi thế về diện tích ao, đầm tự nhiên ven biển, điều kiện thời tiết khí hậu, thổ nhưỡng lại khá khắc nghiệt nhưng Nghệ An là một trong những tỉnh sớm nhất miền Bắc bén duyên với con tôm.
Mở đầu câu chuyện về hành trình đưa con tôm sú về đất Nghệ An, ông Nguyễn Hồng Cương – một trong những người nuôi tôm sớm nhất tỉnh và hiện là chủ cơ sở sản xuất tôm giống lớn nhất xã Quỳnh Liên (TX. Hoàng Mai) chia sẻ: Con tôm đến với người dân Nghệ An thật tình cờ. Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, ông Cương cũng như một số chủ đầm khác cùng đoàn công tác Bộ Thủy sản (thời điểm đó chưa hợp nhất vào Bộ NN&PTNT) có chuyến tham quan học hỏi kinh nghiệm tại miền Nam và mang theo một ít tôm sú giống về nuôi. Những mô hình đầu tiên bắt đầu từ khu vực Nông trường Trịnh Môn – là địa bàn giáp ranh xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) và phường Quỳnh Xuân (TX. Hoàng Mai) hiện nay. Vốn dĩ ban đầu chỉ nuôi thử nhưng không ngờ mang lại thành công ngoài dự kiến khi năng suất đạt 5-6 tấn/ha, kích cỡ đạt 28-30 con/kg, khi xuất khẩu có giá trị kinh tế cao.
Thành công này khiến các chủ đầm phía Nam cũng phải ngạc nhiên thán phục, bởi con tôm sú vốn gắn liền với vùng biển phía Nam. Chính vì thế, bấy giờ, Nghệ An được Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Công Tạn “bật đèn xanh” làm đề xuất với Bộ Thủy sản mạnh dạn trình quy hoạch để Trung ương hỗ trợ xây dựng mô hình và định hướng đưa Nghệ An thành trung tâm sản xuất giống tôm cho miền Bắc.
Từ gợi mở ban đầu trên, song song với việc khuyến khích bà con đầu tư mở rộng vùng nuôi tôm sú vào địa bàn, Nghệ An cũng được Bộ Thủy sản hỗ trợ trên 20 tỷ đồng làm hạ tầng thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất tôm giống. Từ những cơ sở nhỏ ban đầu, đến nay, Nghệ An đã có vùng sản xuất tôm giống hàng trăm ha tại huyện Quỳnh Lưu và TX. Hoàng Mai. Do được quy hoạch bài bản nên hàng loạt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng đầu về tôm giống cả nước và khu vực vào đầu tư sản xuất tôm giống tại Nghệ An.
Tiếng lành đồn xa, từ vài chục ha ban đầu, chỉ sau 5 năm, diện tích nuôi tôm đã mở rộng lên gấp 5 lần, không lâu sau đó là 20 lần và diện tích đầm được mở rộng từ Quỳnh Bảng, Quỳnh Xuân sang Quỳnh Dỵ, Quỳnh Phương và các xã khác ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, TP. Vinh. Với khoảng 1.800 ha nuôi hàng năm, bao gồm 1.200 ha nuôi 1 vụ và 600 ha nuôi 2 vụ, mỗi năm, Nghệ An cung cấp ra thị trường từ 5.000 – 6.000 tấn tôm, góp phần đưa giá trị xuất khẩu thủy sản Nghệ An có thời điểm đạt kỷ lục là 3 triệu USD/năm.
Tuy nhiên, sau một thời gian nuôi tôm sú, nhận thấy tôm sú có giá trị kinh tế nhưng thời gian nuôi khá dài không phù hợp với điều kiện thời tiết miền Trung; bên cạnh đó, có một số mô hình “xé rào”, thử nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng thành công, thời gian nuôi được rút ngắn nên Bộ NN&PTNT đã đồng ý để các địa phương, trong đó có Nghệ An đưa con tôm thẻ vào cơ cấu giống nuôi mặn lợ.
