Phát huy sức mạnh đoàn kết, xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

Đồng chí Nguyễn Viết Hưng – Bí thư Huyện ủy Yên Thành trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An.

P.V: Trong nhiệm kỳ qua, với sự nỗ lực vượt bậc, Yên Thành đã vươn lên trở thành 1 trong 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh Nghệ An. Đồng chí Bí thư Huyện ủy có thể nêu một số kết quả nổi bật mà Đảng bộ và nhân dân huyện nhà đã đạt được trong 5 năm qua?

Đồng chí Nguyễn Viết Hưng: Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXVI, Yên Thành đã đạt nhiều kết quả quan trọng, cơ bản các chỉ tiêu, nhiệm vụ đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Kinh tế phát triển khá nhanh và chuyển dịch theo hướng tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm giai đoạn 2016 – 2020 ước đạt 9,50%, trong đó: Ngành Nông lâm thủy sản tăng 3,90%; Công nghiệp – xây dựng tăng 13,65%; Dịch vụ tăng 14,55%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 47,515 triệu đồng, tăng 182% so với năm 2015. Tổng thu ngân sách trên địa bàn 5 năm (2016 – 2020) ước đạt 1.591 tỷ đồng, tăng trong kỳ là 1.400 tỷ đồng, trung bình hàng năm tăng 12,20%, đạt kế hoạch đề ra và tăng 1,8 lần so với tổng thu ngân sách giai đoạn 2011 – 2015.

Lãnh đạo huyện thăm nhà máy may ở xã Sơn Thành; Xã Tân Thành áp dụng công nghệ cao sản xuất rau quả trong nhà lưới; Nông dân Thọ Thành tham gia nghề mây xâu xuất khẩu.
Lãnh đạo huyện thăm nhà máy may ở xã Sơn Thành; Xã Tân Thành áp dụng công nghệ cao sản xuất rau quả trong nhà lưới; Nông dân Thọ Thành tham gia nghề mây xâu xuất khẩu.

Yên Thành đã từng bước phát huy thế mạnh của huyện nông nghiệp; cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đa dạng, phá thế độc canh; nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ  và các giống mới được đưa vào sản xuất, tạo ra năng suất, giá trị gia tăng cao, như: cam Xã Đoài, bưởi da xanh, bưởi Diễn, ổi, na, nấm các loại, các giống lúa, ngô… Nhiều mô hình liên doanh, liên kết, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Chăn nuôi có bước phát triển, chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, gia trại, hình thành các khu chăn nuôi tập trung…

Hoạt động của làng nghề tiếp tục có hiệu quả, tạo nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người lao động; thu hút đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng các làng nghề với kinh phí 25,836 tỷ đồng; phát triển thêm 6 làng nghề và 4 làng có nghề, nâng tổng số toàn huyện có 15 làng nghề và 8 làng có nghề.

Hình thành nhiều trang trại trồng cam, tạo thương hiệu cam Yên Thành; Các mô hình chăn nuôi trang trại đảm bảo vệ sinh môi trường; Liên kết sản xuất 2000 ha lúa chất lượng cao.
Hình thành nhiều trang trại trồng cam, tạo thương hiệu cam Yên Thành; Các mô hình chăn nuôi trang trại đảm bảo vệ sinh môi trường; Liên kết sản xuất 2000 ha lúa chất lượng cao.

Tại các cụm, điểm công nghiệp trên địa bàn, các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư xây dựng và mở rộng sản xuất có hiệu quả. Nhiều dự án có tổng mức đầu tư lớn được thu hút, vận hành và tích cực triển khai trên các lĩnh vực trong giai đoạn 2016 – 2020 và những năm tiếp theo.

Ngoài việc thu hút các nguồn lực từ doanh nghiệp và nhà nước, nguồn lực xã hội hóa cũng được phát huy mạnh; công tác đối ngoại nhân dân được tăng cường, đặc biệt là hoạt động kêu gọi, vận động con em Yên Thành trong và ngoài nước hướng về quê hương đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế – xã hội của huyện.

Khu công nghiệp Thị trấn Yên Thành.
Khu công nghiệp Thị trấn Yên Thành.

Phong trào xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng. Với sự tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ tích cực của nhân dân, tạo nên phong trào mạnh mẽ, rộng khắp. Tổng kinh phí huy động xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2019 đạt gần 7 nghìn tỷ đồng. Kết quả, đến năm 2019 có 38/38 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt chỉ tiêu Đại hội (27 – 29 xã), tăng 25 xã so với năm 2015.

Cùng với đó, công tác cải cách hành chính; thi đua khen thưởng; khoa học – công nghệ; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường ngày càng được quan tâm thực hiện có hiệu quả. Văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ. Quốc phòng – an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực; phát huy được sức mạnh đoàn kết, thống nhất trong Đảng và đồng thuận xã hội. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân Yên Thành ngày càng được nâng lên; bộ mặt nông thôn, thị tứ, thị trấn khởi sắc rõ nét. Đặc biệt ngày 16/4/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 524/QĐ-TTg, công nhận huyện Yên Thành đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.

Các lễ hội, phong trào văn hóa - thể thao ở Yên Thành được giữ gìn, phát triển.
Các lễ hội, phong trào văn hóa - thể thao ở Yên Thành được giữ gìn, phát triển.

P.V: So với chỉ tiêu đề ra đầu nhiệm kỳ, Yên Thành đã về đích nông thôn mới sớm hơn 1 năm. Đây là một kết quả đáng khích lệ, được các đồng chí lãnh đạo tỉnh ghi nhận, đánh giá cao, xem như là một điển hình trong xây dựng nông thôn mới. Đồng chí có thể nêu ra một số bài học, kinh nghiệm của Đảng bộ huyện Yên Thành trong việc lãnh đạo, chỉ đạo để đạt được thành tích đó?

Đồng chí Nguyễn Viết Hưng: Bài học kinh nghiệm rút ra từ việc lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị nhiệm kỳ vừa qua đó là: Xây dựng, phát huy được sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đồng thuận xã hội; đề cao tính nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, từ đó tạo nên sức mạnh, thống nhất ý chí và hành động để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị đề ra.

Trong lãnh đạo, điều hành phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo; vừa đảm bảo lãnh đạo toàn diện, vừa tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm để gỡ nút thắt, tạo đột phá. Xây dựng chủ trương, nghị quyết phải có căn cứ khoa học và thực tiễn, tránh chủ quan, duy ý chí. Tổ chức thực hiện phải bằng kế hoạch, đề án phù hợp, cụ thể; được thực hiện nhất quán từ trên xuống dưới; phân công, phân nhiệm rõ ràng, gắn trách nhiệm cho người đứng đầu; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, sơ kết, tổng kết việc thực hiện.

Các xã Lý Thành, Tiến Thành, Đại Thành và Kim Thành đón danh hiệu nông thôn mới.
Các xã Lý Thành, Tiến Thành, Đại Thành và Kim Thành đón danh hiệu nông thôn mới.

Phát huy nội lực, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương; đồng thời tranh thủ tối đa ngoại lực nhằm phát triển kinh tế – xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường.

Phát huy tốt vai trò làm chủ của nhân dân; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở. Hướng về cơ sở, bám sát cơ sở kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đồng thời phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ chủ trì cơ sở trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tại địa phương, đơn vị.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới phải xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, khâu đột phá ở từng thời kỳ, với phương châm lấy nội lực, tự chủ là chính, kết hợp với nhiều chủ trương, cơ chế được triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo nên sức mạnh tổng hợp. Xây dựng nông thôn mới thực sự là ý Đảng hợp với lòng dân; khi ý Đảng hợp với lòng dân thì không có gì chúng ta không làm được.