Theo thống kê, Nghệ An có khoảng 1.400 ha nuôi tôm thâm canh, trong đó, 1.200 ha nuôi 2 vụ/năm (thống kê thành 2.400 ha), trong đó, Quỳnh Lưu gần 500 ha, TX. Hoàng Mai trên 500 ha, Diễn Châu 100 ha và một số ít ở Nghi Lộc và TP. Vinh; năm 2021, sản lượng nuôi mặn lợ đạt 13.484 tấn, trong đó, gần 12.000 tấn tôm thịt; có giá trị xuất khẩu.
Mặc dù 2 năm lại đây chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng giá trị kinh tế mà con tôm mang lại là không hề nhỏ khi hàng năm, thông qua xuất khẩu ủy thác mang lại khoảng 30 triệu USD; xuất khẩu tiểu ngạch và tiêu thụ trên thị trường nội địa mang lại hàng ngàn tỷ đồng. Vì thế, dù nhiều thách thức và rủi ro nhưng con tôm vẫn là lựa chọn hàng đầu của những người nuôi trồng thủy sản.
Tại Quỳnh Lưu, TX. Hoàng Mai hay Diễn Châu đều không khó để tìm ra các ông chủ thành đạt, giàu lên từ tôm. Điển hình là ông Hoàng Văn Tin ở Quỳnh Bảng, ông Nguyễn Hồng Cương ở Quỳnh Dỵ, ông Toán ở Quỳnh Xuân, ông Ngô Xuân Đại ở Diễn Trung, ông Hồ Ngọc Quang ở Quỳnh Đôi… Những ông chủ đầm tôm này đã mạnh dạn đầu tư vào nuôi trong nhà kín, nuôi nhiều giai đoạn, mang lại hiệu quả kinh tế cao, không chỉ 1 năm 1 vụ mà 3 vụ/năm. Nổi bật như gia đình ông Nguyễn Cường ở xã Diễn Trung (Diễn Châu) với diện tích 4 ha ao, đầm, bằng cách nuôi thả 3 giai đoạn, năm 2021 cho năng suất 11,25 tấn/ha/vụ, sản lượng đạt 45 tấn/vụ. Với giá bán 200.000 đồng/kg, cho doanh thu gần 9 tỷ đồng, lợi nhuận trên 3 tỷ đồng. Hay như hộ ông Nguyễn Cảnh Toán ở phường Quỳnh Xuân (TX. Hoàng Mai) trên diện tích nuôi 1 ha, năng suất 14 tấn/ha, giá bán 180.000 đồng/kg, doanh thu 2,5 tỷ đồng, lợi nhuận 1,2 tỷ đồng.
Quả thực, thời huy hoàng của con tôm nuôi đã giúp không ít người nuôi tôm Nghệ An đổi đời chỉ trong thời gian ngắn. Có những thời điểm, người dân ví người nuôi tôm mặn lợ được mùa như… trúng số độc đắc. Tuy nhiên, ngược lại, nếu rủi ro thất bại cũng trở thành kẻ trắng tay! Song, bất chấp sự may rủi ấy, nhiều người vẫn cố bám trụ với nghề.
Anh Võ Anh Tuấn – chủ đầm tôm ở Đồng Cói, xã Quỳnh Yên, nhà ở xã Quỳnh Hưng (Quỳnh Lưu) chia sẻ: Hơn 15 năm nuôi tôm đủ các vùng trong huyện mang lại cho anh nhiều điều, nhưng cũng khiến anh “mất” nhiều trong cuôc sống. Anh bảo, nhiều khi không dám về nhà, phần vì nuôi tôm thì phải bám ao, đầm, phần bởi mỗi lần về là các chủ nợ và ngân hàng đến đòi nợ! Giới nuôi tôm còn ví von đầy cay đắng với nhau rằng, tôm là vật nuôi có… răng sắc nhọn nhất vì “nhai” hết nhà cửa, xe cộ. Biết là rủi ro đến vậy, nhưng theo anh Tuấn, khi đã đam mê nghề nuôi tôm thì cứ lao theo, vì chỉ khi con tôm thắng mới hy vọng trả được nợ nần!
Trong khi đó, ông Ngô Trí Trung – một chủ đầm tôm ở khu vực nuôi tập trung của xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) cho biết: Chi phí đầu tư ban đầu cho 1 ha hồ nuôi tôm lên tới vài trăm triệu đồng từ tiền bạt lót, máy sục khí, điện, đường, đến con giống, thức ăn…; nhưng nếu vụ này thất bại thì vụ sau vẫn tiếp tục thả nuôi để… giữ hồ, giữ nghề. Bởi nếu bỏ, sau này muốn nuôi trở lại thì công cải tạo hồ và chi phí không hề nhỏ.
Tìm hiểu được biết, trên địa bàn xã Quỳnh Bảng có 186,6 ha nuôi tôm mặn lợ. Trong những năm gần đây, số chủ đầm nuôi tôm thực sự có lãi chỉ đếm đầu ngón tay, phần lớn là thua lỗ hoặc hòa vốn. Tại phường Quỳnh Xuân (TX. Hoàng Mai), nghề nuôi tôm xuất hiện rất sớm và có thời điểm được coi là thế mạnh, con phát triển kinh tế và làm giàu của phường cùng với vật nuôi khác như hươu, nai. Thời gian đầu, phường có 5 ha, nhưng có tới 50 hộ nuôi, sau gần 20 năm, diện tích nuôi tôm của phường trên 100 ha và còn 47 hộ nuôi. Mặc dù số hộ nuôi nhiều nhưng quy mô quá nhỏ và thua lỗ nên số hộ trụ được với nghề nuôi tôm không đáng là bao, không ít hộ cầm cố sổ đỏ vay vốn ngân hàng nhiều năm vẫn chưa trả được.
Ông Nguyễn Thanh Tân – Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Yên thừa nhận, thời điểm những năm 2012 về trước, nhà nào nuôi tôm là kinh tế khá giả, nhưng khoảng từ năm 2014 đến nay, số rất ít có lãi, hầu hết chủ đầm là thua lỗ, hoặc huề, do tôm dịch bệnh quá nhiều.
Thực trạng nuôi tôm tại xã Quỳnh Đôi cũng tương tự. Xã có 20 ha tôm, tuy nhiên, do nguồn nước từ sông Mai Giang bị ô nhiễm nặng nên 2 năm nay, chỉ 2 trong số gần 20 chủ đầm đang có lãi và trụ lại được, số còn lại đều đã “treo” hoặc cho thuê lại đầm.
Sự bấp bênh, may rủi đối với người nuôi tôm còn phụ thuộc vào diễn biến thị trường và giá cả. Đơn cử từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên các sinh hoạt lễ hội và mùa du lịch biển không diễn ra, kéo theo nhu cầu thị trường tiêu thụ nội địa của tôm bị giảm mạnh.
Cùng với đó, do ảnh hưởng dịch bệnh nên xuất khẩu cũng hạn chế, thời điểm từ tháng 4 – 7/2020 và giữa năm 2021, giá tôm giảm gần 1 nửa, loại tôm size từ 45-50 con/kg chỉ còn 110.000 – 120.000 đồng/kg, thậm chí loại 60-90 con/kg chỉ còn 50.000 – 60.000 đồng/kg. Trớ trêu là từ đầu quý 4/2021, khi cả nước bước vào trạng thái thích ứng chung sống với đại dịch Covid-19, các giao dịch và sinh hoạt người dân trở lại bình thường thì tôm quay đầu tăng giá nhưng người nuôi lại không có tôm để bán.
Anh Trần Ngọc Cường – chủ đầm tôm tại xã Quỳnh Thuận xuýt xoa: Thời điểm thu hoạch vụ 2 tháng 9 được gần 12 tấn, tôm loại 45 con/kg chỉ bán được 110.000 – 120.000 đồng/kg; nay chỉ sau 2 tháng, giá lên tới 230.000 – 240.000 đồng/kg, cá biệt loại tôm size 35 con/kg có giá lên tới 270.000 – 280.000 đồng/kg thì không có để bán, thật là đáng tiếc!
(Còn tiếp)