P.V: Từ bài học, kinh nghiệm và kết quả đạt được của nhiệm kỳ trước, bước vào nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng bộ huyện Yên Thành đề ra những chương trình trọng tâm, bước đột phá phát triển như thế nào để đưa Yên Thành sớm trở thành huyện nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Viết Hưng: Bước vào nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng bộ huyện Yên Thành nhanh chóng xây dựng chương trình hành động, kế hoạch, đề án cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII để tập trung thực hiện có hiệu quả ngay từ đầu nhiệm kỳ, trong đó tập trung vào các chương trình trọng tâm sau: Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, tinh gọn, vận hành thông suốt, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Quảng trường Phan Đăng Lưu (Yên Thành).
Quảng trường Phan Đăng Lưu (Yên Thành).

Nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển bền vững, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, có thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng.

Đẩy mạnh phát triển giáo dục – đào tạo gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chú trọng liên kết đào tạo nhân lực cho các ngành nghề có lợi thế trên địa bàn huyện, nhằm đáp ứng yêu cầu làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp và xuất khẩu lao động. Chủ động tham gia tích cực cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, góp phần nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh tế và phát triển nhanh, bền vững. Tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị các di sản trên địa bàn gắn với phát triển du lịch văn hóa tâm linh sinh thái.

Những cảnh đẹp quê hương Yên Thành nhìn từ trên cao. Video: Sách Nguyễn

Tập trung triển khai quy hoạch vùng và quy hoạch nông nghiệp huyện Yên Thành đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ngày càng đồng bộ, theo hướng hiện đại. Quản lý và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, rừng, nước. Tích cực, chủ động thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả các nhiệm vụ quốc phòng – an ninh; tiếp tục củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, đặc biệt là đảm bảo tốt an ninh nông thôn, vùng đặc thù trên địa bàn.

Cùng với đó là chọn các bước đột phá phát triển: Tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến rõ nét về cải cách hành chính, trọng tâm là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan hành chính, xây dựng chính quyền điện tử; nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực khu vực hành chính công cấp xã và huyện.

Giao dịch tại Trung tâm Một cửa UBND huyện Yên Thành.
Giao dịch tại Trung tâm Một cửa UBND huyện Yên Thành.

Tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông, thủy lợi, hạ tầng đô thị. Tập trung hoàn thành tuyến đường giao thông dọc kênh chính (nối Quốc lộ 1A đến Quốc lộ 7C, huyện Đô Lương) theo quy mô đường cấp VI đồng bằng và xây dựng, cải tạo nâng cấp tuyến đường Sen – Sở (nối Quốc lộ 7B đến Quốc lộ 15, địa bàn huyện Tân Kỳ); đồng thời nâng cấp các tuyến huyện lộ, kiến nghị cấp trên nâng cấp, thảm nhựa các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ trên địa bàn. Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ cho sản xuất và dân sinh, các dự án kênh Biên Hòa, dự án Diễn Yên 2 để góp phần tiêu thoát nước lũ, ngăn mặn, ứng phó với biến đổi khí hậu. Từng bước xây dựng, hình thành mạng lưới đô thị trên địa bàn theo quy hoạch, trong nhiệm kỳ phấn đấu hình thành cơ bản 1 –  2 đô thị loại V; tập trung đầu tư phát triển thị trấn Yên Thành xứng tầm là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của huyện, hướng tới đô thị loại IV.

Tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, liên kết với doanh nghiệp, gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn với các sản phẩm chủ lực trên địa bàn huyện.

Với những chủ trương đúng đắn, sự chỉ đạo đồng bộ, linh hoạt, quyết liệt của cấp ủy; sự nỗ lực, quyết tâm trong quản lý của chính quyền, sự đồng hành của nhân dân, Đảng bộ và nhân dân Yên Thành quyết tâm xây dựng thành công huyện nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trong thời gian sớm nhất.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Đập Vệ Vừng nhìn từ trên cao.
Đập Vệ Vừng nhìn từ trên cao.